Hành trình đưa nhãn tươi Việt Nam vào Nhật Bản
Cuối tuần trước, lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam đã có mặt tại Nhật Bản. Đây là loại hoa quả tươi thứ 4 của Việt Nam thâm nhập thành công vào thị trường khó tính này sau thanh long, xoài và vải. Điều này mang lại niềm vui lớn cho những người trồng nhãn Việt Nam.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thâm nhập vào Nhật Bản đã khó nhưng việc duy trì chỗ đứng tại thị trường này còn khó hơn nhiều.
Trao đổi với TTXVN, ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho biết Việt Nam và Nhật Bản đã khởi động đàm phán về việc Nhật Bản mở cửa thị trường cho quả nhãn tươi của Việt Nam từ 6 năm trước.
Các cuộc đàm phán về việc Nhật Bản mở cửa thị trường cho nhãn tươi Việt Nam diễn ra khá khó khăn. Dù vậy, nhờ những nỗ lực vận động của các lãnh đạo và cơ quan chức năng Việt Nam, ngày 23/11/2022, phía Nhật Bản đã chính thức cấp phép cho nhãn tươi Việt Nam vào thị trường này.
Trên cơ sở đó, ngày 3/1 vừa qua, Công ty TNHH Hoàng Phát đã xuất khẩu 10 tấn nhãn tươi sang Nhật Bản theo đường hàng không. Đây là lô nhãn tươi đầu tiên của Việt Nam được xuất khẩu vào Nhật Bản theo đường chính ngạch.
Theo Tham tán Tạ Đức Minh, sản phẩm xuất khẩu là giống nhãn Indo, được trồng ở vùng nguyên liệu liên kết tại các tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp, sau đó được đóng gói tại tỉnh Long An. Lô nhãn này đã lên kệ tại các siêu thị ở Nhật Bản vào cuối tuần trước và nhận được sự phản hồi tích cực từ người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Khắc Huy, Giám đốc Công ty trái cây Hoàng Phát cho biết, để xuất khẩu lô trái nhãn này sang Nhật Bản, Công ty đã phải trải qua nhiều quy trình đánh giá khắt khe, được cấp mã số vùng trồng, mã số nhà máy, không dư lượng hóa chất, và đảm bảo quy trình xử lý lạnh ở 1,3 độ C trong vòng 13 ngày, dưới sự giám sát của chuyên gia Nhật Bản. Theo ông Huy, sắp tới Công ty trái cây Hoàng Phát sẽ xuất khoảng 100 tấn/tháng. Hiện Công ty đang hợp tác với bà con nông dân để trồng nhãn theo quy trình cấp mã số và an toàn thực phẩm; đồng thời sẽ thu giá cao hơn hàng nhãn chưa có mã số vùng trồng khoảng 25-30%.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Phải mất 6 năm đàm phán để mở cửa thị trường Nhật Bản cho trái nhãn Việt, cho thấy đây là một thị trường rất khắt khe, minh bạch, yêu cầu chất lượng cao hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, bù lại Nhật Bản là thị trường rất tiềm năng, mỗi năm nhập đến 20 tỷ USD rau quả các loại, trong khi đó Việt Nam chiếm chưa tới 3%. Việc được Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu, cho thấy trái nhãn Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, có thể khai thác mạnh để tăng trưởng tốt hơn trong tương lai.
