Tháng 5/2021, ở Singapore, Eliza, chuyên gia pháp lý ở độ tuổi 40, tham gia một nhóm thảo luận về đầu tư trên ứng dụng Discord. Cô nghĩ rằng đây là một không gian an toàn để kết nối với những người cùng chí hướng.
Trong một nhóm có khoảng 12.000 thành viên, nhiều người thường nhắn tin riêng cho nhau. Vì vậy, Eliza không nghĩ nhiều khi trả lời một tin nhắn riêng đến từ người dùng tên Andy.
Tháng 1/2022, ở Malaysia, Samantha, chuyên viên 50 tuổi, nhận được một tin nhắn từ người lạ qua Instagram. Người đàn ông tên Zi Ming viết: "Bạn làm tôi nhớ đến giáo viên cũ. Tôi rất nhớ cô ấy". Samantha, đang sống một mình sau ly hôn, rất ngạc nhiên nên đã trả lời tin nhắn. Vài tháng sau, họ phát triển mối quan hệ tình cảm qua mạng.
Cùng thời gian, ở Canada, nhà đầu tư Sajid Ikram tình cờ thấy một người anh chưa từng gặp xuất hiện trong danh sách "những người bạn có thể biết" trên Facebook. Sajid thêm bạn bè với cô gái tên Nydia vì tò mò và hỏi làm thế nào họ biết nhau. Sau khi Nydia nói mình là nhà phân tích tiền điện tử, anh cho rằng tài khoản của cô được đề xuất vì họ có cùng sở thích.
Sajid có danh mục đầu tư tiền điện tử trị giá sáu con số và đang tìm cách chuyển sang một nơi khác ngoài ví lạnh để có thể dễ dàng tiếp cận hơn. Khi Nydia đề xuất nền tảng của mình, anh nghĩ "Tại sao không?".
Khác biệt về mặt địa lý nhưng Eliza, Samantha và Sajid có một điểm chung: Những người lạ kết bạn với họ đều vì tiền. Họ là nạn nhân của các vụ lừa đảo trực tuyến, được gọi là "mổ heo" theo tiếng Trung Quốc (shāzhūpán), một dạng kết hợp giữa lừa tình và lừa đầu tư, trong đó các nạn nhân được xây dựng lòng tin trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng trước khi mất tiền cho các kế hoạch đầu tư không có thật hoặc các trang web đánh bạc bất hợp pháp.
Trong các vụ "mổ heo", kẻ lừa đảo coi nạn nhân là "heo", gọi công cụ kết bạn là "máng heo", nghệ thuật trò chuyện là "cám heo", gọi quá trình tâm sự hay yêu giả để xây dựng lòng tin là "nuôi heo", và bước cuối cùng - lừa đảo chiếm đoạt tài sản là "mổ heo".
Theo số liệu thống kê từ Tổ chức Chống Lừa đảo Toàn cầu (Gaso), tính từ giữa năm 2021, gần 2.000 người đã mất tổng cộng hơn 310 triệu USD tập trung vào các vụ lừa đảo "mổ heo". Nạn nhân đến từ ít nhất 46 quốc gia, phần lớn từ Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, người phát ngôn của Gaso cho biết những con số này có thể "được báo cáo rất ít", vì nhiều nạn nhân thấy xấu hổ hoặc sợ bị chế giễu.
Những trò gian lận ngày càng tinh vi, mục tiêu cũng là những người trẻ hơn, có học thức hơn và hiểu biết về tài chính.
Nuôi dưỡng mối quan hệ
Lee, một cựu lừa đảo giấu tên, tiết lộ trên chương trình Talking Point: "Với khoản đầu tư đầu tiên của khách hàng, chúng tôi đảm bảo rằng họ sẽ kiếm được một số lợi nhuận. Sau đó, chúng tôi từ từ vun đắp mối quan hệ, chăm sóc họ giống như vỗ béo một con heo. Khi chúng tôi lừa được hết tiền của họ, và họ nhận ra điều đó, chúng tôi cắt đứt mọi phương thức liên lạc", Lee nói.
Ý tưởng đơn giản, nhưng quá trình nuôi dưỡng mối quan hệ phức tạp và tốn nhiều công phu.
