Theo thông tin từ ông Trần Minh Châu - thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Alibaba - tính đến ngày 15-1 (hết thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án), Tòa án nhân dân TP.HCM đã nhận được đơn kháng cáo của 14/23 bị cáo trong vụ án Alibaba.
Chủ tịch hội đồng quản trị Alibaba kêu oan
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thái Luyện (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba) và vợ là bị cáo Võ Thị Thanh Mai cùng kháng cáo kêu oan.
Cụ thể, bị cáo Nguyễn Thái Luyện vẫn cho rằng mình không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Công ty Alibaba không gian dối khi cung cấp thông tin về các thửa đất để bán cho khách hàng.
Cho đến thời điểm xét xử vụ án, Alibaba vẫn có đất để trả cho khách hàng. Đến trước thời điểm vụ án được khởi tố thì không có bị hại nào bị Alibaba chiếm đoạt tiền. Do đó, hội đồng xét xử kết tội Luyện lừa đảo chiếm đoạt tài sản là không đúng.
Đồng thời, bị cáo Võ Thị Thanh Mai cũng có đơn kháng cáo kêu oan ở cả 2 tội danh: lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền. Tại phiên tòa, Mai không kêu oan tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng trong đơn kháng cáo, Mai vẫn khẳng định mình bị oan ở cả 2 tội danh trên.
Ngoài ra, 12 bị cáo khác có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gồm: Nguyễn Quang Sơn, Trương Thị Hồng Ngọc, Trang Chí Linh, Nguyễn Lê Hoàng Lan, Bùi Minh Đức, Nguyễn Huỳnh Tú Trinh, Nguyễn Thị Vân Anh, Huỳnh Thị Ngọc Như, Nguyễn Thái Lĩnh, Trần Huy Phúc, Phan Ngọc Nguyên và Nguyễn Thái Lực.
Trước đó, ngày 29-12-2022, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM đã tuyên mức án chung thân đối với Nguyễn Thái Luyện và các mức từ án treo đến 30 năm tù cho các bị cáo khác.
Tuyên mức án cho các bị cáo Alibaba thấp hơn mức đề nghị của viện kiểm sát.
Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM đã áp dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo do nhiều người còn trẻ, một số là anh chị em ruột trong gia đình. Các bị cáo đều không có tiền án tiền sự, phạm tội lần đầu và gia đình có người có công với cách mạng.
Mặc dù đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị mức án khá nghiêm khắc cho các bị cáo (từ 5 năm đến chung thân) nhưng trong phần nhận định, hội đồng xét xử Tòa án nhân dân TP.HCM cho rằng trừ Nguyễn Thái Luyện, tất cả các bị cáo còn lại đều được hưởng tình tiết giảm nhẹ, thậm chí có bị cáo được xem xét mức án dưới khung hình phạt.
Cụ thể, trừ bị cáo Nguyễn Thái Luyện vẫn bị hội đồng xét xử tuyên mức án chung thân, Võ Thị Thanh Mai 30 năm tù, các bị cáo còn lại đều được tuyên mức án nhẹ hơn mức Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đề nghị.
Hội đồng xét xử sơ thẩm cho rằng bị cáo Nguyễn Thái Luyện, Võ Thị Thanh Mai là vợ chồng và còn nuôi con nhỏ, Luyện và Nguyễn Thái Lực, Nguyễn Thái Lĩnh là anh em ruột; Võ Thị Thanh Mai và Võ Văn Trần Quang là chị em ruột nên hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là người thân của Luyện và Mai.
Ngoài Nguyễn Thái Luyện, các bị cáo khác đều là nhân viên dưới quyền, thực hiện hành vi theo chỉ đạo của Luyện, họ cố ý về hành vi nhưng vô ý về hậu quả. Trừ bị cáo Phan Ngọc Nguyên không nhận thức được hành vi, còn lại các bị cáo đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.
Chiều 29-12, TAND TP.HCM đã tuyên mức án chung thân đối với Nguyễn Thái Luyện và giảm nhẹ so với mức đề nghị của viện kiểm sát cho các bị cáo khác trong vụ án Alibaba, trong đó một bị cáo nhận án treo.
Xem thêm: mth.66663024161103202-nao-uek-oac-gnahk-neyul-iaht-neyugn-ababila-uv/nv.ertiout