Nguy cơ ra sao?
Bình luận về nguy cơ xảy ra xung đột Nga - Ukraine phiên bản Đông Á được Thủ tướng Kishida nêu tại cuộc họp báo ở Washington ngày 14-1, một ngày sau khi gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Trong cuộc họp báo này, ông Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phản đối cuộc tấn công của Nga nhắm vào Ukraine. Ông khẳng định nếu im lặng trước các hành động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng, điều tương tự sẽ xảy ra ở những nơi khác, kể cả ở châu Á.
Washington là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du các cường quốc công nghiệp G7 (gồm Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản, Mỹ, Anh và Canada) từ ngày 9 đến 14-1 của Thủ tướng Kishida.
Trong cuộc gặp ở Washington, Tổng thống Biden và Thủ tướng Kishida đã khẳng định quan hệ của hai nước đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Nhật Bản và Mỹ đang hợp tác để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và chất bán dẫn.
Ông Kishida cho biết ông ủng hộ nỗ lực của Chính phủ Mỹ nhằm hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với chất bán dẫn tiên tiến bằng cách hạn chế xuất khẩu.
Nói về việc Nhật Bản sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 năm 2023, Thủ tướng Kishida nói: "Vấn đề lớn nhất là sự gây hấn của Nga với Ukraine".
"Tôi đã chỉ ra rằng hành động này không chỉ là vấn đề của châu Âu mà còn là thách thức với các quy tắc và nguyên tắc của cộng đồng quốc tế. Tôi đồng ý với các nguyên thủ quốc gia và chính phủ rằng hội nghị thượng đỉnh G7 sắp tới ở Hiroshima cần thể hiện ý chí mạnh mẽ để duy trì trật tự quốc tế, dựa trên pháp quyền", ông Kishida nói thêm.
Nhà lãnh đạo Nhật Bản cho rằng sự đoàn kết và hợp tác của G7 sẽ quyết định xu hướng toàn cầu. "Triển vọng của nền kinh tế toàn cầu ngày càng trở nên không chắc chắn và G7 phải xem xét các biện pháp ứng phó với những rủi ro tiêu cực này" - ông Kishida nêu.
Nhật Bản muốn nhóm G7 đưa ra cách tiếp cận phối hợp trong năm nay nhằm ngăn chặn "sự cưỡng ép kinh tế" mà Trung Quốc đã áp dụng đối với một số đối tác thương mại.