Đề xuất trên được đưa ra trong dự thảo Luật căn cước công dân (sửa đổi) vừa được Bộ Công an đăng tải để lấy ý kiến đóng góp.
Trẻ dưới 6 tuổi được cấp căn cước công dân theo nhu cầu
Dự thảo đề ra nhiều quy định về căn cước công dân, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, tài khoản định danh điện tử… Các quy định này áp dụng cho công dân Việt Nam, người gốc Việt (không quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam).
Điểm mới đáng chú ý trong dự thảo, Bộ Công an đề xuất trẻ em dưới 6 tuổi nhưng chưa đăng ký khai sinh, thì thực hiện cấp thẻ căn cước công dân đồng thời khi đăng ký khai sinh.
"Trường hợp công dân là trẻ em đã đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ đến cơ quan quản lý căn cước và thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em. Riêng trẻ dưới 6 tuổi thì không thu nhận thông tin sinh trắc học", dự thảo nêu.
Trường hợp công dân là trẻ em đủ 6 tuổi trở lên thì cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận ảnh khuôn mặt khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước công dân.
Đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên thì trình tự, thủ tục cấp cơ bản không thay đổi và sẽ bắt buộc cấp căn cước công dân.
Theo dự thảo, Bộ Công an cũng đề xuất bổ sung quy định về quản lý, cấp căn cước công dân cho công dân Việt Nam dưới 14 tuổi và cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt.
Tuy nhiên, việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu chứ không bắt buộc.
Còn việc cấp chứng nhận căn cước cho người gốc Việt, theo Bộ Công an là để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của họ và phục vụ công tác quản lý nhà nước; phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước công dân trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.
Chứng minh nhân dân cũ có giá trị sử dụng đến cuối năm 2024
Bên cạnh đó, Bộ Công an đề xuất tích hợp vào căn cước công dân một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân.
Những dữ liệu này gồm: thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, bằng lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...
Dự thảo nêu rõ thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước.
Theo Bộ Công an, việc này giúp giảm giấy tờ cho công dân, tạo thuận lợi cho công dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài ra, dự thảo luật quy định chuyển tiếp theo hướng chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng đã được cấp trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, thì được sử dụng đến hết ngày 31-12-2024.
Các loại giấy tờ khác đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật.
"Cơ quan quản lý nhà nước không được quy định các thủ tục về đính chính, thay đổi thông tin liên quan đến chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân trong các giấy tờ nêu trên", dự thảo quy định.
Đã cấp hơn 76,5 triệu căn cước công dân gắn chip
Theo Bộ Công an, trước thời điểm chính thức bỏ hẳn sổ hộ khẩu giấy, cơ quan chức năng đã hoàn thành việc đưa 21/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử để tạo thêm kênh giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Tính đến cuối tháng 12-2022, công an cả nước đã phê duyệt hơn 17 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân, cấp hơn 76,5 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip.
Bộ Công an đánh giá, thẻ căn cước công dân cùng với tài khoản định danh điện tử đã mang lại nhiều tiện ích, giảm nhiều loại giấy tờ cho công dân, tạo nền tảng để triển khai các tiện ích về dịch vụ công…
Theo quy định của Luật cư trú, từ ngày 1-1-2023 sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy sẽ hết hiệu lực. Nói như đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội), có một số vấn đề phát sinh thực tiễn đặt ra.