Người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần Nông dược HAI (mã chứng khoán HAI) vừa thông báo hội đồng quản trị đã nhận đơn từ nhiệm chức thành viên hội đồng quản trị của bà Bùi Hải Huyền.
Vị lãnh đạo này rời đi “vì lý do cá nhân”. Thông tin này được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố vào hôm nay 12-1.
Trước đó bà Huyền từng giữ chức chủ tịch hội đồng quản trị của HAI (vào tháng 10-2018), sau đó ông Nguyễn Đức Công thay thế nên bà đã lui xuống giữ vị trí thành viên hội đồng quản trị (từ tháng 4-2021).
Hiện tại bà Huyền là người đại diện theo pháp luật kiêm tổng giám đốc của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC.
Vào hôm nay, thông tin ông Lê Bá Nguyên - chủ tịch Tập đoàn FLC - thay mặt doanh nghiệp thông báo về việc biến động nhân sự cấp cao, cũng được Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM công bố rộng rãi.
Cụ thể, ông Nguyễn Mạnh Cường chính thức không còn đảm nhận chức vụ trưởng bộ phận kiểm toán nội bộ, do có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân. Cả bà Trần Thị Mỹ Dung - thành viên bộ phận kiểm toán nội bộ - cũng đã gửi đơn từ nhiệm xin rút lui khỏi vị trí quan trọng này.
Như vậy bộ phận kiểm toán nội bộ của FLC chính thức không còn người. Đây là sự việc tương đối hiếm gặp ở các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán.
Về Nông dược HAI, vào cuối năm ngoái doanh nghiệp cho biết đã thuyết phục các đơn vị kiểm toán đủ năng lực và chuyên môn thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021, nhưng chưa có đơn vị nào phản hồi.
Điều này khiến báo cáo tài chính năm 2021 chưa được kiểm toán, nên chưa có cơ sở tài liệu tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021.
Cũng vào giai đoạn cuối năm trước, doanh nghiệp bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt tổng cộng 170 triệu đồng, do vi phạm hàng loạt lỗi về công bố thông tin, như:
Không công bố báo cáo tài chính bán niên năm 2022 soát xét, không công bố đầy đủ về việc thế chấp quyền sử dụng đất 3.048m2 ở đường Kinh Dương Vương (TP.HCM) để đảm bảo cho các khoản vay của công ty và bảo lãnh cho khoản vay của Công ty AOS tại Agribank Sài Gòn...
Sau khi ông Trịnh Văn Quyết - nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn FLC - bị bắt để điều tra về hành vi thao túng chứng khoán, các công ty thuộc hệ sinh thái cũng bị chao đảo.
Bản thân Tập đoàn FLC cũng liên tục trễ hẹn, chưa hoàn tất báo cáo tài chính kiểm toán 2021 và báo cáo tài chính soát xét bán niên 2022. Chưa có đủ tài liệu, nên doanh nghiệp cũng chưa thể tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2022.
Do doanh nghiệp vi phạm, nên hàng loạt cổ phiếu "họ FLC" cũng bị xử phạt trên sàn chứng khoán. Trong đó mã ROS (Xây dựng FLC Faros) đã bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán TP.HCM.
Cả FLC, HAI và ART (Chứng khoán BOS) đều bị đình chỉ giao dịch. Mã AMD (Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone) bị đưa vào diện kiểm soát. GAB (Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC) và KLF (Đầu tư thương mại và Xuất nhập khẩu CFS) bị hạn chế giao dịch.
Trừ mã GAB vốn hiếm khi xuất hiện giao dịch nên giá vẫn neo cao, các mã khác thuộc "họ FLC" đã bị giảm từ 80-90% giá trị kể từ mốc đỉnh đã lập vào đầu năm trước, hiện chỉ còn quanh mốc 900-3.600 đồng/cổ phiếu.
Với hàng loạt biến động lớn, nhiều nhà đầu tư vẫn đang bị "giam hàng" và chưa biết khi nào có thể bán cắt lỗ cổ phiếu "họ FLC".
Năm 2023, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng yêu cầu công tác kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm và xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, kịp thời, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ.
Xem thêm: mth.21413854121103202-ehg-ior-cut-neil-clf-oh-oac-pac-us-nahn/nv.ertiout