Ghi nhận thị trường ngày 27 Tết, không khí mua sắm hoa Tết đã nhộn nhịp hơn khi người dân bắt đầu được nghỉ Tết. Tuy vậy, nhiều dân buôn cây cảnh, hoa Tết cho rằng sức mua năm nay kém hơn các năm trước, người dân dè dặt chi tiêu hơn, người mua chưa nhiều.
Không khí mua sắm đã nhộn nhịp nhưng người mua kém
Anh Đức (Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội) cho hay từ cuối tuần trước, người dân đi mua sắm cây cảnh trang trí nhộn nhịp hơn, cũng làm anh khấp khởi mừng thầm, hy vọng đến cận Tết sẽ "chạy" hàng hơn, người mua đông hơn.
Nhà vườn anh trồng hơn 200 gốc bưởi thế chưng Tết. Thông thường mọi năm, từ đầu tháng chạp đã có nhiều cơ quan đơn vị, khách hàng đến xem, đặt "gạch" những cây bưởi có thế đẹp. Tuy vậy, phải đến gần ngày rằm thì mới có nhiều khách, cũng chỉ mới đặt được vài chục gốc bưởi, còn lại anh bán rải rác cho khách chơi Tết, làm quà biếu.
"Năm nay dân khó khăn hay sao nên mua sắm chậm hơn. Sau ngày ông Công, ông Táo mới có nhiều nhà mua sắm đào quất, cây cảnh để chưng Tết. Tôi hy vọng một vài ngày nữa khi người dân được nghỉ làm, lượng mua sắm sẽ nhiều hơn" - anh Đức bày tỏ.
Dọc tuyến phố Hoàng Hoa Thám - Lạc Long Quân là địa chỉ chơi hoa cảnh nổi tiếng của Hà Nội. Các loại cây cảnh như quất, đào, lan... được bày bán tràn xuống đường. Đã có những nhà vườn bắt đầu treo biển giảm giá, nhiều tiểu thương chấp nhận "sale" cho những khách hàng thiện chí để "chạy số lượng".
Anh Tuấn - chủ vườn lan hồ điệp Đà Lạt - cho biết lượng khách mua lan từ sau ngày 10 tháng chạp. Nhưng chủ yếu để biếu Tết và trưng bày ở các sảnh cơ quan, công sở. Đến cận Tết, người dân mới bắt đầu đi mua sắm hoa, cây cảnh để trưng bày trong nhà.
Nhà vườn khuyến mãi, giảm giá để hút người mua
Do chỉ còn vài ngày nữa đến Tết, lượng hàng tồn còn nhiều nên cửa hàng của anh bắt đầu áp dụng chính sách giảm giá "siêu khuyến mãi" tới 30%. Do lan hồ điệp Đà Lạt có giá cao hơn so với các loại lan khác, thường ở mức từ 250.000 - 300.000 đồng/cành, nên anh hy vọng việc giảm giá sẽ thu hút người mua nhiều hơn.
Còn tại chợ hoa xuân trên đường Hoàng Cầu (Đống Đa), những chậu lan, mai trắng và quất... được bày tràn ngập khắp hội chợ. Tuy vậy, người đến mua chưa được như kỳ vọng nên các nhà vườn tỏ ra sốt ruột, lo lắng khi chỉ còn vài ngày nữa đến Tết, bắt đầu đưa ra các chính sách giảm giá cho người dân.
Chị Lan, kinh doanh mai, quất tại hội chợ, cho hay đã "đánh" hơn 500 gốc quất từ Hưng Yên trong vụ này. Dù hội chợ được khai trương từ ngày 8-1, nhưng lượng người mua đông chủ yếu dồn vào hai ngày cuối tuần trước, người dân được nghỉ tranh thủ đi mua sắm.
Trong khi năm nay, đến 29 Tết người dân mới được nghỉ nên chị Lan cho biết sẽ áp dụng giảm giá từ 20 - 30% cho khách hàng, với hy vọng dù lãi ít nhưng bán được nhiều hàng để tránh gặp cảnh 30 Tết phải "bán tống bán tháo".
Tương tự, dọc tuyến đường Lê Văn Lương (Nam Từ Liêm, Hà Nội), những nhà vườn trồng cây cảnh, gốm sứ cũng bắt đầu giảm giá. Người dân đã đi mua sắm đông hơn, nhưng theo đánh giá của anh Nam - chủ nhà vườn tại đây, lượng hàng tiêu thụ chậm hơn trước, sức mua chỉ bằng 70% so với các năm trước, nên các nhà vườn chấp nhận giảm giá để giảm hàng tồn.
"Chúng tôi không treo biển giảm giá nhưng người dân mua mà muốn giảm 10-20% là sẽ "bớt" để chạy hàng. Dù sức mua kém hơn, nhưng ngày Tết thì ai cũng có tâm lý muốn mua sắm , trang trí nhà cửa, có hoa, cây cảnh cho nhà cửa đẹp hơn, nên người bán người mua cùng san sẻ để thuận mua vừa bán" - anh Nam bày tỏ.
Các chợ hoa miền Tây như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp những ngày cận Tết Nguyên đán, rất đông người 'chở mùa xuân' đến mọi nhà để kiếm tiền ăn Tết.
Xem thêm: mth.38091834181103202-aum-iougn-ohc-iam-neyuhk-ueis-tauq-nal-oad-aoh/nv.ertiout