Ngoài bị cáo Đinh Kà Để, HĐXX còn tuyên phạt các bị cáo khác liên quan đến tội danh trên gồm: Lê Khắc Tâm Anh (SN 1970; xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây), nguyên Cán bộ Địa chính – Nông nghiệp – Xây dựng xã Sơn Dung 2 năm tù; Nguyễn Văn Diện (SN 1955; trú phường Quang Trung, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương), nguyên Trưởng phòng đền bù Công ty Cổ phần Thủy điện Đăkrinh 2 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Nguyễn Vỹ Cường (SN 1983; trú tại xã Tịnh Đông, huyện Sơn Tịnh), nguyên cán bộ Địa Chính – Xây dựng xã Sơn Liên 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo; Trần Minh Việt (SN 1986; trú tại xã Sơn Long, huyện Sơn Tây), nguyên cán bộ Địa Chính – Nông nghiệp – Xây dựng xã Sơn Long 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo và bị cáo Hà Văn Tiên (SN 1969), nguyên Trưởng phòng TNMT huyện Sơn Tây, Phó Chủ tịch Hội đồng GPMB dự án Thủy điện Đăkrinh được miễn trách nhiệm hình sự.
Liên quan đến vụ án trên, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ngãi cũng tuyên phạt 3 bị cáo gồm: Trần Đông Phong (SN 1972; trú tại xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây), nguyên Chủ tịch UBND xã Sơn Liên 1 năm 6 tháng tù; Bùi Tấn Nguyên (SN 1980; trú xã Tịnh Phong, huyện Sơn Tịnh), Chuyên viên phòng TNMT huyện Sơn Tịnh (nguyên chuyên viên phòng TNMT huyện Sơn Tây) 1 năm 6 tháng tù; Đinh Văn Bột (SN 1982; trú xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Liên 1 năm tù, cả 3 bị cáo trên điều được HĐXX cho hưởng án treo cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999.
Có 3 bị cáo khác gồm: Vương Quý Thạch (SN 1967; trú tại phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi), nguyên Phó Giám đốc công ty cổ phần thủy điện Đăkrinh; Đinh Văn Treo (SN 1975; trú tại xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Long; Trương Quang Thơ (SN 1986; trú tại: xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa), nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Dung bị VKSND tỉnh Quảng Ngãi truy tố cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” được HĐXX TAND tỉnh Quảng Ngãi miễn hình phạt.
Theo cáo trạng, trong quá trình lập phương án bồi thường đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp dự án thủy điện Đăkrinh khu vực lòng hồ cho các hộ dân tại các xã Sơn Liên, Sơn Long, Sơn Dung (huyện Sơn Tây), mặc dù biết rõ về điều kiện cá nhân, hộ gia đình thuộc diện được bồi thường về đất và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi theo quy định của nhà nước, ông Tô Cước (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây, chủ tịch Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Đăkrinh - đã chết) và bị cáo Hà Văn Tiên biết rõ trong khu vực lòng hồ thủy điện có nhiều trường hợp mua bán đất không đúng quy định. Tuy nhiên, Hà Văn Tiên vẫn đề xuất khi lập phương án đền bù, đưa tên người đã chuyển nhượng đất vào diện được bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi bị thu hồi (quy về chủ cũ).
Chủ tịch Hội đồng bồi thường là ông Tô Cước đã chỉ đạo thực hiện chủ trương trên. Đồng thời, chỉ đạo các Phó Chủ tịch Hội đồng bồi thường hỗ trợ, tái định cư dự án thủy điện Đăkrinh là Hà Văn Tiên và Nguyễn Anh Dũng, (nguyên Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây – đã chết) trực tiếp triển khai tại các xã Sơn Liên, Sơn Long và Sơn Dung.
Bị cáo Tiên và Dũng đã chỉ đạo cho địa chính của 3 xã nói trên là Nguyễn Vỹ Cường, Lê Khắc Tâm Anh và Trần Minh Việt trực tiếp thực hiện chủ trương. Các bị cáo Tiên, Dũng, Tâm Anh, Cường và Việt đều biết rõ chủ trương quy về chủ cũ là xác định không đúng cá nhân, hộ gia đình đủ điều kiện được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp nhưng vẫn thực hiện theo chỉ đạo của ông Tô Cước, Hà Văn Tiên, Nguyễn Anh Dũng cùng với Đinh Văn Bột, Đinh Văn Treo và Trương Quang Thơ là các Phó Chủ tịch xã đã thiếu trách nhiệm dẫn đến hậu quả làm thiệt hại tài sản của nhà nước với số tiền hơn 26 tỉ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa
Cụ thể, tại xã Sơn Liên có 22 người chủ yếu làm nghề buôn bán, cán bộ… không sinh sống và không có hộ khẩu tại xã Sơn Liên, không đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp đã mua 113 thửa đất của người khác. Hội đồng bồi thường đã xác lập hồ sơ 113 thửa đất này có xác nhận của UBND xã Sơn Liên là đất thuộc quyền sử dụng của 39 người (trong đó có 5 người đứng hộ tên) những người này không trực tiếp sản xuất trên đất nhưng được Hội đồng bồi thường lập phương án và thực hiện chi trả tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp sai quy định gây thiệt hại hơn 9,6 tỉ đồng.
