Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi ra đời
Ngày 16/6/2022, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (sửa đổi) đã được thông qua (có hiệu lực từ ngày 1/1/2023) với nhiều thay đổi. Trong đó, cho phép xác định vốn và quản lý doanh nghiệp theo rủi ro đặc thù của từng doanh nghiệp, không cào bằng như trước đây, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững vàng, quản trị lành mạnh và kịp thời chấn chỉnh các doanh nghiệp có biểu hiện chưa tốt trong quản lý tài chính, quản trị rủi ro. Thị trường cũng trở nên minh bạch hơn khi có các quy định rõ ràng về công khai thông tin.
Luật mới khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm phù hợp xu thế số hóa, tạo thuận tiện và tăng cơ hội tiếp cận dịch vụ, sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng. Luật mới cũng cải tiến, giảm các thủ tục hành chính và tạo chủ động cho doanh nghiệp trong phát triển sản phẩm bảo hiểm. Doanh nghiệp không phải chờ phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm như trước đây, mà chỉ thực hiện đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm.
Bộ Tài chính đang xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cho biết, trong năm 2023, việc hoàn thiện các văn bản pháp lý sẽ tiếp tục được Bộ Tài chính tập trung thực hiện. Nền tảng pháp lý hoàn thiện sẽ góp phần giúp thị trường bảo hiểm phát triển hơn nữa cả về lượng và chất.
Nóng bảo hiểm xe máy bắt buộc
Kết thúc năm 2022, thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, với tổng doanh thu phí bảo hiểm ước tăng 15,1% so với năm 2021; tổng tài sản tăng 14,5%; đầu tư trở lại nền kinh tế tăng 12,6%.
Tháng 11/2022, góp ý cho dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới mà Bộ Tài chính xây dựng, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đề xuất loại bỏ bảo hiểm bắt buộc với xe máy do sản phẩm này không mang lại nhiều lợi ích cho xã hội khi có tỷ lệ chi trả bảo hiểm rất thấp.
Trước đó, tháng 7/2022, đề xuất chuyển hình thức bắt buộc mua bảo hiểm xe máy sang hình thức tự nguyện đã được cử tri một số tỉnh Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu... gửi tới Chính phủ với mục đích đảm bảo quyền lợi người dân. Đến cuối năm, đề xuất này một lần nữa được đề cập tới, qua đó làm “nóng” hơn bảo hiểm xe máy bắt buộc với 2 luồng ý kiến trái chiều bỏ và giữ.
Thực tế, sau nhiều năm triển khai, tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với xe máy tính đến năm 2019 vẫn ở mức rất thấp, chưa đến 6% (45 tỷ đồng chi trả trên 765 tỷ đồng phí bảo hiểm), trong khi tỷ lệ chi trả bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự đối với ô tô khoảng 33%, bảo hiểm cháy nổ là 31%. Trong nửa đầu năm 2022, tỷ lệ bồi thường với bảo hiểm bắt buộc xe máy chỉ là 2%.
Hiện nay, tại Việt Nam, mô tô và xe gắn máy vẫn là nguồn phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu, cũng là nguồn gây tai nạn lớn nhất. Tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2020 là 72 triệu xe, chiếm 63,48% nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông (theo số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia).
Chính phủ đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm mang lại nhiều thuận lợi hơn cho người dân. Theo đó, lần đầu tiên sẽ có quy định về giảm phí bảo hiểm.
Nhiều tranh chấp bảo hiểm qua ngân hàng
Năm 2022, kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 2 con số, song cũng lộ diện nhiều tranh chấp. Đến nay, có gần 90.000 nhân viên ngân hàng có chứng chỉ đại lý bảo hiểm.
Chưa bao giờ trên các diễn đàn mạng lại phổ biến các phản hồi khách hàng kêu bị nhân viên ngân hàng “dụ” mua bảo hiểm nhiều như năm 2022 (đi gửi tiết kiệm trở thành hợp đồng bảo hiểm đầu tư, hay ra vay ngân hàng thì bị “ép” tham gia bảo hiểm mới được vay vốn). Không còn xa lạ cảnh khách hàng kêu cứu rằng, ra gửi tiết kiệm bị “hô biến” thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, được nhân viên ngân hàng tư vấn có lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Dù trên website của Tòa án nhân dân Tối cao không hiển thị vụ khởi kiện nào liên quan tới bancassurance, nhưng hàng loạt ngân hàng lớn nhỏ, quốc doanh hay tư nhân đều bị gọi tên vào các vụ tranh chấp kiểu này. Khách hàng còn “tố” các ngân hàng lên Ngân hàng nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công thương... Có ý kiến lo ngại, những tranh chấp kiểu này nếu kéo dài sẽ khiến danh tiếng của các ngân hàng bị ảnh hưởng trầm trọng.
Trước thực trạng trên, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng. Ngoài việc bổ sung một số quy định đối với hoạt động của đại lý bảo hiểm tổ chức (tại Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi), Bộ Tài chính còn bổ sung nhóm quy định liên quan đến trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác, thông tin cho bên mua bảo hiểm, quản lý chất lượng của nhân viên tư vấn trong đại lý tổ chức; bổ sung trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm trong việc kiểm tra, đánh giá và đảm bảo chất lượng dịch vụ đại lý bảo hiểm, đặc biệt qua kênh ngân hàng (tại các văn bản hướng dẫn Luật) .
Ngoài ra, cơ quan này còn tăng cường giám sát đối với hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng thông qua hệ thống báo cáo, quản lý giám sát. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động này, nghiêm cấm hành vi ép buộc khách hàng mua bảo hiểm. Trường hợp phát hiện vi phạm, Bộ Tài chính sẽ xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cơ quan này cũng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đã ký với các ngân hàng; rà soát, nâng cao chất lượng công tác đào tạo và thi chứng chỉ đại lý bảo hiểm đối với các nhân viên ngân hàng; có các biện pháp nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm khai thác qua kênh ngân hàng, đảm bảo hiệu quả, an toàn tài chính của doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.
Bộ Tài chính cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm đa dạng và chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối theo hướng phục vụ tốt nhất bên mua bảo hiểm và tạo điều kiện cho người dân tiếp cận bảo hiểm dễ dàng hơn. Chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối thông qua việc ban hành quy định hoặc các quy tắc đạo đức hành nghề; xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng hệ thống kênh phân phối; chuẩn hóa hoạt động phân phối bảo hiểm qua đại lý tổ chức, đại lý ngân hàng; nâng cao chất lượng đào tạo và thi đại lý bảo hiểm.
Các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng cũng đã nỗ lực triển khai các biện pháp nhằm nâng cao tỷ lệ duy trì hợp đồng bảo hiểm như đa dạng hóa kênh thu phí trên nền tảng trực tuyến và tại ngân hàng nhằm tạo thuận lợi cho khách hàng nộp phí bảo hiểm, giới thiệu các chương trình chăm sóc khách hàng, đa dạng hóa các công cụ nhắc phí như SMS, gọi điện, email…, gắn tỷ lệ duy trì hợp đồng với chính sách thi đua, khen thưởng dành cho nhân viên ngân hàng.