Duy trì chất lượng quả nhãn xuất khẩu
Quả nhãn là một loại trái cây đặc trưng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Một số quốc gia hiện nay trồng nhãn với diện tích lớn bao gồm Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, Myanma, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… Tại Nhật Bản, quả nhãn cũng được trồng ở một số địa phương khu vực phía Nam (là nơi có khí hậu khá tương đồng với các nước Đông Nam Á) như các tỉnh Kagoshima hay Okinawa, với sản lượng không đáng kể. Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu các sản phẩm nhãn sấy khô/đông lạnh để chế biến thêm vào các sản phẩm chè, nước giải khát…
Là loại quả cùng họ với quả nhãn, quả vải thiều tươi của Việt Nam đã được Chính phủ Nhật Bản phê duyệt cho phép nhập khẩu chính thức kể từ tháng 12/2019. Trải qua hai mùa vụ 2020 và 2021, qua nhiều nỗ lực xuất khẩu và quảng bá thương hiệu, quả vải thiều tươi của Việt Nam cũng đã tạo được tiếng vang tại thị trường Nhật Bản, được đón nhận nồng nhiệt không chỉ bởi cộng đồng người Việt sống tại Nhật mà còn thu hút sự quan tâm, yêu thích của đông đảo người tiêu dùng Nhật Bản vì sự mới lạ, màu sắc và hương vị tươi ngon hơn so với vải Đài Loan hay Trung Quốc.
Với số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Nhật Bản tăng nhanh qua từng năm, cùng với đó là sự đổi mới trong thị hiếu tiêu dùng của người dân Nhật Bản, các mặt hàng thực phẩm nguồn gốc Việt Nam ngày càng được ưa chuộng và được đánh giá có nhiều tiềm năng để thâm nhập cũng như có chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản. Vì vậy, việc Nhật Bản cấp phép cho quả nhãn tươi Việt Nam mở ra cơ hội rất lớn cho những người trồng nhãn trong nước.
Bên cạnh đó, việc thâm nhập thành công vào Nhật Bản, vốn được coi là một trong những thị trường khó tính nhất thế giới, cho thấy trái nhãn tươi Việt Nam đã vượt qua các “phép thử” về chất lượng và hoàn toàn có thể thâm nhập các thị trường khác trên thế giới.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc thâm nhập được vào thị trường Nhật Bản đã rất khó nhưng việc duy trì chỗ đứng ở thị trường này còn khó hơn nhiều.
“Mặc dù quả nhãn tươi Việt Nam đã thâm nhập thành công vào Nhật Bản nhưng chúng ta vẫn cần hết sức cẩn trọng. Nếu chỉ có một lô sản phẩm nào đó có chất lượng không đạt chất lượng hoặc có chất lượng kém hơn so với những gì chúng ta đã quảng bá, chúng ta sẽ mất uy tín, và một khi đã mất uy tín, việc lấy lại uy tín đó rất là khó", Tham tán Tạ Đức Minh nói
Tham tán Tạ Đức Minh cho biết các điều kiện nhập khẩu của Nhật Bản đối với quả nhãn tươi Việt Nam khá nghiêm ngặt như sản phẩm phải được cấp mã số vùng trồng, mã số nhà máy, không có tồn dư hóa chất, đảm bảo quy trình xử lý lạnh ở 1,3 độ C trong vòng 13 ngày dưới sự giám sát của chuyên gia Nhật Bản nhằm loại bỏ sinh vật gây hại. Sau khi hoàn tất quy trình xử lý lạnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cấp chứng thư kiểm dịch thực vật xác nhận lô hàng đảm bảo đủ điều kiện xuất khẩu.
Do đó, theo các chuyên gia, để duy trì vị thế của quả nhãn Việt Nam tại thị trường Nhật Bản, người trồng nhãn cần chú trọng thực hiện đúng quy trình quản lý chất lượng trong mọi khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hái để đảm bảo chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Điều quan trọng là tuyệt đối không để tồn dư các loại hóa chất trong sản phẩm trước khi xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các công ty xuất khẩu cũng cần đầu tư các trang thiết bị và công nghệ bảo quản mới nhằm giúp cho quả nhãn tươi có thể giữ nguyên được màu sắc, hương vị trong thời gian lâu hơn so với trước đây. Nếu làm được điều đó, chắc chắn quả nhãn tươi Việt Nam sẽ có thị phần đáng kể giống như thanh long và vải thiều tại thị trường này.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, báo Nông Nghiệp)