Do đó, giữa tháng 11-2022, chúng tôi tiến hành khảo sát 300 học sinh đang học lớp 12 tại TP.HCM để tìm hiểu đâu là những dự định của các em sau khi học xong bậc THPT.
11% muốn đi làm ngay sau tốt nghiệp
Chúng tôi đã chọn sáu trường THPT tại TP.HCM gồm Ernst Thalmann (quận 1), Marie Curie (quận 3), Nguyễn Hữu Thọ (quận 4), Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 11), Phước Kiển (huyện Nhà Bè) và Nguyễn Văn Cừ (huyện Hóc Môn). Ở mỗi trường, chúng tôi chọn tình cờ 50 học sinh để tìm hiểu dự định của các em. Trong tổng số 300 em được khảo sát, nữ chiếm 59% (177 em) và nam chiếm 41% (123). Dưới đây là một số kết quả của cuộc khảo sát.
Câu hỏi then chốt nhất của khảo sát là muốn tìm hiểu xem học sinh sẽ chọn con đường nào sau khi học xong bậc THPT. Kết quả khảo sát cho thấy có 61% số em cho biết chọn học tiếp ĐH, 15% chọn con đường đi du học, 13% chọn theo học tại các trường trung cấp và cao đẳng nghề, và đáng chú ý là có 11% số em cho biết mình sẽ dừng lại để đi làm.
Khi giải thích về việc vì sao có nhiều học sinh không chọn xét tuyển vào ĐH trong năm học vừa qua, có ý kiến cho rằng do các em học sinh thiếu thông tin về những quy định trong đăng ký xét tuyển. Vậy liệu các em có thật sự thiếu thông tin không? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi đã hỏi các em xem liệu các em đã tham dự vào các buổi tư vấn tuyển sinh nào hay chưa. Kết quả cho thấy đa số các em cho biết đã tham dự các buổi tư vấn tuyển sinh (64,3%) và số em cho biết chưa tham dự là 35,7%.
Ở đây, chúng tôi muốn thử so sánh xem các em đã tham dự các buổi tư vấn tuyển sinh và các em chưa tham dự thì liệu có sự chọn lựa khác nhau hay không? Kết quả khá bất ngờ là tỉ lệ các em chưa tham gia tư vấn tuyển sinh lại chọn tiếp con đường học ĐH cao hơn hẳn các em đã tham gia. Một điều cũng đáng chú ý đó là đối với nhóm học sinh đã tham gia các buổi tư vấn tuyển sinh thì sự chọn lựa của các em lại đa dạng hơn rất nhiều chứ không chỉ tập trung vào con đường học tiếp lên ĐH.
Vì lo học phí
Chúng tôi cũng thử so sánh định hướng giữa các em học sinh thuộc gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn và gia đình khá giả thì cũng thấy có sự khác biệt. Có 58% số em thuộc gia đình khá giả cho biết sẽ học ĐH, trong khi con số này nơi các em thuộc gia đình khó khăn là 52%. Đối với dự định đi làm sau khi tốt nghiệp THPT nơi các em học sinh thuộc gia đình khó khăn cũng cao hơn các em phụ thuộc gia đình (16% so với 12%). Như vậy, việc định hướng của các em học sinh không hẳn chỉ phụ thuộc vào việc tiếp cận thông tin mà có thể điều kiện kinh tế của gia đình mới là yếu tố quan trọng hơn.
Đối với những em học sinh chọn con đường học ĐH, chúng tôi cũng đã thử tìm hiểu xem đâu là những tiêu chí quan trọng trong việc chọn trường ĐH để theo học. Kết quả khảo sát cho thấy có ba tiêu chí được các em chú trọng nhất trong việc chọn trường là "điều kiện học tập tốt" (73% số em chọn), kế đến là "chất lượng giảng dạy tốt" (71%) và tiêu chí quan trọng thứ ba đó là "học phí" với tỉ lệ chọn là 59,6%.
Với số liệu trên, chúng ta thấy các em học sinh đã dựa vào những tiêu chí rất cốt lõi để chọn trường bởi cơ sở vật chất, chất lượng giảng dạy và học phí là những yếu tố quan trọng nhất trong việc đào tạo. Việc các em chú ý đến học phí là điều hoàn toàn dễ hiểu, khi mà các thông tin về việc tăng học phí liên tục xuất hiện trong những năm gần đây. Vậy với những em có định hướng học ĐH thì đâu là mức học phí mà gia đình các em có thể chi trả cho một năm học ĐH?
Kết quả cho thấy có 38,3% số em cho biết gia đình có thể chi trả học phí trong mức 10 - 20 triệu đồng/năm, 34,4% có thể chi trả mức từ 21 - 30 triệu đồng/năm và gần 20% số em cho biết gia đình có thể chi trả học phí với mức 31 - 50 triệu đồng/năm. Những mức học phí cao hơn thì tỉ lệ chọn rất thấp.
Số lượng học đại học, cao đẳng, trung cấp ra sao?
Trong năm 2022, "Báo cáo về tuyển sinh và đào tạo khối đại học và cao đẳng sư phạm" của Bộ GD-ĐT cho thấy số lượng đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là hơn 1 triệu thí sinh. Trong số này, sau quá trình dự thi và xét tuyển, có khoảng 567.000 thí sinh trúng tuyển đại học và cao đẳng sư phạm. Sau cùng, khoảng 467.400 thí sinh đã nhập học.
Ở khối trường cao đẳng và trung cấp, thống kê của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) cho thấy các trường cao đẳng trên cả nước tuyển được khoảng 236.000 người, còn trường trung cấp tuyển được 312.000 người. Một số ngành nghề có kết quả tuyển sinh tốt trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước bao gồm máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch... (TRỌNG NHÂN)
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) - cho biết như vậy về tuyển sinh đại học và cao đẳng ngành mầm non năm 2023.
Xem thêm: mth.54874500161103202-tpht-peihgn-tot-ihk-uas-ig-hnid-ud-21-pol-hnis-coh/nv.ertiout