Samantha tưởng tượng rằng kẻ lừa đảo sẽ kể câu chuyện nghèo khổ gây xúc động hoặc đặt nhiều câu hỏi riêng tư để moi thông tin. Nhưng kẻ lừa đảo xưng tên Zi Ming, tự nhận sống ở Thượng Hải, thì ngược lại. Anh ta trò chuyện với cô gần như hàng ngày trong nhiều tháng, chia sẻ chuyện cười và lên kế hoạch cho tương lai của họ. Anh ta thể hiện sự hóm hỉnh và thông minh, đồng thời thừa nhận một số tật xấu như hống hách hoặc thiếu kiên nhẫn. Điều này khiến anh ta có vẻ chân thực hơn.
Đối với y tá Pan Han Ni, 34 tuổi, những chia sẻ chi tiết về cuộc sống của "Chen Xi" - người đàn ông cô gặp hồi tháng 2/2021 qua ứng dụng hẹn hò Coffee Meets Bagel, khiến anh ta rất lôi cuốn.
Chen Xi nói đến từ Trung Quốc nhưng sống ở Singapore, thậm chí chỉ rõ một khu nhà và con phố ở Yishun. Anh ta còn kể những điều như đang uống rượu với bạn bè ở khu Little India, hay bị trượt chân khi tập thể dục vào ngày mưa. "Có cảm giác như anh ấy đang thực sự ở Singapore", Han Ni nói.
Khi biết cô thích đồ ăn Hàn Quốc, Chen Xi đề nghị cùng đi ăn và hẹn vào hai tuần sau. "Tôi luôn cảm thấy như chúng tôi sẽ sớm gặp mặt", cô nói và chia sẻ thêm rằng điều này giúp cô yên tâm hơn khi Chen Xi đề cập đến vấn đề đầu tư.
Những kẻ lừa đảo cũng rất quan tâm đến nạn nhân, thường là trong vài ngày đầu tiên. Được quan tâm có chủ đích như vậy, không khó để tưởng tượng rằng các nạn nhân sẽ phải lòng một người mà họ chưa từng gặp mặt.
Nhà tâm lý học Carolyn Misir cho biết: "Những kẻ lừa đảo liên lạc với họ nhiều lần trong ngày, với nhiều thông điệp như 'Anh yêu em' hoặc 'Anh quan tâm đến em, em đã ăn trưa chưa?'. Rất nhiều nạn nhân nói với chúng tôi rằng họ yêu rất nhanh".
Nghệ thuật dụ dỗ
Cuộc nói chuyện về đầu tư và tiền điện tử có thể xuất hiện sớm nhất là vài ngày sau cuộc trò chuyện hoặc sau nhiều tháng, tùy thuộc vào sự kiên nhẫn của kẻ lừa đảo.
Trong trường hợp của Samantha, Zi Ming khéo léo đưa nó vào khi họ tâm sự. Thỉnh thoảng, anh ta nói phải đi thực hiện các giao dịch tiền điện tử. Hai tuần sau, anh ta mời Samantha đầu tư một khoản nhỏ, khoảng 1.000 USD, vào nền tảng mà anh ta sử dụng. Khi cô từ chối, anh ta giận dỗi nhưng sau đó chủ động làm lành.
Câu chuyện và sự thành thạo, chuyên nghiệp của những kẻ lừa đảo có thể đánh lừa cả những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm. Ví dụ, nạn nhân Eliza, với kinh nghiệm đầu tư 20 năm, cũng bị Andy gây ấn tượng trước kiến thức của anh ta về các loại cổ phiếu mà cô nói đến.
Trong khi đó, nhà tư vấn tài chính Kelly từng nghi ngờ khi người đàn ông mà cô trò chuyện trên Instagram đề nghị dùng thử một nền tảng mới. Cô thấy địa chỉ web bị sai ngữ pháp, trông rất thiếu chuyên nghiệp. Nhưng sau khi nghe đối phương đảm bảo, cô đồng ý thử đầu tư 500 SGD (khoảng 375 USD). Cô kiếm được 10% lợi nhuận. Sau đó, Kelly đưa vào 2.000 SGD. Một lần nữa, cô có thể lấy nó ra với mức lợi nhuận tương tự. Từ đó, cô nghĩ rằng nền tảng này đáng tin cậy.
Trên thực tế, tất cả nạn nhân đều có thể rút tiền thành công như Kelly, và đôi khi chính những kẻ lừa đảo khuyến khích họ làm như vậy.
