Theo Báo cáo, hiện khu vực châu Á chiếm gần 60% doanh số bán lẻ trực tuyến của thế giới. Doanh thu thương mại điện tử đã tăng 40-50% ở Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ vào năm 2020, vượt xa hầu hết các nước trên thế giới. Tuy nhiên, khoảng cách về kỹ thuật số trong khu vực đã hạn chế tăng năng suất. Khả năng tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến chênh lệch lớn trong từng quốc gia và giữa các doanh nghiệp.
Báo cáo của IMF cho biết, Covid-19 đã gây ra sự sụt giảm trong tăng trưởng năng suất tại các quốc gia đang phát triển và những quốc gia tiên tiến ở châu Á. Xu hướng này càng trở nên trầm trọng hơn khi Covid-19 trở thành một đại dịch. Do đó, việc hạn chế những tổn thương kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng dài hạn trong giai đoạn hậu Covid-19 đã trở thành yêu cầu trong chính sách toàn cầu.
Bà Antoinette Sayeh, Phó tổng giám đốc Điều hành IMF phát biểu tại sự kiện. |
“Đổi mới sáng tạo luôn được xem là động lực cốt lõi mang lại sự phát triển kinh tế và nâng cao mức sống. Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng, dù đã có rất nhiều sáng chế cũng như đầu tư cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển để thể hiện những nỗ lực trong sáng tạo đổi mới, nhưng tăng trưởng năng suất trong khu vực vẫn ở mức chậm, thậm chí thấp hơn so với giai đoạn trước dịch bệnh”, IMF cho biết.
Một yếu tố then chốt lý giải cho sự thiếu kết nối trên, theo Báo cáo của IMF, chính là sự tách rời giữa tăng trưởng năng suất, quá trình đổi mới sáng tạo và số hóa. Quá trình đổi mới nhanh chóng, đặc biệt là sự bùng nổ về quyền sở hữu trí tuệ có thể làm “đóng băng” công nghệ trong một số doanh nghiệp và khiến sự tách rời trên trở nên nghiêm trọng hơn.
Bà Antoinette Sayeh, Phó tổng giám đốc Điều hành IMF đã đưa số liệu đáng chú ý rằng, châu Á đóng góp 60% số lượng bằng sáng chế của toàn thế giới, nhưng đổi mới sáng tạo lại không dẫn đến tăng năng suất. Điều này cho thấy, chất lượng đổi mới sáng tạo không phải lúc nào cũng cao một cách nhất quán và đòi hỏi phải có sự cải thiện về chất lượng các sáng chế để chuyển hóa thành năng suất cao hơn.
Các chuyên gia của IMF đặt vấn đề, điều gì cản trở đổi mới, sáng tạo ở các nền kinh tế đang phát triển châu Á và câu trả lời là: “Gần một nửa số doanh nghiệp vừa và nhỏ và khoảng một phần ba doanh nghiệp lớn ở các nước châu Á mới nổi và đang phát triển gặp khó khăn trong việc huy động vốn, đây là một rào cản lớn đối với việc áp dụng công nghệ”.
Cùng với đó, những hạn chế như khan hiếm lực lượng lao động am hiểu kỹ thuật số, những yếu kém về môi trường pháp lý, kể cả thiếu quy định đầy đủ về bảo vệ dữ liệu và quyền sở hữu trí tuệ đã cản trở chia sẻ thông tin và niềm tin vào việc áp dụng công nghệ.
“Thúc đẩy bảo hộ sở hữu trí tuệ là cần thiết, nhưng không nên tạo ra khoảng cách về mặt công nghệ giữa các doanh nghiệp. Tốc độ truyền bá tri thức chậm thì không thể dẫn đến nâng cao năng suất của nền kinh tế”, bà Antoinette Sayeh nhận định.
Theo các đại biểu, thúc đẩy năng suất lao động ở châu Á cần một cú hích từ số hoá, trong đó cần tăng cường cơ sở hạ tầng kỹ thuật số ở các quốc gia để cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ và thông tin; nâng cao khả năng tiếp cận tài chính sẽ giúp các nhà sáng chế giới thiệu các sản phẩm mới.
Cụ thể hơn, các chuyên gia IMF khuyến nghị:
Thứ nhất, để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, để mở rộng đường biên giới hạn khả năng cần ưu đãi thuế, hỗ trợ cho nghiên cứu và phát triển, chi tiêu công cho nghiên cứu cơ bản.
Thứ hai, tạo thuận lợi cho phổ biến, lan tỏa công nghệ ở những quốc gia như Việt Nam. Cụ thể như, hạ thấp hàng rào thương mại, đơn giản hóa các quy định quản lý FDI (cả trong lĩnh vực dịch vụ). Tạo thuận lợi cho chia sẻ tri thức giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp địa phương (mạng lưới nhà cung cấp).
“Tăng cường hợp tác nghiên cứu và phát triển giữa đại học và doanh nghiệp; nâng cao trình độ kỹ năng cho lao động. Thu hẹp khoảng cách số, cải thiện hạ tầng số và môi trường pháp lý”, chuyên gia IMF nói.
Thứ ba, khuyến khích sự phát triển năng động của khu vực doanh nghiệp trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh thông qua đảm bảo một sân chơi bình đẳng; khuôn khổ phá sản đơn giản và hiệu quả để hỗ trợ cho tái phân bổ nguồn lực trong xã hội.
Báo cáo của Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) về "Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số ở châu Á để thúc đẩy năng suất" được IMF phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Lễ công bố sáng nay (ngày 10/1) nhân dịp bà Antoinette M. Sayeh - Phó tổng giám đốc Điều hành IMF sang thăm Việt Nam.