Chống giả mạo giấy tờ nhà đất
Sở Tư pháp TP.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo sơ kết việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn TP.HCM.
Theo Điều 62 luật Công chứng 2014, quy định: “Cơ sở dữ liệu công chứng bao gồm các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng”.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng của địa phương. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp Bộ TN-MT, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng và quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu công chứng tại các địa phương.
Do đó, năm 2019, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan xây dựng cơ sở dữ liệu công chứng hoàn chỉnh, kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu liên quan.
“Việc làm này giúp nhà nước phòng chống việc giả mạo người khác, giấy tờ để công chứng và đăng ký đất đai. Đây cũng là tiền đề thực hiện liên thông các thủ tục công chứng - đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất - thuế và xây dựng chính phủ điện tử, đô thị thông minh”, Sở Tư pháp TP.HCM nêu.
Người dân làm hồ sơ hành chính tại Sở Tư pháp TP.HCM Ngân Nga |
Vẫn thiếu thông tin về nguồn gốc tài sản
Dữ liệu nguồn gốc tài sản đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là 1 phần của cơ sở dữ liệu công chứng. Do đó, Sở Tư pháp TP.HCM đã xây dựng, triển khai trong công chứng hệ thống dữ liệu về thông tin ngăn chặn và tình trạng giao dịch.
Tuy nhiên, cũng theo Sở Tư pháp TP.HCM, hiện chưa được kết nối với cơ sở dữ liệu địa chính (do ngành tài nguyên và môi trường quản lý) nên cơ sở dữ liệu công chứng tại TP.HCM vẫn chưa hoàn chỉnh. Vẫn còn thiếu thông tin về nguồn gốc tài sản đối với quyền sử dụng đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Hồi tháng 8.2022, Sở Tư pháp, Sở TT-TT, Sở TN-MT đã triển khai thí điểm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu công chứng tại 7 phòng công chứng với cơ sở dữ liệu địa chính tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.1 và Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.6...
Các đơn vị tham gia thí điểm có thể tra cứu thông tin trong các cơ sở dữ liệu để tham khảo, phục vụ cho hoạt động công chứng và đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Lãnh đạo Sở Tư pháp TP.HCM đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM. Trong ảnh là Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM Huỳnh Văn Hạnh NGÂN NGA |
Đề xuất thu phí dịch vụ cung cấp thông tin địa chính
Theo Sở Tư pháp TP.HCM, vẫn còn bất cập, như khi triển khai kế hoạch, Sở TN-MT sử dụng phần mềm VILIS để kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu địa chính. Tuy nhiên, từ tháng 7.2022, Sở TN-MT đã triển khai thí điểm áp dụng quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu địa chính thông qua phần mềm VBDLIS cho hệ thống Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM. Việc thay đổi này gây khó khăn cho việc kết nối.
Do đó, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Q.1 và Q.6 (đơn vị thực hiện thí điểm) phải nhập dữ liệu 2 lần làm tăng áp lực công việc. Việc nhập dữ liệu trên phần mềm VILIS chỉ phục vụ cho việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu, không phục vụ cho việc giải quyết thủ tục hành chính.
Việc kết nối cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính không thể thực hiện tại các quận, huyện khác (ngoài Q.1 và Q.6) và TP.Thủ Đức vì các đơn vị này đã ngưng sử dụng phần mềm VILIS.
Trong thời gian chờ UBND TP.HCM cho phép sử dụng chính thức phần mềm VBDLIS, Sở Tư pháp, Sở TT-TT, Sở TN-MT kiến nghị UBND TP.HCM đồng ý cho phép thí điểm kết nối cơ sở dữ liệu công chứng và cơ sở dữ liệu địa chính qua phần mềm VBDLIS trên toàn TP.HCM.
Ngoài ra, cả 3 Sở trên còn kiến nghị UBND TP.HCM giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp Sở Tư pháp và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất mức thu phí dịch vụ cung cấp thông tin địa chính cho hệ thống các tổ chức hành nghề công chứng.