Vòng xoáy nạp tiền
Các vấn đề bắt đầu xuất hiện khi nạn nhân đưa vào nhiều tiền hơn.
Tiền của Kelly không được gửi vào tài khoản ngân hàng khi cô thử lần thứ ba. Lo lắng, cô liên hệ với dịch vụ khách hàng của nền tảng để được giúp đỡ. Cô được thông báo rằng chi tiết tài khoản ngân hàng của cô bị sai, sau đó lại được thông báo rằng tài khoản đã mất uy tín và cần phải nạp một số tiền tương đương để rút ra. Khi cô làm theo và cố gắng rút tiền lần nữa, dịch vụ khách hàng lại yêu cầu nạp tiền. "Tôi chưa bao giờ nghe nói về các quy định như vậy trước đây ở bất cứ đâu trên thế giới", Kelly nói.
Cô nhận ra đó là trò lừa đảo khi đã mất 15.000 SGD. "Trong cơn hoảng loạn cố gắng lấy lại tiền, tôi đã ném mọi logic ra ngoài cửa sổ", cô nói.
Các nạn nhân khác kể những trải nghiệm tương tự về việc phải nạp tiền không hồi kết.
Han Ni, được thuyết phục đầu tư vào một nền tảng trò chơi, bị đóng băng tài khoản vì "vi phạm quy tắc". Để kích hoạt lại, cô được yêu cầu nạp một nửa số tiền cô có trong tài khoản: khoảng 35.000 SGD. Sau đó, cô phải nộp thêm 10.000 SGD tiền thuế. Mỗi lần liên hệ với dịch vụ khách hàng, họ viện rất nhiều lý do như hệ thống bị hỏng, hay đang phải xử lý nhiều khách hàng, nếu muốn được giải quyết nhanh hơn sẽ phải trả thêm 10.000 SGD.
Theo một cuộc khảo sát của Gaso với 509 nạn nhân lừa đảo "mổ heo", họ đến từ mọi tầng lớp xã hội, với gần 9/10 người có ít nhất một tấm bằng cử nhân.
66% số người được hỏi là phụ nữ, chủ yếu ở độ tuổi cuối 20 đến đầu 30. Tuy nhiên, cuộc khảo sát được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và có thể không vẽ nên một bức tranh đầy đủ về tất cả nạn nhân.
Các nhà tâm lý học cho biết những kẻ lừa đảo sẽ cố gắng nhắm mục tiêu khác nhau vào các nhóm khác nhau. Ví dụ, phụ nữ có thể là mục tiêu của các vụ lừa đảo tình ái nhiều hơn, trong khi nam giới dễ là mục tiêu của lừa đảo tình dục hơn.
"Không quan trọng bạn là ai và lý lịch của bạn là gì. Miễn là kẻ lừa đảo sử dụng đúng kỹ xảo với bạn, bất kỳ ai cũng có thể bị thuyết phục", chuyên gia tâm lý cho biết.
Một trong những kỹ xảo thuyết phục được sử dụng để dụ dỗ nạn nhân là bắt chước. Chẳng hạn, kẻ lừa đảo biết nạn nhân thích công việc tình nguyện, hắn sẽ nói về việc trở thành tình nguyện viên. Họ sẽ sử dụng cách này để giành nhiều thiện cảm trong giai đoạn nuôi dưỡng mối quan hệ.
Những kẻ lừa đảo cũng có thể tận dụng tâm lý chung của mọi người, chẳng hạn, mọi người có xu hướng nghĩ những điều tồi tệ, như bị lừa, khó có thể xảy ra với mình. Một đặc điểm tâm lý khác là nạn nhân thường dễ chấp nhận thử đầu tư một số tiền nhỏ, trước khi bị thúc đẩy chuyển sang các khoản thanh toán lớn hơn. Khi đó, nạn nhân có thể nghĩ rằng nếu họ ngừng lại, những gì họ đã bỏ ra sẽ bị lãng phí, vì vậy họ cố tiếp tục.
Một người hiểu biết về đầu tư có thể gặp bất lợi nếu những kẻ lừa đảo biết tận dụng các kỹ xảo.
