Chia sẻ trong chương trình Bí mật đồng tiền số 55, ông Hải cho biết, sau 1 năm giao dịch, giai đoạn cuối năm, sẽ quan sát kỹ các giao dịch, các mã tiềm năng, các mã nhận được dòng tiền ổn định, có thể thay đổi từ tiêu cực sang tích cực trong năm 2023 để chuẩn bị. Do vậy, những ngày cuối năm, dù bận rộn thì vẫn dành thời gian quan sát rất kỹ để có quyết định đầu tư 2023.
Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế Trưởng kiêm Trưởng ban Đào tạo và Phát triển Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho biết, nhà đầu tư dài hạn như ông đã chuẩn bị từ lâu rồi. Còn thời trẻ hơn, thì trước các kỳ nghỉ lễ dài hay có xu hướng những ngày giao dịch cuối cùng, việc trả lãi margin sẽ không có, nên cũng có giao dịch hơn một chút.
Có nhà đầu tư đặt vấn đề liệu năm 2023, thị trường tăng trưởng có thể hơn lãi suất tiết kiệm hay không? Ông Hưng cho biết, cuối năm 2022, lãi suất tiết kiệm có lúc 10%, hiện trên 9%/năm, còn thị trường tăng 10% cho năm 2023 cũng là mức cơ bản và tương đối khả quan.
Theo góc nhìn của ông Hải, năm 2023 một số cổ phiếu sẽ có mức tăng trưởng hơn nhiều lần lãi suất tiết kiệm, ngược lại, có cổ phiếu kém hơn nhiều, quan trọng là có kỹ năng tìm ra các cổ phiếu tiềm năng. Nguyên tắc sau 1 năm khó khăn, khi doanh nghiệp chuyển sang phục hồi, giá cổ phiếu sẽ tăng. Đơn cử, sau 1 năm lỗ lớn do dịch bệnh, khiến giá cổ phiếu lao dốc, thì khi mở cửa trở lại, du lịch gia tăng, giá cổ phiếu HVN (Vietnam Airlines) đã hồi trở lại, nhất là trong 1-2 tháng gần đây cao hơn nhiều lần so với gửi tiết kiệm, dù bức tranh tài chính chưa có cải thiện nhiều.
Nhiều nhà đầu tư giao dịch hay nhìn thị trường Mỹ, ông Hải cho rằng, thị trường Mỹ tác động tới dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nên sẽ theo dõi chặt chẽ, nhưng không theo diễn biến từng phiên mà từng chu kỳ thị trường chứng khoán Mỹ, các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng được theo dõi.
Nếu thị trường chứng khoán Mỹ lên, hoặc xuống theo chu kỳ thì sẽ đặc biệt quản trị rủi ro theo xu hướng tích cực hay tiêu cực. TTCK Mỹ năm qua có biến động, nhưng từ đỉnh tới mức hiện nay không quá lớn, nên các thông tin trên thị trường Mỹ đã phản ánh chưa hay còn tiếp tục thì vẫn phải nghiên cứu, và vẫn là cần thận trọng.
“Theo dấu chân dòng tiền lớn” của khối ngoại, ông Hải cho biết, đầu năm 2018, khối ngoại vào Việt Nam lớn, có những phiên mua cả ngàn tỷ đồng và kéo dài. Cho đến tháng 4/2018 thị trường đi xuống, điều này cho thấy, khối ngoại chỉ là một tham số, nếu nhà đầu tư không hiểu mục đích, tiêu chí hoạt động từng nhóm nhà đầu tư thì rất khó. Còn năm 2022, đúng là nhà đầu tư nước ngoài giải ngân lớn, cần nhớ thêm là 2020 - 2021 khối ngoại cũng bán rất mạnh nhưng thị trường vẫn đi lên.
"Mục đích của họ là đón trước cơ hội như nâng hạng thị trường, hay cơ hội đầu tư dài hạn, khi nào hiểu rõ, phân tích và tham khảo hành động của nhà đầu tư nước ngoài thì hãy theo, còn hiện nay tôi chưa đánh giá cao về giao dịch của khối ngoại để ra quyết định đầu tư", ông Hải nói.
Phân tích của HSBC gần đây, các quỹ tương hỗ châu Á trong tháng 11/2022 đã cắt giảm tỷ trọng cổ phiếu ở thị trường Indonesia, Singapore, tăng tỷ trọng ở thị trường Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, khi thấy kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại. Ở Đông Nam Á, thì có Thái Lan và Việt Nam vẫn đang được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng. Vậy liệu khi Trung Quốc mở cửa có khiến dòng vốn ngoại rút bớt khỏi thị trường Việt Nam không?
Về vấn đề này, ông Hưng cho rằng, so sánh thế hơi quá, vì thị trường Việt Nam chưa lên thị trường mới nổi (EM) và quy mô quá nhỏ so với thị trường Trung Quốc. Còn việc nhà đầu tư nước ngoài mua ròng, nhìn trong quý IV/2022, so với các thị trường EM, thị trường Việt Nam vẫn là thị trường kém nhất. Tháng 12, trong khi các thị trường EM hầu như tăng, thì chứng khoán Việt Nam lại giảm. Diễn biến này đang thử thách các nhà đầu tư nước ngoài, bởi logic của họ là thị trường nào giảm mà mua thì có lãi cao hơn. Tuy nhiên, thị trường Việt Nam lại kém trong cả quý IV.
Theo ông Hưng, thời gian tới, nếu thị trường không có độ tăng trưởng trở lại, thì mức độ kiên nhẫn của nhà đầu tư nước ngoài là yếu tố cần theo dõi thêm, chứ không phải khối ngoại đang mua thì cho rằng xu hướng đó sẽ tiếp tục.
Liên quan đến thị trường trái phiếu, ông Hưng cho rằng, 2023 số lượng đáo hạn trái phiếu lớn hơn nhiều so với năm 2022, nên luôn có áp lực. Thống kê cho thấy, đến tháng 1/2023, trái phiếu đáo hạn là 17.000 tỷ đồng, tập trung bất động sản và xây dựng. Nhà đầu tư đang quan tâm nhiều đến việc sửa đổi Nghị định 65; Chính phủ cho phép đưa ra một số công cụ cho trái chủ và nhà phát hành có thể thoả thuận với nhau, tránh đổ vỡ trên thị trường.
Với trái phiếu doanh nghiệp, đặc thù là chỉ cần 1 trường hợp nào đó không ổn có thể ảnh hưởng xấu chung toàn bộ thị trường. Diễn biến này cũng xảy ra ở các quốc gia khác, như Trung Quốc, tỷ lệ trái phiếu vỡ nợ thấp, nhưng một vài trường hợp nổi lên làm ảnh hưởng rất xấu đến thị trường. Điều này không dự báo trước được.