"Nào mình cùng hát lên nào" gây lắm cảnh dở khóc dở cười, thậm chí cả đổ máu, tù tội, nhất là dịp tiệc tùng khắp nơi cuối năm này…
Quanh năm, bao người đã khổ với các giọng ca rền rĩ bất kể nơi chốn, giờ giấc, khi "mùa xuân sang có hoa anh đào" này thì họ lại càng khốn khổ hơn nữa. Dù một số người đã ý thức nạn "ô nhiễm tiếng hát" và phần nào giảm bớt, nhưng thực tế độ phủ sóng của karaoke loa kẹo kéo vẫn đang diễn ra khắp hang cùng ngõ hẻm.
"Thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu"
Mới gần 18h một ngày cuối năm, xóm nhỏ trong hẻm đường Võ Văn Bích, huyện Củ Chi, TP.HCM, bắt đầu rôm rả nhập tiệc. Tổ chức tiệc sinh nhật cho con gái 2 tuổi, anh Nguyễn Trung Tín (38 tuổi, đã đổi tên) thuê một dàn nhạc sống, kèm theo MC và một ca sĩ nghiệp dư về biểu diễn. Sáu bàn tiệc kín người. Thức ăn, bia bọt dọn ra, mọi người bắt đầu ăn cũng là lúc chàng MC hát một bài chào sân.
Tiếng vỗ tay vang lên, liền đó cô "ca sĩ vườn" trong trang phục bắt mắt tiếp tục góp vui bằng mấy bài bolero với giọng ca khá mùi. Thực khách lưng lửng bụng, bắt đầu đăng ký bài hát yêu thích.
Các "ca sĩ" thay phiên nhau hát, dàn nhạc chơi hết mình, MC phụ họa... khiến không khí trở nên náo nhiệt inh tai. Nào là "Thà là bỏ đi hết ta làm lại từ đầu", "Ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây", "Đắp mộ cuộc tình". Người đứng trên hát, người đứng dưới quay video. Có mấy thanh niên hát một lúc 2 - 3 bài, kèm theo màn vũ điệu tự biên tự diễn náo nhiệt.
Chủ nhà bận rộn thết đãi khách, chạy qua chạy lại giữa các bàn để tiếp đá, tiếp bia... Cô bé 2 tuổi con của chủ nhà chạy theo ba mẹ, có lúc vấp té khóc ré lên. Hai bên ông sui, bà sui cũng nhiệt tình góp những bài "lịm tim" như "Vùng lá me bay", "Bình minh sẽ mang em đi"... "Ông bầu" của dàn nhạc cũng góp vào màn minh họa với cây đàn là... cây chổi quét nhà.
Hàng xóm của đôi vợ chồng cho biết chuyện hát hò ở xóm này là chuyện thường ngày. Không chỉ nhạc trẻ, nhạc bolero, một số người còn hát nhạc Hoa, nhạc tân cổ giao duyên hoặc trích đoạn cải lương. Đến 21h, khách đã ra về gần hết, hai người cháu của chủ nhà vẫn còn nán lại... hát thêm cho đã trong trạng thái ngà ngà say.
Nội thành, ngoại thành... đều hát
Dạt về khu vực ngoại thành TP.HCM, không khó để tìm thấy những quán ăn có kèm nhạc sống, giao lưu văn nghệ. Xen giữa những quán nhậu, các quán này quy tụ nhiều giọng ca "vượt thời đại". Có quán còn kết hợp hát và nhảy.
Chiều mát tại một quán ốc trên đường Lê Lợi, huyện Hóc Môn, một ca sĩ "kẹo kéo" tên Hùng dừng xe và bắt đầu hát những bài tình ca. Khi Hùng đi dần vào trong quán để mời khách mua kẹo bánh ủng hộ, một vị khách nam mượn micro "trình diễn". Sau khi cầm điện thoại chọn bài, lời ca "Thôi về đi em, về đi em chẳng còn gì nữa rồi..." vang lên. Sau khi hát hai bài, vị khách đưa cho Hùng chút tiền. Việc khách ngẫu hứng hát vài bài là chuyện thường. Thậm chí, nhiều khách hứng quá, bỏ tiền thuê loa luôn vài tiếng để thoải mái hát đùng đùng giữa quán mặc người thích thì ít, kẻ khó chịu lại nhiều.
Khoảng 20h, tại một quán ăn có nhạc sống trên đường song hành quốc lộ 22 nối quận 12 và huyện Hóc Môn, một số vị khách trung niên người thì hát, người đang nhún nhảy theo điệu nhạc. Âm thanh xập xình cùng với đèn màu như trên một sân khấu thu nhỏ khiến người đi đường cũng ngó lại nhìn.
Tuy nhiên, không chỉ ngoại thành có phong trào karaoke "đỉnh cao" này, mà ngay tại trung tâm như quận Phú Nhuận, chị Bùi Mỹ Hằng (31 tuổi, đã đổi tên) cũng thường "nóng tai" khi buộc phải nghe những giai điệu karaoke từ hàng xóm hoặc từ một chương trình tiệc tùng gần nhà trong hẻm đường Huỳnh Văn Bánh. Chị mệt mỏi nói: "Gần 23h nhưng tôi vẫn nghe người ta hát "Thật đớn đau lòng tôi mang. Cùng cội đá, tôi chết giữa ngàn khơi...". Chắc là có tiệc tùng gì đó, và bài cuối cùng có âm thanh khủng nhất rồi mới tắt hẳn".
