Nội dung của áp phích quảng cáo tiếng Pháp trên tường vừa phát lộ cho thấy có hai quảng cáo là quảng cáo lốp xe ô tô của hãng Goodyear (phía trên) và quảng cáo nước đóng chai Evian-Cachat (phía dưới). Các quảng cáo này ngoài phần hình vẽ thì phần chữ bằng tiếng Pháp.
Áp phích quảng cáo được phỏng đoán có từ thời Pháp thuộc, khi mà tiếng Pháp được sử dụng khá phổ biến ở Hà Nội.
Quận mời chuyên gia đánh giá
Sở dĩ các áp phích quảng cáo trên tường này còn sót lại đến nay vì nó vô tình được bảo vệ bởi gian nhà sinh hoạt cộng đồng của phường Cửa Nam được xây thêm, áp vào bức tường có áp phích quảng cáo của trạm biến áp.
Gần đây, UBND phường Cửa Nam giải phóng mặt bằng thi công đảo giao thông có trạm biến áp với các áp phích quảng cáo tiếng Pháp này thành vườn hoa.
Trong quá trình giải phóng mặt bằng phá dỡ các hạng mục đã phát lộ bức tường có áp phích quảng cáo tiếng Pháp nói trên.
Ông Phạm Tuấn Long - chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm - cho biết sau khi nắm thông tin, quận đã giao UBND phường Cửa Nam tạm thời che áp phích để bảo vệ.
Đồng thời UBND quận cũng đang mời chuyên gia đánh giá, thẩm định về giá trị của áp phích quảng cáo này.
Áp phích quảng cáo tiếng Pháp có giá trị không?
Sự xuất hiện bất ngờ của áp phích quảng cáo tiếng Pháp được nhiều người quan tâm đến di sản rất vui mừng, kêu gọi chính quyền cần bảo tồn, gìn giữ áp phích quảng cáo tiếng Pháp cuối cùng còn sót lại ở Hà Nội.
Chủ tịch quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long nói với Tuổi Trẻ Online rằng áp phích quảng cáo này có cả giá trị thẩm mỹ và lịch sử.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Cẩm Thượng cũng đồng tình rằng các áp phích quảng cáo tiếng Pháp này nên được giữ lại. Bởi lẽ các thông tin quảng cáo quá khứ đó dù đẹp hay không cũng có ý nghĩa mở đầu cho một xã hội thương mại bắt đầu hình thành ở Việt Nam vào giai đoạn đó.
Ông Thượng góp ý cách bảo tồn chỉ đơn giản là giữ nguyên như vậy chứ không cần đến một dự án nghệ thuật công cộng nào.
Ngược lại, nhiều họa sĩ có góc nhìn khác. Hai họa sĩ kỳ cựu Lê Huy Tiếp và Đỗ Đức đều cho rằng áp phích quảng cáo tiếng Pháp này chỉ là vết tích thời gian chứ không có giá trị thẩm mỹ.
Thậm chí, họa sĩ Đỗ Đức xem các áp phích quảng cáo trên giống như quảng cáo khoan tường, hút bể phốt, gia sư, thông cống chi chít trên nhiều bức tường ở đô thị gần đây mà chính quyền thành phố ngày nay coi là vấn nạn cần loại bỏ.
"Di sản gì cái quảng cáo hàng hóa vẽ lên tường nhà. Nếu tiếc muốn lưu giữ thì chụp ảnh, số hóa là đủ. Những thứ này mà cũng giữ thì thành phố sẽ là bãi rác", họa sĩ Đỗ Đức nói.
TTO - UBND TP Hà Nội vừa đồng ý đề xuất di chuyển phần còn lại của bức tranh tường do "vua tranh cổ động" Trường Sinh sáng tác năm 1982 tại ngã tư Chợ Mơ về một địa điểm mới để bảo tồn.
Xem thêm: mth.88745950221103202-not-oab-iahp-nac-oc-ol-tahp-ogn-tab-pahp-gneit-oac-gnauq-hcihp-pa/nv.ertiout