Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến khó lường, việc chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ là vấn đề rất quan trọng để đảm bảo kinh tế vĩ mô và giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận với các khoản tín dụng. Cũng chính vì thế, duy trì một mặt bằng lãi suất và tỷ giá ổn định là mục tiêu của cơ quan điều hành. Trong trường hợp có biến động thì phương châm dĩ bất biến, ứng vạn biến đang được coi là cách thức để cơ quan điều hành ứng phó.
Sau cuộc họp của Hiệp hội ngân hàng, đến nay, tất cả các thành viên là các ngân hàng thương mại đều đã đồng thuận lãi suất huy động không được vượt quá 9,5%/năm và tùy vào mỗi ngân hàng sẽ thực hiện giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 2%/năm.
Với 75 thành viên là các tổ chức tín dụng, sự đồng thuận này ít nhất sẽ không tạo ra một sự xáo trộn hay cuộc đua lãi suất nào trên thị trường ngân hàng. Đồng thời, tạo ra một mặt bằng lãi suất ổn định cả huy động lẫn cho vay.
Lãi suất và tỷ giá luôn là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa.
Với một mặt bằng lãi suất ổn định, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn vay vốn chứ không phập phồng lo lắng bởi sự lên xuống khi đi vay.
"Chúng tôi đang nhận được sự giải ngân vốn kịp thời, đúng thời điểm để sẵn sàng đầu tư cho cả năm tới trong ngành hàng điện gia dụng và cả những lĩnh vực kinh doanh mới của tập đoàn", ông Masataka Sato - Giám đốc Kế hoạch và Chiến lược Tập đoàn Kangaroo cho hay.
Hơn nữa, sự tham gia hỗ trợ các thành viên khác của các ngân hàng lớn cũng sẽ giảm bớt những căng thẳng và áp lực đối với vấn đề thanh khoản của hệ thống.
Trong khi đó, vấn đề tỷ giá dù mức độ và tác động do FED tăng lãi suất sẽ không còn nhanh, mạnh như năm 2022 nhưng mức độ tác động đến nền kinh tế vẫn còn dai dẳng trong năm 2023.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định: "Chúng tôi dự báo kể cả trong bối cảnh sắp tới FED còn tăng lãi suất cũng sẽ dịu dần".
Theo nhận định của nhiều tổ chức và chuyên gia kinh tế, mặc dù áp lực đối với chính sách tiền tệ có thể sẽ còn kéo dài đến hết quý II/2023 nhưng ổn định mặt bằng lãi suất là vấn đề nên được cơ quan điều hành được ưu tiên nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đầu tư công theo hướng thực chất hơn
Không lập danh mục đầu tư giàn trải, chỉ tập trung vào những dự án có thể sớm hoàn thành và tạo sức lan tỏa cho các vùng - đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trong điều hành đầu tư công trong năm 2023 và cả giai đoạn tới.
Sức nóng của chỉ đạo này đang dần lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều địa phương. Các dự án giao thông trọng điểm cũng đã lên kế hoạch thúc đẩy tiến độ, nhiều dự án đã lên phương án thi công xuyên Tết để đưa công trình, dự án về đích đúng hạn, sớm phát huy hiệu quả cho địa phương và cả khu vực.
Năm 2023, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là thực hiện tốt tiến độ giải ngân và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công. Ảnh minh họa.
Những bản mặt sàn cầu cuối cùng của đoạn dự án Mỹ Thuận - Cần Thơ đã được lắp đặt ngay trong những ngày giáp tết nguyên đán. Theo các đơn vị thi công hiện tất cả các hạng mục kiên cố như cầu, cống đã cơ bản hoàn thành nhưng sẽ vẫn thi công liên tục, xuyên Tết để bám sát tiến độ dự án.
Hạ tầng dần hoàn thiện sẽ có tác động lớn đến chiến lược phát triển ở nhiều địa phương, khu vực. Các tỉnh, thành cũng đang lên kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội gắn kết với các tuyến đường cao tốc sắp hoàn thành.
Năm 2023, nhiệm vụ quan trọng đặt ra là thực hiện tốt tiến độ giải ngân và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công. Điều này có ý nghĩa then chốt trong việc nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội, là đòn bẩy kinh tế và là "vốn mồi" cho đầu tư toàn xã hội, nhằm thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã đề ra.
VTV.vn - Tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất 2% mới đạt gần 30.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết đang xin ý kiến để tìm cách tháo gỡ điểm nghẽn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.6011540261103202-aig-yt-av-taus-ial-gnab-tam-hnid-no-neit-uu/et-hnik/nv.vtv