Trong lúc cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đã thông xe kỹ thuật thì quốc lộ 1 song song qua đây thường xuyên ùn ứ, kẹt xe.
Quốc lộ 1 đoạn từ Đồng Nai ra đến Bình Thuận phần lớn chưa có dải phân cách giữa, vẫn nhiều nút thắt cổ chai, dân cư tập trung đông đúc…
Như "điệp khúc", những ngày giáp Tết Nguyên đán này xe cộ di chuyển trên quốc lộ 1 hướng từ TP.HCM, Đồng Nai ra các tỉnh miền Trung, miền Bắc rất lớn.
Ngày thường xe cộ di chuyển qua đoạn đường này phải mất 3-4 tiếng, nay càng lâu hơn. Nhiều người đã chọn phương án xuất phát từ khuya để hy vọng tránh được giờ kẹt xe.
Cũng có trường hợp di chuyển đường khác, hạn chế đi trên quốc lộ 1. Nhưng những tuyến đường này hay đi vòng xa nên mất nhiều thời gian.
Nhiều người đã hy vọng tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết hoàn thành sớm để chạy bon bon, tránh cảnh "hành xác" trên quốc lộ 1 song song qua đây nhưng chủ đầu tư đã "lỗi hẹn".
Cũng có nhiều người quan tâm vì sao tuyến cao tốc này đã thông xe kỹ thuật rồi nhưng không cho chạy tạm?
Để giải đáp những thắc mắc trên, Tuổi Trẻ Online trao đổi nhanh với ông Đặng Hùng Thái, giám đốc điều hành dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết.
Ông Thái giải thích: "Thật ra thông xe kỹ thuật chỉ là cụm từ chuyên môn của ngành giao thông. Đây là dấu mốc quan trọng của một dự án làm đường, thông suốt toàn bộ tuyến chính.
Còn chuyện cho dự án vào khai thác thì còn rất nhiều việc cần phải làm như: các hạng mục an toàn giao thông, sơn kẻ đường, hội đồng nhà nước hoàn thành nghiệm thu và bàn giao cho đơn vị vận hành... Nếu cho người dân chạy vào, lỡ có chuyện gì xảy ra thì rất rắc rối".
Ông Thái cho biết thêm, nếu các địa phương cấp tỉnh hoặc cao hơn có phương án phối hợp với ban quản lý dự án thì sẽ xem xét khả năng trên. Hiện các nhà thầu phải rào hai điểm đầu và cuối của dự án để hạn chế xe cộ người dân đi vào.
Ngoài ra, theo quan sát trên toàn tuyến, nhiều đoạn còn đang thi công cấp phối đá dăm bê tông nhựa, các mối nối của cầu mới đổ tạm qua lại. Nếu người dân chạy không quan sát kỹ rất nguy hiểm.
Dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết có điểm đầu tại huyện Hàm Thuận Nam (Bình Thuận) và điểm cuối giao với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai).
Theo kế hoạch ban đầu, dự án phải hoàn thành và đưa vào khai thác vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, trong 2 năm qua các đơn vị thi công gặp rất nhiều khó khăn như: chậm trễ cấp đất đắp, dịch bệnh, bão giá, mùa mưa kéo dài, năng lực tài chính hạn chế… nên chậm tiến độ.
Các đơn vị cam kết mục tiêu sẽ đưa vào khai thác dịp lễ 30-4 sắp tới vì giai đoạn khó khăn nhất đã vượt qua, tuyến chính đã thông xe kỹ thuật, phần còn lại dễ dàng chủ động làm hơn…
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) chủ động nghiên cứu, thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư dự án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.