Tại xã Sơn Dung với thủ đoạn tương tự, có 37 người mua đất làm nghề buôn bán; cán bộ công chức…, không thuộc diện đối tượng được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp đã mua 163 thửa đất và không canh tác. Để hợp thức hóa, nhóm người này đã nhờ 39 người dân bản địa đứng hộ tên vào diện nhận tiền bồi thường hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp gây thiệt hại hơn 11,7 tỉ đồng. Tương tự ở xã Sơn Long các bị cáo đã cố ý làm sai quy định của nhà nước, gây thiệt hại gần 4,7 tỉ đồng.
Riêng đối với bị cáo Đinh Kà Để, nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Tây, trong các cuộc họp của Ban chỉ đạo, sau khi nghe ông Tô Cước, Chủ tịch Hội đồng bồi thường báo cáo tiến độ, khó khăn vướng mắt như đất trong khu vực lòng hồ chưa được nhà nước cấp giấy chứng nhận QSD đất, tuy nhiên đã được người dân địa phương (người đồng bào) bán, chuyển nhượng cho người kinh, tư thương, cán bộ viên chức nhà nước không đúng quy định pháp luật; giữa họ có sự tranh chấp với nhau về bồi thường, hỗ trợ.
Bị cáo Đinh Kà Để chỉ đạo: “Đối với đất có giấy chứng nhận QSD đất thì bồi thường, hỗ trợ theo giấy chứng nhận QSD đất; đối với đất chưa được cấp giấy chứng nhận QSD đất đã được người dân địa phương bán cho người khác không đúng quy định pháp luật thì xem xét bồi thường, hỗ trợ cho chủ gốc có đất để họ được hưởng lợi 2,5 lần để không bị thiệt thòi”.
Bị cáo Đinh Kà Để cho chủ trương lập phương án cho những người đã bán đất để họ được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp là trái với quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong tổng số tiền hơn 26 tỷ đồng thiệt hại của vụ án thì bị cáo Đinh Kà Để chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 15 tỷ đồng (do chủ cũ đứng tên nhận tiền sai quy định); còn lại với số tiền hơn 10 tỷ đồng do người khác (không phải chủ cũ) đứng tên nhận tiền sai quy định tại xã Sơn Dung, Sơn Liên, bị cáo Đinh Kà Để không chỉ đạo đưa người đứng tên hộ vào phương án bồi thường nên không phải chịu trách nhiệm đối với số tiền hơn 10 tỷ đồng trên.
Trước đó, vào tháng 12/2017, TAND tỉnh Quảng Ngãi đã tiến hành đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và tuyên phạt bị cáo Hà Văn Tiên 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo, Lê Khắc Tâm Anh 2 năm tù cho hưởng án treo; miễn hình phạt cho các bị cáo: Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Vỹ Cường, Trần Minh Việt.
Sau đó, 4 bị cáo: Hà Văn Tiên, Nguyễn Anh Dũng, Lê Khắc Tâm Anh, Nguyễn Vỹ Cường đã có đơn kháng cáo kêu oan, 62 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng có đơn kháng cáo cho rằng án sơ thẩm tịch thu số tiền họ đã nhận là không đảm bảo quyền lợi của họ và yêu cầu tòa phúc phẩm xem xét lại.
Đồng thời, Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ngãi có kháng nghị phúc phẩm yêu cầu tòa án phúc thẩm áp dụng hình phạt tù đối với các bị cáo Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Vỹ Cường, Trần Minh Việt; tăng hình phạt tù đối với các bị cáo Hà Văn Tiên, Lê Khắc Tâm Anh.
Ngày 23/5/2019, TAND cấp cao tại Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử phúc thẩm đối với vụ án này và đã tuyên hủy bán ản sơ thẩm của TAND tỉnh Quảng Ngãi để điều tra xét xử lại.
Đến ngày 16/3/2022, TAND tỉnh Quảng Ngãi mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm lần 2 và tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Xem thêm: lmth.419994-ut-man-3-hnil-yat-nos-yu-neyuh-uht-ib-neyugn/na-neyut-aot/hnid-pahp/nv.ylgnoc