Về mặt kinh tế, có một câu trả lời rõ ràng là năm nay sẽ rất khó khăn. Kristalina Georgieva, Tổng giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo vào ngày 1/1 rằng, một phần ba nền kinh tế toàn cầu có khả năng rơi vào suy thoái vào năm 2023. Suy thoái có lẽ đã bắt đầu ở khu vực đồng euro và Anh. Trong một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế gần đây do Đại học Chicago và Financial Times thực hiện, 85% cho rằng nước Mỹ sẽ suy thoái trước cuối năm nay.
Điều này không đảm bảo sẽ có một “cuộc tắm máu” khác, mà thậm chí có thể có nghĩa ngược lại. Về lý thuyết, các thị trường luôn hướng tới tương lai và nỗi lo suy thoái đã rình rập thế giới trong phần lớn năm 2022. Sự đồng thuận rộng rãi như vậy có thể đã được phản ánh vào giá hiện tại, nghĩa là ngay cả một triển vọng tốt hơn một chút cũng sẽ thúc đẩy giá.
Các nhà phân tích tại JPMorgan đồng ý rằng sẽ có một cuộc suy thoái, nhưng giá cổ phiếu trên thực tế sẽ kết thúc năm 2023 cao hơn so với đầu năm. Các nhà nghiên cứu của Goldman Sachs cho rằng giá cổ phiếu sẽ giảm trong thời gian tới, nhưng sẽ phục hồi vào cuối năm nay. Theo Deutsche Bank, chỉ số S&P 500 sẽ kết thúc năm cao hơn 17% so với hiện tại.
Nếu năm nay lặp lại năm 2022 với tổn thất nặng nề cho cả cổ phiếu và trái phiếu, thì đó sẽ là một điều bất thường. Giá cổ phiếu có khả năng đi lên vì hiếm khi giảm hai năm liên tiếp. Lần cuối cùng chỉ số S&P 500 giảm hai năm liên tiếp là vào hai thập kỷ trước trong thời kỳ bong bóng dotcom sụp đổ. Xu hướng trái phiếu năm ngoái là do Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980, và điều này khó có thể lặp lại.
Mặc dù vậy, có nhiều lý do để tin rằng còn nhiều mối lo ngại ở phía trước. Đầu tiên là giá cổ phiếu so với lợi nhuận vẫn đắt đỏ theo tiêu chuẩn lịch sử. Bất chấp sự sụt giảm trong năm ngoái, hệ số P/E của các cổ phiếu tăng trưởng chỉ giảm trở lại mức cũ vào năm 2019. Đây là mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009, mức đã đạt được sau một thập kỷ thị trường giá lên. Các cổ phiếu giá trị thực sự trông hấp dẫn hơn. Nhưng khi suy thoái bắt đầu, cả cổ phiếu tăng trưởng và giá trị đều dễ bị hạ dự báo lợi nhuận mà thị trường phần lớn vẫn chưa phản ánh vào giá.
Hơn nữa, mức định giá ngày hôm nay đã đạt được trong một giai đoạn bất thường: giai đoạn mà các ngân hàng trung ương bơm thanh khoản vô tận vào thị trường thông qua nới lỏng định lượng. Bằng cách mua trái phiếu chính phủ bằng tiền mới được tạo ra, Fed và những ngân hàng trung ương khác đã làm giảm lãi suất và thúc đẩy các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận từ các tài sản rủi ro hơn, chẳng hạn như cổ phiếu.
Bây giờ các chương trình nới lỏng định lượng đang bị đảo ngược. Một hệ quả là các chính phủ sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào các nhà đầu tư tư nhân để nắm giữ trái phiếu mà chính phủ phát hành. Trong năm tài chính 2022 - 2023, Bộ Tài chính Mỹ có thể phải vay các nhà đầu tư gần gấp đôi số tiền đã vay trong mỗi hai năm trước đại dịch Covid-19 và gấp bốn lần mức trung bình trong 5 năm trước đó. Ngay cả khi các ngân hàng trung ương không tăng lãi suất ngắn hạn, tình trạng dư thừa này có thể khiến giá trái phiếu giảm và lợi suất tăng. Cũng giống như năm 2022, cổ phiếu do đó sẽ kém hấp dẫn hơn.
Lý do cuối cùng cho sự ảm đạm là sự khác biệt giữa các nhà kinh tế và nhà đầu tư. Mặc dù giới chuyên gia đang dự báo sẽ có suy thoái kinh tế, nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn kỳ vọng có thể tránh được suy thoái. Các thị trường đang kỳ vọng lãi suất chuẩn của Fed sẽ đạt mức cao nhất dưới 5% trong nửa đầu năm nay trước khi giảm xuống. Nhưng các quan chức Fed dự đoán rằng, lãi suất sẽ kết thúc năm trên 5%.
Do đó, các nhà đầu tư đang đặt cược rằng lạm phát sẽ giảm xuống mức mục tiêu nhanh hơn dự kiến của Fed, hoặc những người bảo vệ tiền tệ sẽ không nỡ gây ra tổn thất cần thiết để hạ lạm phát.
Tất nhiên, có khả năng nhận định của các nhà đầu tư sẽ được chứng minh là đúng. Nhưng các thị trường đã dành phần lớn thời gian trong năm 2022 để đánh giá thấp sự diều hâu của Fed. Nếu mô hình này lặp lại, năm 2023 sẽ là một năm khó khăn nữa đối với các nhà đầu tư.