"Khi họ đề cập đến đầu tư và bạn nói mình biết về điều đó, họ có thể bắt chước và theo sát chủ đề này. Những kẻ lừa đảo sẽ không cung cấp những con số khó tin khi nói về tỷ lệ hoàn vốn, mà sẽ điều chỉnh cho phù hợp với kinh nghiệm của bạn. Bạn sẽ thấy điều này nghe có vẻ rất đáng tin cậy. Bên cạnh đó, bạn có thể nghĩ rằng mình rất hiểu biết nên khó bị lừa", nhà tâm lý Lee Rong Cheng của Lực lượng Cảnh sát Singapore nói.
Dấu hiệu phát hiện lừa đảo
Dù các trò gian lận tinh vi đến đâu, vẫn có một số cách phát hiện.
Câu chuyện tương tự
Khi Samantha nhận ra bị Zi Ming lừa, cô muốn biết liệu những kẻ lừa đảo có hoạt động theo cùng một cách hay không. Vì vậy, cô đã trả lời một trong những tin nhắn 'Xin chào, người đẹp' trên Instagram để xem điều gì sẽ xảy ra.
"Tất cả câu chuyện đều giống nhau, cho dù họ là người Trung Quốc, Hàn Quốc hay người phương Tây", Samantha nói.
Chúng thường nói về những khó khăn trước đây phải chịu nhưng đã vượt qua, và bây giờ là những người thành công. Sau đó, kẻ lừa đảo bắt đầu nói về tiền điện tử. Chúng thường có một giảng viên làm việc cùng để đưa ra một thuật toán giao dịch tiền điện tử.
Không gọi video, không gặp mặt
Một nạn nhân khác là Kim, sống ở Đông Á, cho biết kẻ lừa cô từ chối thực hiện cuộc gọi video. Họ quen nhau trên Tinder, cô từng thử gọi cho anh ta khi trò chuyện. Anh ta cúp máy ngay. Sau đó, anh ta bịa chuyện từng gọi video với bạn gái cũ khiến cô gặp tai nạn qua đời.
Trong khi đó, Kayla nhớ lại việc Linus nói hai người có thể gặp nhau nhưng không bao giờ liên lạc được khi gần đến cuộc hẹn. Sau đó, anh ta sẽ xuất hiện trở lại, xin lỗi và nói rằng có việc khẩn cấp.
Dấu hiệu nền tảng lừa đảo
Dù các nền tảng mà những kẻ lừa đảo chia sẻ với nạn nhân trông có vẻ chân thực, Sajid nhận ra một số dấu hiệu cảnh báo, như lỗi chính tả hoặc lỗi ngữ pháp, đặc biệt là trong mã chứng khoán hoặc điều khoản dịch vụ của trang web. Sajid cũng đề nghị mọi người kiểm tra xem tên miền của trang web được đăng ký khi nào, bởi nó có thể chỉ mới được lập.
Chuyên gia tâm lý nhấn mạnh tầm quan trọng của "gián đoạn nhận thức" bằng cách tạm rời tình huống: "Khi chúng ta bị cuốn vào điều gì đó, sẽ rất dễ đưa ra hết quyết định này đến quyết định khác. Nhưng nếu bạn lùi một bước và kiểm tra lại với một người bạn hoặc thành viên gia đình, cảm xúc của bạn sẽ bình ổn lại và tỉnh táo hơn".
Nhằm nâng cao nhận thức về những trò lừa đảo "mổ heo", tổ chức Gaso đăng câu chuyện của nạn nhân lên mạng và chia sẻ việc cần làm trong những tình huống như vậy.
Các tình nguyện viên của Gaso cũng đáp trả bằng cách tạo hồ sơ giả trên mạng xã hội và tiếp cận những kẻ lừa đảo tiềm năng. Từ đó, họ vạch trần những địa chỉ web lừa đảo và nắm được các chiến thuật phạm tội mới.
Trong khi đó, Han Ni chọn chống trả bằng cách chia sẻ câu chuyện của mình công khai, bất chấp bị giễu cợt. Cô hy vọng có thể cảnh tỉnh những người khác. "Dẫu chỉ giảm được một nạn nhân, tôi cũng thấy rất xứng đáng".
Tuệ Anh (Theo CNA)
Xem thêm: lmth.3798554-oeh-om-oad-aul-yab-hnid-nav-hnihc-iat-aig-neyuhc-oas-iv/ten.sserpxenv