Vương Diên Khánh sinh năm 1960 tại Tấn Trung, thủ phủ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, trong gia đình có cha là thợ cơ khí, mẹ là giáo viên. Ngoại hình hiền lành sáng sủa, tư chất thông minh hơn người, Khánh từ bé được gia đình kỳ vọng làm nên chuyện lớn.
Bố mẹ quá bận rộn với công việc, Khánh được giao cho ông bà nội chăm sóc từ nhỏ. Là cháu trai đích tôn được cưng chiều, Khánh dần biến thành "tiểu hoàng đế", ngỗ ngược, học tập ngày càng sa sút.
Lên lớp 5, Khánh bị đuổi học vì gây gổ ở trường. Ông bà không dám khiển trách, cha mẹ cũng không nỡ mắng mỏ vì Khánh bảo mình hư hỏng tại cha mẹ suốt ngày mải kiếm tiền, không dành thời gian quan tâm. Khánh rời trường học, sa vào đám bạn xấu trên phố.
Sống ở thành phố cơ khí, lại sẵn tư chất thông minh, giỏi toán, Khánh mày mò học cách bẻ khóa bằng tay không. Gia đình khá giả, Khánh chỉ đi ăn trộm vặt cho vui nhưng dần cảm thấy nhàm chán vì quá đơn giản. Khánh chuyển sang đột nhập công ty, ngân hàng, thậm chí kho bạc của huyện, nhà của cảnh sát để khoắng tiền.
Bị đưa vào trại cải tạo, Khánh nghe danh về một "lão tặc vương" khét tiếng nên quyết tâm đến học nghề. Thấy Khánh láu lỉnh, ông ta rất quý, truyền hết các ngón nghề.
Khánh được đặt biệt danh "vua trộm Sơn Tây", khi mới 19 tuổi, hành tung thoắt ẩn thoắt hiện. Giăng lưới suốt thời gian dài, cảnh sát mới bắt được Khánh, năm 1985. Ngày tòa tuyên án tử hình, Khánh hoảng hốt, hét lên ngay tại buổi tuyên án: "Tôi sẽ tiết lộ hết ngón nghề giúp Nhà nước phá án, chống trộm cướp, tôi sẽ lấy công chuộc tội. Đừng xử bắn".
Cân nhắc kỹ lưỡng, tòa quyết định cho bị cáo cơ hội này. Khánh miệt mài cộng tác với giới điều tra và kết quả khiến nhà chức trách không thất vọng. Họ mang đến cho Khánh một loạt két sắt chống trộm hiện đại. "Vua bẻ khóa" chỉ mất chưa đến nửa phút đã vô hiệu, còn vanh vách phân tích yếu điểm của từng loại khóa.
Tòa án và lãnh đạo Bộ Công an khi đó rất hài lòng về Khánh, quyết định giảm án tử hình xuống chỉ còn 20 năm tù. Khánh nhận tin, quỳ lạy cảm ơn chính quyền.
Mọi người ai nấy tin tưởng, phiên bản lương thiện của Vương Diên Khánh cuối cùng trở lại. Nhưng họ đã lầm. Ngay từ ngày đầu bước chân vào trại, Khánh đã lên kế hoạch vượt ngục. Đạt được ân xá chính là bước đầu tiên.
Tận dụng thời gian được lao động ngoài trời, Khánh cùng các đàn em tìm hiểu ngóc ngách nhà tù, ca đi tuần và thói quen sinh hoạt của từng lính canh, ủ mưu đào tẩu.
Nhà tù Phần Dương không chỉ có những bức tường cao ở căn cứ mà còn có lưới điện và các tháp canh, tù nhân khó trốn thoát bằng cách trèo qua tường. Nghiên cứu kỹ lưỡng, Khánh phát hiện nền đất trong xưởng lao động tương đối mềm.
Hắn vận dụng kiến thức toán học, vẽ một bản đồ chính xác về hướng đường hầm, tính toán khối lượng đất cần đào, thậm chí còn lập ra tiến độ. Hằng ngày, khi trở lại phòng giam sau giờ làm việc tại xưởng, hố đất được đậy bằng một chiếc hộp. Mỗi người lấy đất trong hố lấp đầy túi áo, trở về thì đổ vào nhà vệ sinh hoặc rải trên đường.
