Ngay những ngày đầu năm 2023, Vietcombank đã cam kết giảm lãi suất cho vay, với mức giảm 0,5%/năm đối với tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và dư nợ phát sinh. Mặc dù đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế, song các chuyên gia nhận định sẽ khó có làn sóng giảm lãi suất trong hệ thống ngân hàng ngay trong nửa đầu năm 2023 do chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng còn đối diện nhiều áp lực.
Áp lực với chính sách tiền tệ vẫn hiện hữu
Đánh giá tổng quan về tình hình kinh tế thế giới và trong nước, các chuyên gia nhận định, những diễn biến xấu nhất của kinh tế thế giới đã đi qua, nhờ đó giảm bớt tác động tiêu cực tới nền tảng vĩ mô của Việt Nam trong năm 2023; tuy nhiên điều đó không có nghĩa là rủi ro và áp lực không còn.
Hiện nay một số dấu hiệu cho thấy lạm phát Mỹ đã đạt đỉnh, trong khi kinh tế Mỹ dần suy yếu, qua đó giúp gia tăng kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm chấm dứt chu kỳ thắt chặt tiền tệ vào cuối quý I/2023 và chuyển sang chu kỳ nới lỏng vào cuối năm.
Tuy nhiên trên thực tế, theo thông tin lấy từ biên bản cuộc họp chính sách mới nhất của Fed công bố ngày 4/1, cơ quan này đã lưu ý rằng việc nới lỏng chính sách chỉ được thực hiện khi dữ liệu thể hiện rõ ràng rằng lạm phát đang trên đà giảm bền vững. “Không có thành viên nào (của Ủy ban Thị trường mở Liên bang FOMC-PV) dự đoán rằng việc bắt đầu giảm lãi suất vào năm 2023 là phù hợp”, biên bản cho biết thêm.
Như vậy ở thời điểm hiện tại, chỉ có thể dự đoán rằng trong năm 2023 Fed sẽ giảm cường độ giữa các lần tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát, trong khi kịch bản hạ lãi suất ngay trong năm nay là không chắc chắn.
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) nhận định, năm 2023 kinh tế toàn cầu có khả năng đi vào suy thoái, đồng thời Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và dự kiến duy trì chính sách lãi cao đến cuối năm 2024. Theo đó, áp lực mặt bằng lãi suất cao còn tiếp tục duy trì, xu hướng dịch chuyển dòng vốn trên toàn cầu còn cao. Trong bối cảnh đó, “Việt Nam khó đi ngược xu hướng chung, do đó cơ quan quản lý sẽ phải nỗ lực hơn nữa để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường”, ông Quang nhận định.
Cùng với dư âm suy thoái của kinh tế thế giới, những nút thắt chưa được tháo gỡ của thị trường vốn trong nước cũng sẽ tác động đáng kể tới diễn biến của lãi suất trong năm 2023. Theo phân tích của Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, trong năm 2022, thanh khoản của hệ thống gặp khó khăn khi chênh lệch giữa tăng trưởng tín dụng và huy động ở mức cao. Thanh khoản không còn dồi dào sẽ ảnh hưởng tới khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng, trong khi nhu cầu vốn tín dụng tăng nhanh, tất yếu sẽ dẫn tới việc giá vốn (lãi suất) tăng cao tương ứng.
Tổ chức này cũng lý giải tình hình thanh khoản căng thẳng do các biến động mạnh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, trong khi thị trường chứng khoán chưa hoàn toàn hồi phục, khiến nhiều doanh nghiệp phải rút tiền gửi để mua lại trái phiếu trước hạn, thanh toán lãi trái phiếu. Trong khi nó cũng khiến nhu cầu vay vốn dồn lên các TCTD khi các kênh huy động khác trên thị trường vốn đều bị tắc nghẽn. Chính sách tiền tệ gặp áp lực lớn khi vừa phải hỗ trợ nền kinh tế tăng trưởng sau dịch bệnh, vừa phải giữ ổn định vĩ mô.
