Bắt đầu từ tháng 4/2023, các gia đình ở khu vực đô thị Tokyo, bao gồm cả những cha mẹ đơn thân, sẽ đủ điều kiện nhận 1 triệu Yên (183,4 triệu VND) cho mỗi đứa trẻ nếu họ chuyển đến các khu vực ít dân cư hơn trong nước.
Ưu đãi này áp dụng cho trẻ em dưới 18 tuổi, hoặc người từ 18 tuổi trở lên nếu họ vẫn đang học trung học. Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ cố gắng sử dụng các biện pháp tài chính để khuyến khích mọi người rời đi, nhưng kế hoạch này hào phóng hơn gấp ba lần số tiền được cung cấp hiện nay.
Trong nhiều thập kỷ, người dân trên khắp Nhật Bản đã di cư đến các trung tâm đô thị để tìm kiếm cơ hội việc làm. Tokyo là thành phố đông dân nhất của đất nước, với khoảng 37 triệu cư dân. Theo thống kê của chính phủ công bố năm 2021, trước đại dịch Covid, số người chuyển đến Tokyo nhiều hơn số người rời khỏi thành phố, với con số lên tới 80.000 người mỗi năm.
Mô hình di cư này kết hợp với dân số già đi nhanh chóng của Nhật Bản đã khiến các thị trấn nông thôn ngày càng có ít cư dân hơn, cũng như hàng triệu ngôi nhà bị bỏ hoang. Một cuộc điều tra dân số quốc gia cho thấy hơn một nửa số đô thị của đất nước, dự kiến sẽ được coi là khu vực thiếu dân cư.
Trong khi đó, tại các thành phố lớn, không gian nhanh chóng trở nên hạn hẹp và giá cả tăng chóng mặt. Tokyo là một trong những thành phố đắt đỏ nhất thế giới để sinh sống, xếp thứ năm trên toàn cầu vào năm 2022.
Theo các chuyên gia, sự di cư của những người trẻ tuổi từ nông thôn đến các thành phố đông đúc là một yếu tố chính trong cuộc khủng hoảng dân số ngày càng già đi của Nhật Bản. Đất nước này từ lâu đã phải vật lộn với tỷ lệ sinh thấp và tuổi thọ cao, đồng thời số ca tử vong cũng nhiều hơn số ca sinh trong những năm gần đây.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một số yếu tố như chi phí sinh hoạt cao, không gian hạn chế và thiếu hỗ trợ chăm sóc trẻ em ở các thành phố khiến việc nuôi dạy con cái trở nên khó khăn, đồng nghĩa với việc ít cặp vợ chồng sinh con hơn. Các cặp vợ chồng thành thị cũng thường ở xa đại gia đình, những người có thể giúp cung cấp hỗ trợ. Ví dụ, Tokyo có tỷ lệ sinh thấp nhất trong tất cả 47 tỉnh của Nhật Bản.
Các mô hình di cư hiện tại đang dẫn đến hiện tượng vùng nông thôn trở nên vắng vẻ vơi ít trẻ em. Tại ngôi làng ven sông Nagoro ở miền nam Nhật Bản, có chưa đến 30 cư dân vào năm 2019, với cư dân trẻ nhất trên 50 tuổi. Ngôi trường duy nhất của làng đã đóng cửa vài năm trước sau khi những học sinh cuối cùng tốt nghiệp.
Để giải quyết vấn đề này, các nhà chức trách đã đưa ra một sáng kiến vào năm 2019 nhằm thu hút người dân đến các khu vực ngoại ô sinh sống.
Theo kế hoạch này, những cá nhân đã sống và làm việc ở khu vực đô thị Tokyo trong ít nhất 5 năm có thể nhận được 600.000 Yên (110 triệu VND) nếu họ chuyển đến các vùng nông thôn. Ưu đãi đó cao hơn cho các cặp vợ chồng, ở mức 1 triệu Yên.
Năm ngoái, chính phủ cho phép cha mẹ đơn thân hoặc các cặp vợ chồng có con nhận 300.000 Yên (55 triệu VND) cho mỗi đứa trẻ nếu họ chuyển chỗ ở.
Phát ngôn viên của chính phủ cho biết, những người di dời có thể làm việc trong khu vực đó, thành lập doanh nghiệp của riêng họ hoặc tiếp tục làm việc từ xa tại các công việc ở Tokyo.
“Tokyo có mật độ dân số rất cao và chính phủ muốn tăng dòng người đến các khu vực lân cận để hồi sinh các khu vực có dân số giảm”, ông cho biết.
Cho dù chương trình đang thu được sư chú ý nhưng dường như con số vẫn còn thấp. Trong năm đầu tiên phát động (2019), chỉ có 71 hộ gia đình tham gia, so với 1.184 hộ vào năm 2021.
Chính phủ Nhật Bản cũng đã có những nỗ lực khác để giải quyết tình trạng suy giảm dân số, bao gồm đưa ra các chính sách trong vài thập kỷ qua để tăng cường dịch vụ chăm sóc trẻ em và cải thiện cơ sở nhà ở cho các gia đình có trẻ em. Một số thị trấn nông thôn thậm chí đã bắt đầu trả tiền cho các cặp vợ chồng sống ở đó để sinh con.
Xem thêm: nhc.8414439051103202-od-uht-ior-nad-iougn-ed-neit-art/nv.fefac