Khánh che giấu kỹ, hoặc quản lý nhà tù thực sự lỏng lẻo, công việc đào bới kéo dài gần ba tháng cuối cùng cũng hoàn thành, không bị phát hiện. Một đêm mùa đông năm 1988, Khánh nạy cửa buồng giam, cùng 10 đàn em chui vào xưởng lao động, tẩu thoát qua đường hầm dài gần 30 mét.
Cả nhóm lên kế hoạch chạy trốn qua Hong Kong. Song trong đám này, có vài tên tội phạm vặt chỉ bị kết án đôi năm, tỏ ra nản chí, vì bị Khánh ép nên mới phải miễn cưỡng đào tẩu. Khánh sợ bọn họ sẽ lẻn đi hoặc phản bội mình nên tìm cách khiến cho không có đường lui.
Khánh ra lệnh cho nhóm này xông vào cửa hàng tạp hóa, ép giết cả chủ lẫn khách, nếu không sẽ bị Khánh giết ngay. 10 đàn em bất lực, đành làm theo. Giờ tay đã nhuốm máu, tất cả không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuyệt đối trung thành.
Chúng khoắng sạch tiền, tiếp tục trốn sang 11 tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc, Hà Nam, Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Giang Tây, Hồ Bắc, Quảng Tây, Tứ Xuyên, Hồ Nam. Biết bị bắt lại thế nào cũng bị tử hình, chúng điên cuồng gây án.
Trong chưa đầy một năm, chúng giết 15 người, làm bị thương 13 người, cướp 10 ôtô, 8 két sắt và cướp 28 vụ, mỗi vụ thu hàng chục nghìn nhân dân tệ. Nạn nhân là các tiểu thương, tài xế taxi và cả những người đi đường vô tình nhìn thấy chúng.
Chúng cũng tấn công hai cảnh sát và cướp hai khẩu súng làm vũ khí chống trả. Nhưng dần dà, kiểu cùng nhau chạy trốn bộc lộ nhiều yếu điểm. Trong các lần bị cảnh sát chặn đánh, đấu súng, nhiều đồng bọn thiệt mạng hoặc bị thương.
Một lần, khi trốn qua Lâm Phần, tỉnh Sơn Tây, một thành viên do nhớ nhà, đã lẻn về thăm cha mẹ. Gia đình hết lời khuyên ngăn đầu hàng khiến anh ta mềm lòng làm theo. Cuộc chạy trốn sang Hong Kong của Khánh đứng trước bờ vực thất bại.
Khi tất cả đồng phạm đã bị bắt, chỉ còn mình, Khánh vẫn chạy trốn đến Hồ Nam với khẩu súng lục trong tay. Đến Sâm Châu, Khánh gặp cô gái bán hoa, rủ đến nhà nghỉ thì bị cảnh sát địa phương ập vào bắt vì hành vi mua dâm, tối 30/5/1990.
Khánh khi này dùng tên giả, vẫn lớn giọng dọa nạt cảnh sát mình là con "ông to", yêu cầu thả người nhưng vẫn bị giải đi. Lo sợ bị phát giác danh tính, Khánh xuống nước, dùng hết số tiền trong túi đút lót sĩ quan dẫn giải nhưng chỉ khiến người này thêm nghi ngờ.
Nhìn thấy tấm biển "phòng cảnh sát Sâm Châu", Khánh hốt hoảng, giật lấy khẩu súng bên hông sĩ quan này, bắn điên cuồng rồi nhân cơ hội xe mất lái, nhảy ra ngoài. Khánh leo lên mô tô tháo chạy, bắn trả người truy đuổi. Phải mất gần 5 giờ truy đuổi, cảnh sát mới túm được Khánh.
Khánh thừa nhận giết khoảng 15 người nhưng không thể nhớ chỗ chôn. Cảnh sát dỗ dành Khánh bằng rượu thịt, mất vài tháng mới dụ hắn nói được đủ 15 địa điểm, mang thi thể về trao lại cho người nhà các nạn nhân.
Cuối năm 1990, Khánh và các đồng bọn đều bị tuyên tử hình, thi hành án công khai trước hàng vạn người dân, tại bãi đá của núi Thiên Long, ngoại ô thành phố Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Hai lần bị tuyên án tử, lần này, "Vua cướp Sơn Tây" mới thực sự phải trả giá cho tội ác.
Hải Thư (Theo Zhuanlan, QQ, Sohu)
Xem thêm: lmth.7638554-cugn-touv-uum-pal-ed-gnoul-naoh-ov-mort-auv/ten.sserpxenv