Giữ được lãi suất ổn định đã là nỗ lực lớn
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng nhận định, tất cả những yếu tố bất lợi (cả từ bên ngoài lẫn nội tại nền kinh tế) gây sức ép tới điều hành chính sách tiền tệ đều còn nguyên, chỉ giảm cường độ so với năm 2022. Năm 2023 trong bối cảnh Fed còn tiếp tục nâng lãi suất thì lãi suất huy động trong nước sẽ chịu nhiều áp lực để duy trì chênh lệch lãi suất giữa VND và USD ở mức thực dương, mới đảm bảo khả năng cạnh tranh của việc nắm giữ VND so với USD. Yếu tố khác là thanh khoản của hệ thống dù cải thiện hơn song vẫn còn khó khăn do bài toán về phát hành trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết dứt điểm. Đồng thời theo dự báo của các công ty chứng khoán, thị trường chứng khoán sẽ phục hồi chậm chạp trong nửa đầu năm và chỉ thực sự đi lên một cách rõ nét trong nửa cuối năm.
Trong bối cảnh đó, việc giảm lãi suất cho vay đồng loạt trong hệ thống ngân hàng nhiều khả năng chỉ có thể diễn ra trong nửa cuối năm 2023. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng việc giữ được mặt bằng lãi suất ổn định trong năm nay đã là nỗ lực rất lớn.
Tuy nhiên theo Viện Nghiên cứu và Đào tạo BIDV, triển vọng kinh tế thế giới chậm lại, tăng trưởng GDP của Việt Nam cũng ở mức thấp hơn năm 2022 (khoảng 6-6,5% trong năm 2023 so với 8% của năm 2022) khiến nhu cầu tín dụng tăng chậm lại. Bối cảnh đó sẽ tạo điều kiện để NHNN điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng cân bằng hơn trong việc kiểm soát lạm phát, tỷ giá để hỗ trợ tăng trưởng, giúp thanh khoản thị trường tài chính và bất động sản được cải thiện để có thể giúp hạ mặt bằng lãi suất trong nửa cuối năm 2023.
Một yếu tố khác hỗ trợ cho công tác điều hành là chu kỳ thanh khoản sẽ được mở rộng khi áp lực lên tỷ giá hạ nhiệt nhờ thặng dư thương mại khá lớn trong năm 2022, giải ngân FDI tăng trưởng cao, kiều hối vẫn giữ nhịp độ tốt… Nhờ đó NHNN có thể quay trở lại mua ngoại tệ, qua đó bơm tiền trở lại vào nền kinh tế. Với các yếu tố trợ lực đó, TS. Đinh Thế Hiển, Chuyên gia tài chính dự báo, mặc dù chịu sức ép tăng những tháng đầu năm, nhưng lãi suất sẽ hạ nhiệt dần từ cuối quý II/2023.
Từ góc nhìn thận trọng hơn, Công ty Chứng khoán VnDirect nhận định, khả năng lãi suất điều hành của Fed đảo chiều sẽ khó xảy ra trong năm 2023. Vì thế áp lực lãi suất và tỷ giá trong nước còn kéo dài cho đến ít nhất là quý II/2023, sau đó sẽ giảm bớt đáng kể sau khi Fed chuyển dịch chính sách tiền tệ sang hướng trung lập và dự báo sẽ chỉ thực hiện đợt cắt giảm nhẹ 25 điểm cơ bản đầu tiên trong quý I/2024. Trong bối cảnh đó, NHNN có thể xem xét ưu tiên mục tiêu ổn định mặt bằng lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt trong nửa cuối năm 2023.
Trên thực tế, mục tiêu tiếp tục đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp hơn luôn được NHNN thể hiện khá rõ ràng, đặc biệt thông qua việc cơ quan quản lý thị trường tiền tệ liên tục nhắc nhở các NHTM phải tìm các biện pháp đưa lãi suất xuống thấp. Phát biểu kết luận Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Ngân hàng năm 2023, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chỉ đạo các TCTD rà soát, tiết giảm chi phí để chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, các TCTD cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn ngân hàng, hướng đồng vốn vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ./.
Xem thêm: lmth.42171000042210202-cul-pa-ueihn-uihc-taus-ial/nv.semitaer