“Trong thời điểm quyết định đó, tình hình biển Đông rất phức tạp, lãnh đạo thành phố xin ý kiến của Bí thư (ông Nguyễn Bá Thanh - PV), cân nhắc rất nhiều nên mới có quyết định ủng hộ, giúp đỡ Bộ Công an.
Trả lời HĐXX TAND TP. Hà Nội tại phiên tòa xét xử vụ giúp Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”) thâu tóm đất vàng tại TP. Đà Nẵng, chiều 03/01, bị cáo Văn Hữu Chiến – cựu Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2006-2011, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng giai đoạn 2011-2014 – khai quen biết Vũ thông qua một cuộc họp, mặc dù biết Vũ có công ty “bình phong” nhưng không hề biết việc Vũ đứng sau các công ty mua gom dự án, nhà, đất công sản giá rẻ trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Bị cáo Văn Hữu Chiến đã có những sai phạm suốt từ thời điểm 2006 khi còn làm Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.
Trong giai đoạn 2 bị cáo đương chức Chủ tịch, Phó Chủ tịch TP. Đà Nẵng, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch Văn Hữu Chiến đã ký ban hành các quyết định cho phép chuyển nhượng và phê duyệt giá chuyển nhượng các nhà, đất công sản và dự án bất động sản trái quy định của pháp luật, là đồng phạm giúp sức cho Trần Văn Minh thực hiện các hành vi phạm tội.
Cụ thể, tại dự án 29ha thuộc Khu đô thị Quốc tế Đa Phước, Văn Hữu Chiến đã ký Quyết định số 5870/QĐ-UBND ngày 12/07/2011 về việc thu hồi, giao cho CTCP Xây dựng 79 của Vũ Nhôm diện tích 29ha không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Tại dự án Công viên An Đồn, Văn Hữu Chiến ký công văn số 338/UBND-QLĐTh ngày 18/01/2011 cho phép CTCP Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Anh Vũ nhận quyền sử dụng đất và giảm 10% tiền sử dụng gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 11.235 tỷ đồng.
Văn Hữu Chiến còn ký các văn bản đồng ý với chủ trương của Trần Văn Minh để chỉ đạo cấp dưới hoàn thành các thủ tục cho phép chuyển nhượng và phê duyệt đối với 22 nhà, đất công sản không đúng quy định, trái pháp luật, và tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ mua 15/22 nhà, đất công sản.
Trong giai đoạn là Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Văn Hữu Chiến liên quan trực tiếp đến 20 nhà, đất công sản (là các nhà, đất nói trên). Trong giai đoạn là Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, Văn Hữu Chiến liên quan đến 02 nhà, đất công sản gồm nhà số 121 Phan Châu Trinh và số 16 Bạch Đằng.
Tại phiên tòa, Văn Hữu Chiến cho rằng bị cáo chỉ thực hiện các quyền, ký thay Chủ tịch Trần Văn Minh những vấn đề liên quan đến nhà đất, nhưng việc bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất là do Chủ tịch Trần Văn Minh giải quyết.
“Khi làm Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, việc phân công nên buộc tôi phải ký thay Chủ tịch (Trần Văn Minh) vì đó là lĩnh vực bị cáo phụ trách. Khi làm Chủ tịch, bị cáo là người ra chủ trương đồng ý đối với 2 nhà, đất công sản 121 Phan Chu Trinh, 16 Bạch Đằng. Theo bị cáo, 121 Phan Chu Trinh có thể sai phạm về thủ tục hành chính nhưng bản chất là đúng đối tượng chuyển nhượng” – Văn Hữu Chiến khai.
Đối với nhà đất 16 Bạch Đằng, bị cáo cho rằng văn bản của Bộ Công an đề nghị chuyển nhượng cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 để xây dựng tiềm lực của ngành.
“Về hình thức, họ chỉ đề nghị nhưng về hiệu lực, lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng nghĩ là cần phải có trách nhiệm giúp đỡ vì đó là địa điểm có tính chất an ninh quốc phòng” – cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến phân trần.
“Trong thời điểm quyết định đó, tình hình biển Đông rất phức tạp, lãnh đạo thành phố xin ý kiến của Bí thư (Nguyễn Bá Thanh), cân nhắc rất nhiều nên mới có quyết định ủng hộ, giúp đỡ Bộ Công an. Còn việc quản lý của Bộ Công an đối với Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79, bị cáo không biết”.
Bị cáo Văn Hữu Chiến khai trong 22 dự án, nhà, đất công sản, Phan Văn Anh Vũ nhờ người thân đứng tên hoặc nhờ công ty đứng tên nên bị cáo “hoàn toàn không biết”.
“Do sự phát triển chung của thành phố, mình cũng chỉ là một khâu, giải quyết theo thủ tục để hoàn thành công việc được giao. Có những nhà đất bị cáo chưa ký nhưng ở dưới họ đã nộp tiền rồi mà sau này khi làm việc với CQĐT bị cáo mới biết, nên đây chỉ là thủ tục để hoàn thành các bước tiếp theo”, lời bị cáo Chiến.
Cũng như người tiền nhiệm Trần Văn Minh, bị cáo Văn Hữu Chiến cho rằng cách tính thiệt hại của cơ quan điều tra và Viện Kiểm sát là chưa khách quan bởi có những thời điểm ở Đà Nẵng “giá đất lên vù vù, buổi sáng một giá, buổi chiều đã là giá khác. Vì vậy, không thể lấy giá tại thời điểm hiện nay để so sánh, đánh giá với giá cả nhà đất tại thời điểm các bị cáo vi phạm để kết luận thiệt hại.”