Thị trường chứng khoán bất ngờ có phiên nổi sóng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dòng tiền chảy mạnh vào các nhóm ngành lớn như ngân hàng, thép, chứng khoán, đầu tư công, giúp VN-Index tăng vọt hơn 20 điểm, lên gần ngưỡng 1.090 điểm.
Thanh khoản cũng hoàn toàn thuyết phục khi tăng 26% so với phiên trước đó, gần 800 triệu cổ phiếu được giao dịch với giá trị hơn 13.200 tỷ đồng. Sắc xanh cũng lan tỏa mạnh trên cả sàn HNX và Upcom.
"Thông thường việc giá tăng kèm thanh khoản tăng là một tín hiệu tích cực cho việc tiếp tục nắm giữ, thậm chí mở mua những vị thế mới cho những nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhưng chúng ta cần lưu ý quản trị vốn khi mua tại giá cao. Thị trường đang được dẫn dắt bởi các nhóm ngành có vốn hóa lớn như ngân hàng, thép… đây là tín hiệu tích cực bởi những nhóm trụ này không phải có thể thay đổi xu hướng trong một sớm, một chiều được", ông Đoàn Tú, nhà môi giới chứng khoán, đánh giá.
Dòng tiền thông minh nhập cuộc sớm
Thực tế, dòng tiền thông minh đã sớm tìm đến các nhóm cổ phiếu được định giá rẻ, có thông tin hỗ trợ tốt hoặc các nhóm nhận được kỳ vọng tăng trưởng trong năm 2023. Hơn nữa, trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư cá nhân tỏ ra thận trọng, thanh khoản thị trường ở mức thấp, chỉ cần những dòng tiền nhỏ cũng đủ làm một số nhóm cổ phiếu "dậy sóng".
Thị trường chứng khoán bất ngờ có phiên nổi sóng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)
Dòng tiền thông minh là khái niệm thường được dùng để chỉ dòng vốn được quản lý bởi các quỹ đầu tư lớn, ngân hàng, tổ chức tài chính hoặc các nhà đầu tư chuyên nghiệp. Do lợi thế thông tin và quy mô nên dòng tiền thông minh thường tìm đến các nhóm cổ phiếu tiềm năng, cũng như xoay chuyển nhanh chóng sang các cơ hội mới trên thị trường.
"Dòng tiền sẽ tìm đến những kỳ vọng mới, phần lớn các cổ phiếu xây dựng cơ sở hạ tầng đã tăng ít nhất 60 - 70%, tức là tăng rất mạnh so với chỉ số VN-Index. Đây là tín hiệu rất tích cực ở nhóm này, thường là dòng tiền thông minh sẽ chọn", ông Lưu Chí Kháng, Trưởng phòng tự doanh, Công ty CP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam, cho biết.
Cùng với đó, một số cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hay thép cũng được dòng tiền này lựa chọn trong giai đoạn phục hồi vừa qua.
Riêng với khối ngoại, họ thậm chí còn xuất hiện sớm hơn từ trước khi thị trường tạo đáy (hồi giữa tháng 11), đặc thù của nhóm này là gom ròng các cổ phiếu bluechip, điển hình là HPG, CTG - đều là những cái tên đã hồi phục rất mạnh.
"Thị trường vẫn đang ở vùng hấp dẫn cho việc mua của nhà đầu tư nước ngoài, vì thế chúng ta vẫn thấy dòng tiền của khối ngoại mua vào một cách ổn định. Nếu những năm trước họ bán ra 70.000 - 80.000 tỷ thì con số đó cũng có thể quay trở lại, nhưng thị giá cổ phiếu bây giờ đã rất nhỏ so với đỉnh năm 2021 và 2022, dòng tiền của họ cứ mua dần vào", ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích Công ty CP Chứng khoán Nhất Việt, nhận định.
Nhiều nhà đầu tư cũng thường nhìn chuyển động của dòng tiền này để "bơi" theo, nhưng trong trung và dài hạn, cần có chiến lược phù hợp với vị thế vốn và kỳ vọng của mình, để tránh biến động ngắn hạn của thị trường.
"Khi mình bắt đầu lựa chọn các ý tưởng đầu tư của năm 2023, mình xác định đi vào cốt lõi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không đòn bẩy tài chính quá nhiều (không có nợ vay quá lớn), hoạt động kinh doanh không phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu", ông Vũ Đức Nam, nhà sáng lập ART Investor, cho hay.
Ngược lại, những nhóm ngành đang gặp nhiều thách thức như bất động sản, bán lẻ… gần như đứng ngoài cuộc chơi của dòng tiền thông minh. Theo các chuyên gia, các nhóm ngành này sẽ có cơ hội khởi sắc rõ nét khi dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường đủ lớn và có sức lan tỏa trong năm 2023.
VTV.vn - Thị trường chứng khoán phiên hôm nay (17/1) tiếp tục ghi nhận những diễn biến tích cực. Lực cầu gia tăng về cuối phiên giúp VN-Index bứt phá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!