Với không gian nhà ở kín mít, quỹ đất công hiếm hoi còn lại ít ỏi không làm công viên, người dân đô thị sẽ dần mất cơ hội sống trong lành dưới những không gian xanh.
Ở góc độ nào đó, đây là quyết định dũng cảm, đặt lợi ích người dân lên trên những lợi ích kinh tế khác. Sở dĩ nói vậy, bởi theo quy chuẩn yêu cầu đối với các đô thị loại 1 và loại đặc biệt, diện tích cây xanh phải đạt tối thiểu từ 6-7m2/người. Trong khi thực trạng diện tích cây xanh bình quân trên đầu người tại TP.HCM đang ở mức rất thấp, chưa đạt được 1m2/người.
So sánh với những đô thị cùng loại, dù cũng chưa đạt nhưng cao hơn rất nhiều như Hà Nội đạt hơn 2m2/người, Đà Nẵng đạt 2,4m2/người, Hải Phòng 3,41m2/người.
Trước nhu cầu bức thiết, nhằm tăng tỉ lệ phủ xanh, TP.HCM đã quy hoạch hơn 11.000ha dành cho công viên, tương ứng mỗi người dân được hưởng 7m2 đất công viên. Nhưng tiến độ thực hiện các công viên rất chậm chạp.
UBND TP.HCM cũng thông qua đề án phát triển công viên và cây xanh công cộng trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu đến năm 2025 sẽ tăng thêm tối thiểu 150ha đất công viên công cộng, tăng thêm 10ha mảng xanh công cộng trên địa bàn. Đến năm 2030, mục tiêu tổng diện tích cây xanh nâng lên 3-4m2/người.
Mục tiêu này sẽ khó thực hiện nếu không có kế hoạch và giải pháp cụ thể, mà việc chuyển đổi các khu đất công thành công viên cây xanh, trường học là một giải pháp mạnh mẽ cần nhân rộng.
Nếu khu đất công nào cũng dành để làm tòa nhà chung cư, trung tâm thương mại thì không chỉ mục tiêu này khó thực hiện mà người dân thành phố, nhất là ở nội thành, dần mất cơ hội có một không gian vui chơi, thư giãn và thành phố mất cơ hội có một không gian góp phần làm cho đô thị xanh, sạch, đẹp.
Cũng phải nói thêm, lâu nay việc làm dự án công viên cây xanh chủ yếu dựa vào vốn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp và nhu cầu đầu tư nhiều lĩnh vực rất lớn, công viên cây xanh chưa phải ưu tiên hàng đầu trong đầu tư.
Bằng chứng là trong danh sách các công trình cấp thiết cần đầu tư, danh mục các dự án công viên luôn được xếp ở cuối hàng và nếu chỉ trông chờ vào ngân sách thì mỗi năm diện tích công viên cây xanh chỉ thêm được 10ha.
Do vậy, cần phải thay đổi, thiết kế chính sách để kêu gọi nguồn lực tư nhân làm dự án công viên. Muốn vậy, chính quyền phải cho thấy rõ lợi ích, lợi nhuận để nhà đầu tư tư nhân tham gia. Theo đó, có cơ chế để nhà đầu tư khai thác, kinh doanh các dịch vụ công cộng phục vụ cho công viên như tổ chức hội chợ, khu ăn uống, bãi để xe, khu vui chơi trẻ em, chợ đêm...
Như vậy mới hấp dẫn và đảm bảo khả thi cho tư nhân vào đầu tư. Nhìn vào giá trị tạo ra trong tương lai, việc chuyển đổi đất công sang công viên, trường học thay vì nhà ở, trung tâm thương mại... không phải là sự hy sinh, mà là sự đầu tư có khả năng sinh lợi cao của thành phố.
Đúng 10 năm kể từ khi được phê duyệt quy hoạch, dự án di dời nghĩa trang Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân, TP.HCM) gặp vô vàn trắc trở. Nhưng thông tin toàn bộ khu vực này có thể thành công viên, trường học một lần nữa khiến nhiều người dân mong chờ.
Xem thêm: mth.83603357021103202-mac-gnud-hnid-teyuq-tom/nv.ertiout