Như Báo Công lý đã thông tin, nghi phạm sát hại cô gái trên phố Vương Thừa Vũ (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) vào đêm 12/1 đã ra đầu thú.
Nghi phạm là Hoàng Văn Thành (SN 1998, ở xã Quyết Thắng, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên), làm nghề thợ cắt tóc tự do tại Hà Nội. Còn nạn nhân trong vụ việc là chị U.T.P (SN 2003), quê ở tỉnh Lai Châu, làm nghề nail.
Tại trụ sở công an, Thành khai nhận có quan hệ tình cảm với chị P. nhưng do mâu thuẫn nên hai người đã chia tay. Gần đây, Thành phát hiện chị P. có quan hệ với người đàn ông khác nên muốn níu kéo tình cảm với người yêu cũ.
Khoảng 22h20 ngày 12/1, khi biết chị P đang ở cửa hàng, Thành gọi người yêu cũ ra phố Vương Thừa Vũ nói chuyện. Lúc này, chị P. cương quyết từ chối tình cảm nên trong lúc tức giận, nghi phạm đã dùng dao tấn công khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Hoàng Văn Thành tại cơ quan điều tra
Theo Công an quận Thanh Xuân, sau khi gây án, Thành bỏ trốn khỏi hiện trường, lang thang ở nhiều nơi rồi về quận Long Biên, Hà Nội. Được sự vận động của cơ quan công an và gia đình, nghi phạm đã ra đầu thú sau 3 ngày lẩn trốn.
Nhiều độc giả quan tâm, việc nghi phạm ra đầu thú có được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự?
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, hành vi giết người của nghi phạm là rất rõ ràng, thể hiện tính côn đồ, manh động, coi thường pháp luật, cố ý phạm tội đến cùng, đã tước đoạt trái pháp luật tính mạng của người khác và gây ra thương tích cho người can ngăn. Toàn bộ sự việc đã được camera an ninh ghi lại, bởi vậy đối tượng Thành có thể sẽ bị xử lý hình sự về hai tội danh là tội “giết người” và “cố ý gây thương tích”.
Trước thông tin về việc nghi phạm đầu thú sau khi được sự động viên của gia đình và vận động của cơ quan chức năng, Luật sư Cường cho rằng đây có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, việc có được coi là tình tiết giảm nhẹ hay không sẽ do Tòa án quyết định. Nếu xác định đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Tòa án phải ghi rõ trong bản án.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường
Luật sư Cường cho biết thêm, theo quy định của bộ luật hình sự năm 2015 thì các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định, liệt kê cụ thể tại Khoản 1, Điều 51 BLHS, trong đó có tình tiết là "r) Người phạm tội tự thú;". Còn đối với tình tiết người phạm tội "đầu thú" thì đây không phải là tình tiết giảm nhẹ đáng kể, không được quy định trong khoản 1, Điều 51 BLHS.
Với hành vi tước đoạt tính mạng trái pháp luật của nạn nhân vì ghen tuông, ích kỉ, Luật sư Cường cho biết, nghi phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự với tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e, điểm k, khoản 1, Điều 52 BLHS là "e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng; k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được. Khung hình phạt mà đối tượng có thể sẽ phải đối mặt là phạt tù 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Đáng chú ý, trong vụ án trên, ngoài việc sát hại cô gái dã man, nghi phạm còn thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho người can ngăn. Để xử lý hành vi này, theo Luật sư Cường, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định thương tích của người thanh niên đã can ngăn đối tượng để xác định mức độ thương tích làm căn cứ có thể khởi tố thêm hành vi cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự.
Ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, đối mặt với mức hình phạt nghiêm khắc của pháp luật, nghi phạm gây án còn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân tử vong và nạn nhân bị thương tích. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc, tiền thu nhập bị mất bị giảm sút của người bị thương tích và bồi thường tổn thất về tinh thần cho nạn nhân và thân nhân của nạn nhân. Đối với nạn nhân thiệt mạng thì còn phải bồi thường chi phí mai táng theo phong tục địa phương. Các bên có thể thỏa thuận với nhau về mức bồi thường, nếu không thỏa thuận được thì đề nghị tòa án giải quyết theo quy định pháp luật.