Chiều 17-1, thông tin với Tuổi Trẻ Online, Trung tướng Tô Ân Xô - chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an - cho biết Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Trần Kỳ Hình - cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Ông Trần Kỳ Hình bị điều tra tội "nhận hối lộ" theo điều 354 Bộ luật hình sự.
Cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM đã phê chuẩn quyết định này.
Trước đó một tuần, cục trưởng đương nhiệm Cục Đăng kiểm là ông Đặng Việt Hà đã bị Công an TP.HCM bắt tạm giam về tội nhận hối lộ.
Các thuộc cấp của ông Hà bị khởi tố gồm Trần Anh Quân - quyền trưởng phòng kiểm định xe cơ giới, Đặng Trần Khanh - phó trưởng phòng và Phạm Đức Ngọc - chuyên viên.
Cựu cục trưởng Cục Đăng kiểm nhận hối lộ như thế nào?
Kết quả điều tra xác định trong giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 8-2021, ông Trần Kỳ Hình khi đó đang làm cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã trực tiếp hoặc thông qua Trần Anh Quân (quyền trưởng phòng kiểm định phương tiện cơ giới) nhận tiền hối lộ của một số giám đốc trung tâm đăng kiểm.
Theo công an, cựu cục trưởng nhận tiền hối lộ để ký duyệt cấp mã số đăng kiểm và giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đăng kiểm, mặc dù các trung tâm đăng kiểm này chưa đủ các điều kiện theo quy định.
Bên cạnh đó, cơ quan điều tra xác định trong thời gian đảm nhận chức vụ cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, ông Trần Kỳ Hình đã buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát hoạt động trong lĩnh vực mình quản lý.
Đáng chú ý, ông Hình còn bị cơ quan điều tra cáo buộc trực tiếp nhận tiền hối lộ định kỳ hằng tháng, hằng quý của các giám đốc trung tâm đăng kiểm.
Việc nhận hối lộ định kỳ này để cựu cục trưởng bỏ qua sai phạm của các trung tâm đăng kiểm. Cựu lãnh đạo cục để mặc cho lãnh đạo các trung tâm này nhận tiền hối lộ của chủ xe, đối tượng môi giới để cấp giấy chứng nhận đăng kiểm đối với các xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Sử dụng phần mềm can thiệp kết quả kiểm định
Trung tướng Tô Ân Xô cho biết thêm liên quan sai phạm trong hoạt động đăng kiểm, cùng ngày Công an TP.HCM khởi tố thêm nhiều bị can.
Các bị can bị khởi tố gồm Hoàng Hữu Thịnh - nhân viên Trung tâm đăng kiểm 73-02D; Trương Duy Đức - nhân viên Trung tâm đăng kiểm 15-05D; Hồ Ngọc Nam và Trần Thế Khánh Hổ cùng là nhân viên kỹ thuật của của Công ty TNHH Việt Net.
Những người này bị điều tra về tội "sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật".
Kết quả khám xét tại Trung tâm đăng kiểm 71-02D (Bến Tre) phát hiện việc các bị can là phó giám đốc và đăng kiểm viên của trung tâm này sử dụng phần mềm tính năng đọc và sửa chữa các thông số kỹ thuật đối với xe cơ giới.
Những người này còn sử dụng phần mềm để can thiệp, chỉnh sửa kết quả kiểm định khí thải của xe cơ giới.
Quá trình điều tra, xác minh, xác định bốn người là Thịnh, Đức, Nam và Hổ đã bàn bạc thống nhất viết phần mềm để can thiệp trái phép vào cơ sở dữ liệu và chỉnh sửa thông số kiểm định xe cơ giới rồi mang đem bán cho một số trung tâm đăng kiểm.
Lãnh đạo Trung tâm đăng kiểm 71-02D đã mua phần mềm trên để sử dụng vào mục đích trái pháp luật trong quá trình đăng kiểm xe cơ giới.
Riêng Công an TP.HCM đã khởi tố 89 người liên quan sai phạm đăng kiểm
Tính đến ngày 17-1-2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố 89 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ toàn bộ bản chất của vụ án; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, công an nhiều địa phương liên tiếp điều tra sai phạm trong đăng kiểm. Riêng Công an TP.HCM đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 6 vụ án, bắt hàng chục bị can với các tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.
Tại Hà Nội, cơ quan điều tra cũng vừa thông tin đã khởi tố 4 vụ án với 18 bị can tại 10 trung tâm đăng kiểm trên.
Công an Hà Nội tạm giữ 57 người là giám đốc, phó giám đốc và đăng kiểm viên để phục vụ điều tra về tội nhận hối lộ.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội bị điều tra phổ biến là các cán bộ nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi vi phạm về đăng kiểm với các xe không đủ tiêu chuẩn. Số tiền những người này nhận hối lộ trung bình 1 - 1,5 triệu đồng mỗi xe.
Tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, cơ quan điều tra cũng đã bắt tạm giam 19 lãnh đạo, cán bộ trung tâm đăng kiểm về tội nhận hối lộ.
Tại Sơn La, công an khởi tố vụ án hình sự "nhận hối lộ" xảy ra tại 2 trung tâm đăng kiểm 2601D và 2603D.
'Đăng kiểm quản lý nhà nước nhưng nhận tiền bảo kê hàng tháng thì quản lý gì nữa'Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023 của Cục Đăng kiểm chiều 16-1.
Riêng Công an TP.HCM đã khởi tố 89 người liên quan sai phạm đăng kiểm
Tính đến ngày 17-1-2023, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố 89 bị can để tiếp tục điều tra, làm rõ toàn bộ bản chất của vụ án; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Thời gian qua, công an nhiều địa phương liên tiếp điều tra sai phạm trong đăng kiểm. Riêng Công an TP.HCM đã khám xét 13 trung tâm đăng kiểm, khởi tố 6 vụ án, bắt hàng chục bị can với các tội danh nhận hối lộ, môi giới hối lộ và giả mạo trong công tác.
Tại Hà Nội, cơ quan điều tra cũng vừa thông tin đã khởi tố 4 vụ án với 18 bị can tại 10 trung tâm đăng kiểm trên.
Công an Hà Nội tạm giữ 57 người là giám đốc, phó giám đốc và đăng kiểm viên để phục vụ điều tra về tội nhận hối lộ.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, sai phạm tại các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội bị điều tra phổ biến là các cán bộ nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi vi phạm về đăng kiểm với các xe không đủ tiêu chuẩn. Số tiền những người này nhận hối lộ trung bình 1 - 1,5 triệu đồng mỗi xe.
Tại hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, cơ quan điều tra cũng đã bắt tạm giam 19 lãnh đạo, cán bộ trung tâm đăng kiểm về tội nhận hối lộ.
Tại Sơn La, công an khởi tố vụ án hình sự "nhận hối lộ" xảy ra tại 2 trung tâm đăng kiểm 2601D và 2603D.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đánh giá như vậy tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2023 của Cục Đăng kiểm chiều 16-1.