Hai công ty này cho biết nguyên nhân là các yếu tố thương mại, như chi phí duy trì niêm yết tại Mỹ, bất chấp số cổ phiếu và khối lượng giao dịch của họ tại đây nhỏ hơn so với sàn Hong Kong. Trong thông báo hôm qua, họ cho biết việc niêm yết tại Hong Kong và Thượng Hải cũng đủ đáp ứng nhu cầu tài chính trong tương lai.
Động thái này nối dài làn sóng doanh nghiệp Trung Quốc rút niêm yết khỏi Mỹ, bắt đầu từ năm ngoái. Việc này diễn ra bất chấp tháng trước, giới chức Mỹ ra tín hiệu có đột phá trong bất đồng nhiều năm qua với Trung Quốc về khả năng tiếp cận sổ sách kiểm toán. Đột phá này làm giảm khả năng các công ty Trung Quốc bị hủy niêm yết bắt buộc tại Mỹ.
Ủy ban Giám sát Kế toán các Công ty Đại chúng Mỹ (PCAOB) hồi tháng 12 cho biết các nhà điều tra của Mỹ có thể xem xét tài liệu của các công ty có văn phòng ở cả 2 nước. Giới chức Trung Quốc cũng hoan nghênh việc này.
Trước đó, các nhà phân tích đã dự báo các hãng bay quốc doanh Trung Quốc là cái tên tiếp theo rời sàn chứng khoán Mỹ, nối gót hãng bảo hiểm China Life Insurance, hãng dầu khí Petrochina và 3 công ty quốc doanh khác hồi tháng 8/2022.
Cả China Eastern và China Southern đều thuộc quyền quản lý của Ủy ban Quản lý và Giám sát Tài sản thuộc Chính phủ Trung Quốc (SASAC). Đây là cơ quan quản lý các công ty đã rút niêm yết năm ngoái. Hai hãng bay này cũng nằm trong danh sách doanh nghiệp có nguy cơ bị hủy niêm yết năm 2024 của Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC).
Cổ phiếu China Southern trên sàn New York đã tăng 33% kể từ tháng 11. Mã này trên sàn Hong Kong tăng 42% trong cùng kỳ. Cổ phiếu China Eastern tăng 30% ở cả hai thị trường.
Tác động từ việc rút niêm yết, nếu có, cũng sẽ chỉ tồn tại trong ngắn hạn. Cổ phiếu PetroChina tăng 11% trên sàn Hong Kong từ khi thông báo rút niêm yết cách đây 5 tháng. Cổ phiếu SMIC thậm chí tăng gấp đôi kể từ khi rút khỏi sàn chứng khoán Mỹ năm 2019.
Hà Thu (theo Bloomberg)