Nhiều tiện ích khi sử dụng VssID
Là một người bị bệnh tăng huyết áp và có vấn đề về tim mạch, bà Nguyễn Thị Tho (nhà khóm 3, phường 4, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) thường xuyên phải đến các cơ sở y tế khám bệnh. Trước đây, khi đi khám, bà Tho phải đem theo thẻ BHYT và giấy chứng minh nhân dân. Vì vậy, đôi lúc quên mang theo một trong hai loại giấy tờ trên sẽ không khám được, và nếu làm thất lạc thẻ BHYT phải làm lại, mất thời gian. Tuy nhiên, từ khi bà Tho cài đặt ứng dụng VssID những phiền toái trên đã được giải quyết.
“Hiện khi đi khám bệnh, tôi chỉ cần mở ứng dụng VssID trên điện thoại, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng là khám được, không cần phải đem theo nhiều loại giấy tờ, rất thuận lợi cho người dân. Khi khám bệnh xong, tôi cũng có thể vào ứng dụng VssID kiểm tra “sổ khám bệnh”, xem được quá trình khám bệnh, tên bệnh, loại thuốc bác sĩ kê đơn, chi phí khám khám bệnh. Vì vậy, sử dụng thẻ BHYT ngày càng đơn giản hóa”, bà Tho chia sẻ.
Nhiều người sau khi cài đặt ứng dụng VssID thông qua đó có thể trực tiếp theo dõi, giám sát việc đóng BHXH, BHYT, BHTN của chủ sử dụng lao động cho bản thân mình, qua đó có thể phản ánh đến các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện và xử lý, giúp giảm tình trạng trốn đóng, nợ đọng, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Ngoài việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy, người dân cũng có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chíp (đã đăng ký thành công tài khoản định danh điện tử) đi khám bệnh. Bác sĩ Trần Phước Lộc, Phó Giám đốc Phòng khám Đa Khoa Thành Lợi (đường Nguyễn Tất Thành, phường 8, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) cho biết, hiện tại đơn vị đã triển khai việc sử dụng thẻ CCCD gắn chíp thay cho thẻ BHYT. Trước đây, khi đi khám bệnh người dân cần phải đem thẻ BHYT giấy và chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh. Nhưng hiện tại đã đơn giản hóa hơn nhiều. Người dân chỉ cần có thẻ CCCD gắn chíp đều khám được. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, nhanh chóng hơn cho người dân khi đi khám chữa bệnh bằng BHYT.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của BHXH Việt Nam về việc thí điểm sử dụng thẻ CCCD gắn chíp hoặc ứng dụng VNEID thay thế thẻ BHYT giấy để khám bệnh, chữa bệnh BHYT, theo đó BHXH tỉnh Cà Mau và các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh phối hợp triển khai tiếp đón người bệnh khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD có gắn chíp. Kết quả tính đến tháng 12-2022 có 116 cơ sở khám chữa bệnh (100%) thực hiện hơn 104.200 lượt tra cứu CCCD, trong đó có hơn 57.700 lượt tra cứu thành công để khám chữa bệnh BHYT.
BHXH tỉnh Cà Mau cho biết, trong thời gian tới, tiếp tục phối hợp các cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh triển khai, xử lý vướng mắc về phần mềm tiếp nhận dữ liệu khám chữa bệnh khi sử dụng thẻ CCCD gắn chíp. Tiếp tục cập nhật thông tin định danh cá nhân, CCCD của người tham gia vào cơ sở dữ liệu của bảo hiểm để đảm bảo việc đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tích cực triển khai các dịch vụ công khi có hướng dẫn triển khai chính thức từ BHXH Việt Nam.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Thực hiện Kế hoạch 23/KH-UBND ngày 28-1-2022 của UBND tỉnh Cà Mau triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6-1-2022 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Đề án 06), BHXH tỉnh Cà Mau xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng.
Theo đó, BHXH tỉnh Cà Mau đã tích cực chỉ đạo việc cập nhật bổ sung số định danh cá nhân, CCCD của người tham gia trong cơ sở dữ liệu BHXH Việt Nam quản lý và tiếp tục cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID-BHXH số. Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ”, BHXH tỉnh Cà Mau tập trung mọi nguồn lực, quyết liệt triển khai mạnh mẽ việc chuyển đổi số toàn diện và hiệu quả.
Bà Thái Thị Kim Thủy, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau cho biết, việc triển khai thực hiện Đề án 06 được đơn vị xác định là một nhiệm vụ quan trọng, góp phần đẩy mạnh việc cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh Cà Mau nói chung và tại BHXH tỉnh nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sử dụng lao động, người lao động tham gia BHXH, BHYT, người thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN giao dịch với cơ quan BHXH, nâng cao hiệu quả xử lý công việc của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị.
Cũng theo bà Thái Thị Kim Thủy, BHXH tỉnh Cà Mau sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, không ngừng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền trực quan, chú trọng những tiện ích khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, cách thức tạo lập tài khoản sử dụng dịch vụ công, 5 nhóm tiện ích của Đề án 06; hướng dẫn, hỗ trợ để người dân, doanh nghiệp lựa chọn tối đa việc nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công, qua đó giúp doanh nghiệp, người dân dễ nắm bắt, tiếp cận, tích cực tham gia tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động.
Tập trung cải cách hành chính
BHXH tỉnh Cà Mau cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên của đơn vị là thực hiện cải cách hành chính. Theo đó, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác kiểm soát nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí và thời gian, tạo thuận lợi tối đa cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính về BHXH, BHYT, BHTN.
Để công tác cải cách hành chính đạt hiệu quả cao, Ban Giám đốc BHXH tỉnh Cà Mau thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và đội ngũ công chức, viên chức trong hệ thống BHXH tỉnh quán triệt và nghiêm túc thực hiện các văn bản, quy định của BHXH Việt Nam về kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của công chức, viên chức; thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với viên chức trong thực thi nhiệm vụ nhằm kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ, gây khó khăn, phiền hà cho tổ chức và cá nhân trong giải quyết thủ tục hành chính.