ừ năm 1995 đến nay, Nhà nước thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu. Người cảm nhận rõ nhất những điều chỉnh này đó là ông Đinh Thế Phong (78 tuổi), ngụ ở thôn Tân Phú, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Ông khẳng định với mức lương hưu hiện tại cá nhân không còn dựa vào giúp đỡ của các con.
Bác Đinh Thế Phong (áo xám) kể về quá trình tham gia BHXH và hưởng lương hưu của bản thân
Hạnh phúc, an nhàn khi có lương hưu
Năm 1995, ông Đinh Thế Phong nhận quyết định nghỉ hưu sau nhiều năm công tác tại phòng tài chính huyện Quảng Trạch. Lúc này, ông nhận mức lương hưu chỉ 370.000 đồng/tháng. Với mức lương này, ông từng nghĩ sẽ khó đảm bảo cuộc sống sau này.
Thế nhưng đi cùng với những thay đổi của đất nước, lương hưu của ông cũng được điều chỉnh tăng liên tục. Tính đến thời điểm hiện tại mức lương hưu ông Phong hơn 3,4 triệu đồng.
“So với thời điểm ban đầu, lương hưu của tôi đã tăng lên gấp 10 lần. Và với mức lương này tôi đủ trang trải cuộc sống hiện nay. Đặc biệt, tôi còn được cấp thẻ BHYT miễn phí với mức chi trả lên tới 95% chi phí khám chữa bệnh nên cá nhân rất hạnh phúc vì không trở thành gánh nặng cho con cái. Giờ tôi muốn mua gì thì mua, đi viện đã có thẻ BHYT, qua đời thì có tiền mai táng phí...”- ông Phong vui vẻ chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, ông Trần Văn Hiền, ngụ ở phường Phú Lương, quận Hà Đông, cho biết mức lương hưu khởi điểm vào năm 2010 của ông là hơn 3 triệu đồng, nhưng đến nay lương được điều chỉnh lên hơn 4 triệu đồng. Với mức lương này, ba người con của ông không phải chi tiền hàng tháng cho bố.
“Từng làm công nhân ngành than rồi nghỉ việc khi mới 40 tuổi, tôi từng có ý định nhận BHXH một lần, nhưng sau đó được nhân viên BHXH giải thích nên tiếp tục tham ga. Giờ nghĩ lại, bản thân cảm thấy rất may mắn vì đã không rời khỏi hệ thống BHXH, bởi nhiều người bạn tôi nhận BHXH một lần giờ không có lương, về già vẫn phải vất vả kiếm sống…”- ông Hiền nói.
Lương hưu luôn được điều chỉnh tăng liên tục
Bà Lý Hoàng Minh - Phó Trưởng phòng Hưu trí, Ban Thực hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam) cho biết, mức hưởng lương hưu không phải mức cố định tại thời điểm nghỉ hưu mà định kỳ được điều chỉnh tăng theo chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế để đảm bảo cuộc sống.
Từ năm 1995 đến nay, Nhà nước đã thực hiện 22 lần điều chỉnh lương hưu. Đặc biệt, trong hai năm qua dù tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng lương hưu vẫn được điều chỉnh với mức chung là 7,4% từ ngày 1/1/2022.
Đối với người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995 nếu sau khi được điều chỉnh tăng theo mức chung 7,4% trên, nhưng mức lương hưu thuộc các trường hợp thấp thì lại tiếp tục được điều chỉnh. Cụ thể, tăng thêm 200 nghìn đồng với những người có mức hưởng thấp hơn 2,3 triệu đồng/tháng; tăng lên 2,5 triệu đồng với những người có mức hưởng từ 2,3 triệu đồng/tháng đến dưới 2,5 triệu đồng/tháng.
“Qua đó, chúng ta có thể thấy Nhà nước rất quan tâm đến thu nhập của người hưởng lương hưu…”- bà Minh nói.
Đặc biệt, bên cạnh việc hưởng lương hưu, người tham gia BHXH khi đủ điều kiện nghỉ hưu còn được cấp thẻ BHYT miễn phí, được hưởng các quyền lợi khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trọn đời do quỹ BHYT chi trả với mức hưởng là 95% (cao hơn mức hưởng trung bình của người tham gia BHYT theo hộ gia đình).
Thực tế, cơ quan BHXH đã chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỉ đồng cho những người hưởng lương hưu bị mắc bệnh hiểm nghèo, nan y - bởi lứa tuổi này thường dễ gặp các vấn đề bất trắc về sức khỏe. Không những thế trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng lương hưu không may qua đời thì thân nhân của họ còn được hưởng chế độ tử tuất với nhiều quyền lợi…
“Có thể thấy, lương hưu là chỗ dựa vững chắc cho người hết tuổi lao động. Điều này được chứng minh rõ nét trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống, đặc biệt là trong hai năm qua khi mà nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, người dân phải đối mặt với nhiều rủi ro trong cuộc sống khi không có thu nhập…”- bà Minh lý giải.