Còn hôm trước, gần nửa đêm, chuẩn bị ngủ nhưng chị Hằng vẫn nghe dưới đường tiếng cảnh sát khu vực đi kiểm tra karaoke từ lời phản ánh của người dân. Vừa rồi, chị cũng quyết định không mua nhà ở một con hẻm tại quận Bình Thạnh vì khi đi xem nhà gặp lúc hàng xóm đang vừa nhậu vừa hát karaoke.
"Dù giá căn đó khá mềm và tôi đang cần chuyển nhà nhưng đành chịu, tìm căn khác yên tĩnh hơn. Đi làm cả ngày, tối về còn chịu đựng màn hát hò sao mà chịu nổi", chị thở dài. Còn tại một nhà hàng ở khu Tên Lửa, quận Bình Tân, 20h, một nhóm khách đến dùng bữa theo lịch đặt trước. Khi vừa nhận phòng V.I.P ở tầng một, món ăn chưa dọn ra, các thực khách ngồi tầng trệt đã được "thưởng thức" những giai điệu đi vào... lòng đất. Để không gián đoạn cuộc chuyện trò, một số thực khách phải dời ra khu vực ngoài trời cho đỡ ồn ào.
Đi làm, về nhà đều đụng "ca sĩ"
Cảnh hát karaoke bằng thiết bị chuyên nghiệp lẫn loa kẹo kéo trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi đi đâu cũng gặp, nhất là ở các khu vực tập trung đông quán nhậu.
Chị Huỳnh Mỹ Ngọc (ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ rằng chị thường xuyên vật lộn với tiếng ồn từ khắp nơi. Nhiều lần đi làm ngang qua đường Phạm Văn Đồng lúc chiều tối, chị phải chịu đựng tiếng nhạc ầm ầm dội vào tai từ hai bên đường. Bởi khu vực này đa phần là quán nhậu, dịch vụ ăn uống...
"Các quán thi nhau mở loa với đủ thứ nhạc xập xình, có nơi hai quán liền kề mở hai bài hát khác nhau với âm thanh lớn dội thẳng vào người đi đường. Rất nhức đầu và không thể nói chuyện được khi đi ngang qua đây. Có khi vừa kẹt xe vừa phải chịu cảnh tra tấn lỗ tai bằng những âm thanh này", chị Ngọc cho biết.
Đến khi về tới nhà, chị tiếp tục nghe rền tai tiếng hát karaoke cách mấy căn. Đôi lần chị muốn góp ý, nhờ tổ trưởng dân phố can thiệp song càng bất lực khi chủ trọ và những người cùng khu trọ chẳng ai lên tiếng.
Chưa hết, tháng trước chị về quê đồng nghiệp ăn đám cưới và gặp cảnh hát với loa kẹo kéo ba ngày liên tiếp. Chị kể: "Tôi ở nhà đồng nghiệp và sân khấu dựng ngay bên hông nhà. Từ 17h là họ mở nhạc trên mạng, đến gần 19h là bắt đầu mọi người lên hát tới hơn 22h mới nghỉ. Âm thanh thì thôi khỏi nói lớn cỡ nào vì ở đó người ta thích vậy. Ba ngày liên tiếp của đám cưới đều như thế", cô gái 28 tuổi ngán ngẩm chia sẻ.
Gần đây, chị Ngọc về quê nghỉ phép lại tiếp tục gặp cảnh "dội bom" bởi loa kẹo kéo của hai đám cưới gần nhà trên con đường chỉ 500m. "Nhà tôi ở giữa, hai đám ở hai bên cách nhà tôi khoảng 6 - 7 căn. Về quê nghỉ ngơi mà hôm đó phải ra khỏi nhà, tìm quán cà phê ngồi vì ở nhà muốn nói chuyện phải hét lớn mới nghe", chị cười như mếu kể.
Đâm chết bạn nhậu vì bị giấu loa kẹo kéo khi đang hát
Ngày 12-7-2022, Công an Bình Phước đã bắt giữ Hứa Hoàng Ngọc (48 tuổi, ngụ xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú), vì trưa 11-7 Ngọc cùng ông Nguyễn Thanh Sang (50 tuổi, xã Tân Tiến) và một số người khác tổ chức nhậu tại nhà ông Hồ Hoàng Phi cùng xã.
Cả nhóm đã lấy loa kẹo kéo ra hát. Sau đó, Ngọc ra ngoài nhưng khi quay vào không thấy loa đâu, nên nghi ngờ ông Sang giấu loa. Hai người cãi vã, Ngọc lấy kéo đâm ông Sang gục tại chỗ. Dù được đưa đi cấp cứu, nhưng ông Sang đã tử vong.
___________________________________________
Để thỏa "đam mê ca hát", người có tiền mua loa lớn, ít tiền thì mua loa cầm tay có thể hát hò bất cứ đâu, lúc nào, kể cả hú hét chọc nhau, chửi nhau.
Kỳ tới: Hát và hú, hét
TTO - Việc trị karaoke ồn ào bằng giải pháp thủ công như ở phường Nại Hiên Đông (Sơn Trà, Đà Nẵng) chỉ là tạm thời, phải tính đến dẹp vấn nạn này bằng các giải pháp thông minh.
Xem thêm: mth.29000343201103202-nat-art-yah-oh-tah-io-iort-1-yk-hnit-couc-om-pad-ir-ner-man-iouc/nv.ertiout