Chiều 10-1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN). Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng.
Thủ tướng nói về những kỷ lục chưa từng có
Ghi nhận những kết quả của đất nước có sự đóng góp của ngành dầu khí và PVN, Thủ tướng đánh giá cao kết quả sản xuất kinh doanh đều tăng trưởng cao và xác lập nhiều kỷ lục mới. Đó là kỷ lục về sản lượng khai thác dầu thô đạt 8,98 triệu tấn, vượt 28% kế hoạch năm, trong bối cảnh suy giảm dầu thô.
Kỷ lục về sản lượng sản xuất và xuất khẩu phân đạm với 1,88 triệu tấn (vượt 17% kế hoạch). Xuất khẩu 606.000 tấn với giá trị cao là 1,08 tỉ USD, đưa nước ta từ nước nhập khẩu trở thành nước xuất khẩu phân bón với giá trị cao.
Kỷ lục về sản xuất xăng dầu, bao gồm cả nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất. Kỷ lục doanh thu với 931.200 tỉ đồng (gần 40 tỉ USD). Kỷ lục về lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 82.000 tỉ đồng (gần 3,5 tỉ USD). Kỷ lục về nộp ngân sách với 170.600 tỉ đồng (hơn 7,2 tỉ USD), chiếm 9,6% tổng thu ngân sách.
Theo Thủ tướng, càng khó khăn thì càng phải nỗ lực, vượt qua chính mình, quyết tâm, bền bỉ, chuyên nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tuyệt đối tuân thủ sự lãnh đạo, luôn sáng tạo, đổi mới, kết hợp nội lực và ngoại lực.
Năm 2023, Chính phủ xác định thời cơ, thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức. Từ những kết quả đạt được, đặc biệt trong xử lý những dự án tồn đọng kéo dài như nhiệt điện Thái Bình 2, nhiệt điện Long Phú 1, khí Lô B, ứng phó với bất ngờ của giá dầu, thiếu xăng dầu cục bộ… Thủ tướng cho rằng cần phải tự tin, xử lý vấn đề đúng quy luật khách quan.
Không để thiếu năng lượng
Theo đó, Thủ tướng đề nghị PVN cần tập trung cho mục tiêu “năng lực cho phát triển”. Tức là không được để thiếu năng lượng, gồm dầu và khí. Vận hành an toàn, ổn định, hiệu quả cao của các nhà máy, công trình; hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất.
Đẩy mạnh công tác đầu tư phát triển, nhất là chuỗi dự án khí điện Lô B. Xây dựng và ban hành nghị định hướng dẫn Luật dầu khí, gỡ khó về cơ chế, chính sách. Xây dựng các công cụ kiểm tra, giám sát. Phối hợp cùng các bộ ngành đảm bảo quốc phòng, an ninh, an ninh kinh tế cho hoạt động dầu khí.
Theo đó, các giải pháp tập trung gồm thực hiện hiệu quả các chỉ đạo, cụ thể hóa các kế hoạch để thực hiện và kiểm tra, giám sát. Tập trung phát triển chuyển đổi số, mở rộng quy mô, nâng cao năng suất lao động. Thực hiện hiệu quả chuyển đổi năng lượng, tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, phấn đấu nhanh nhất đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; phát triển kinh tế tuần hoàn.
Đối với nhóm giải pháp về tài chính, thường xuyên rà soát, cập nhật tình hình thực tế tiến độ giải ngân các dự án. Công khai, minh bạch, sử dụng nguồn lực nhà nước và tư nhân để phát triển. Việc đầu tư phải hiệu quả, gắn với tăng cường quản trị, đào tạo nhân lực, chính sách tiền lương, khuyến khích đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ.
Xem thêm: mth.20453409101103202-dsu-it-7-noh-hcas-nagn-pog-hnagn-auc-cul-yk-gnuhn-ev-ion-gnout-uht/nv.ertiout