Những ngày cận Tết, nhu cầu giao hàng tăng gấp đôi so với bình thường nhưng lực lượng shipper lại giảm đáng kể khiến dịch vụ này trở nên quá tải. Nhiều cửa hàng ở TP HCM muốn giao hàng cho khách thời điểm này gặp rất nhiều khó khăn.
Giao hàng chậm, giá cước tăng cao
Chị Mai Yến Vân, chủ shop quần áo ở quận 3, cho biết bên vận chuyển thông báo ngừng nhận hàng khá sớm, có nơi ngưng tiếp nhận từ 23 tháng chạp nên phải kiếm người bên ngoài để giao hàng với phí rất cao. Tương tự, anh Từ Hiếu Trung, chủ cửa hàng ăn uống ở quận 5, cũng thừa nhận giao hàng cho khách hiện gặp nhiều khó khăn, các shipper thường xuyên hủy chuyến nên anh phải nhờ người thân hoặc xe ôm để giao cho khách dù giá tăng 30%-50% so với bình thường. "Đơn hàng thường xuyên bị trễ nên khách phàn nàn tôi liên tục, thậm chí họ hủy luôn không chịu nhận" - anh Trung kể.
Shipper giao hàng cuối năm tại TP HCM
Các tiểu thương bán hàng online tại TP HCM cũng than thở nhiều đơn vị giao nhận đã hạn chế khu vực nhận hàng, khuyến khích giao nhanh (phí cao) nên gặp khó khăn trong việc "chốt đơn", nhiều người từ chối khách các tỉnh, chỉ tập trung khách tại TP HCM để chủ động việc giao hàng. "Đơn sỉ thì người nhà chủ động đi gửi xe khách và khách đến nhận cho chắc ăn, cước cũng tăng 20%-30% so với trước đây" - một tiểu thương than thở.
Trong khi đó, chị Mai Hiền (ngụ quận Gò Vấp), cho biết những ngày cận Tết rất bận bịu nên chị quyết định lên các trang thương mại điện tử để sắm đồ Tết cho gia đình, lại còn được giảm giá và miễn phí giao hàng. Tuy nhiên, đặt xong chị Hiền chờ mòn mỏi nhưng không nhận được món đồ nào. "Chờ 5 ngày chưa thấy giao trong khi con mong đồ Tết nên tôi đành ra shop mua hàng nguyên giá. Đến ngày thứ 9, tôi mới nhận được tin nhắn xin lỗi của bên bán vì "không thể giao hàng đúng hẹn vì một vài sự cố phát sinh" và hứa sẽ giao sớm nhất nhưng không thông báo thời gian cụ thể. Gia đình tôi sắp về quê nên chắc sẽ không nhận được dù đơn hàng đã được thanh toán" - chị Mai Hiền cho hay.
Anh N.Đ.H, một tài xế Grab chuyên giao hàng, cho biết những ngày này, chỉ cần mở ứng dụng là đơn "nổ" liên tục, không kịp nghỉ ngơi. "Tháng chạp, khách thường cho thêm tiền, cuốc xe nhiều nên thu nhập tăng hơn còn giá cước không đổi. Grab thông báo từ 30 tháng chạp đến mùng 3 Tết, mỗi cuốc xe chỉ được cộng thêm 5.000 đồng nên tôi định tắt máy ăn Tết hoặc làm việc thời vụ nào đó, tiền công cũng hơn 500.000 đồng/ngày. Mùa này nhiều người về quê hoặc bận lo việc nhà, trông con vì trường đã nghỉ nên ít tài xế hơn trước" - anh H. nói.
Ngừng nhận hàng vì quá tải
Theo Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post), hàng hóa gửi qua bưu cục dịp Tết này tăng đến 40% so với ngày thường. Do lượng hàng tăng nên bưu cục chỉ nhận đến ngày 20-1 (29 Tết) và ngày 25-1 (mùng 4 Tết) sẽ hoạt động trở lại. "Khách gửi những ngày cận Tết, chúng tôi sẽ chuyển hàng đến người nhận sau Tết" - đại diện Vietnam Post thông tin.
Các đơn vị khác như Giao hàng nhanh, Giao hàng tiết kiệm cũng cho biết đang bị quá tải đơn hàng trong dịp Tết, trường hợp khách giao hàng trong nội thành vào thời điểm này là còn đáp ứng được trước Tết, còn hàng giao đi tỉnh phải chờ qua Tết. Đại diện Công ty TNHH Best Express Việt Nam cho hay do nhu cầu vận chuyển hàng hóa những tháng cuối năm tăng rất mạnh nên công ty chỉ nhận đến 27 Tết và vận chuyển, giao cho khách đến hết ngày 28 Tết ở các quận nội thành, còn ngoại thành và những khu vực không thuận lợi sẽ phải chuyển qua sau Tết. Tương tự, hàng hóa gửi đi tỉnh cũng phải chờ qua Tết mới giao kịp. "Để giải quyết tình trạng đơn hàng tăng cao, chúng tôi phải huy động nhân viên tăng ca liên tục, đi sớm nghỉ trễ mới mong giải quyết sớm lượng đơn hàng tăng đột biến. Tại các bưu cục có lượng hàng hóa lớn, chúng tôi phải thuê thêm shipper thời vụ để giải quyết đơn hàng ùn ứ. Ngoài ra, để khuyến khích đẩy nhanh việc giao hàng, công ty còn có chế độ thưởng chuyên cần, thưởng chỉ tiêu, thưởng tăng ca" - đại diện đơn vị này cho hay.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Giám đốc quan hệ công chúng Công ty J&T Express, cũng cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hóa đã bắt đầu tăng từ 2 tháng trước, với lưu lượng hàng hóa, bưu kiện tăng gấp nhiều lần so với ngày thường. Để đáp ứng, J&T Express đã có sự chuẩn bị kỹ về các nguồn lực cũng như tổ chức giao hàng xuyên Tết, nhờ đó hoạt động kinh doanh trực tuyến không bị gián đoạn.
Theo một chuyên gia về thương mại điện tử, khi một đơn hàng online giao chậm, bị trả về, người bán sẽ bị lỗ từ 30.000 - 50.000 đồng cho chi phí đóng gói, vận chuyển 2 chiều và tháo bao bì, chưa kể trường hợp hàng hư hỏng. Việc các đơn vị vận chuyển thường xuyên quá tải vào những dịp lễ, Tết cho thấy logistics vẫn là điểm yếu của thương mại điện tử Việt Nam cần được cải thiện trong thời gian tới.
Xem thêm: mth.18475340261103202-tet-aum-gnah-oaig-iat-auq/et-hnik/nv.moc.dln