Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng miếng hiện công bố ở mức 66,8 - 67,6 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng so với chiều qua.
Còn tại Công ty vàng bạc đá quý Mi Hồng điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều so với giá đóng cửa hôm trước, nâng giá mua vào – bán ra đối với vàng miếng SJC lên mức 66,9 – 67,7 triệu đồng/lượng.
Cùng mức tăng giá tương tự nhưng giá vàng miếng SJC tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận hiện niêm yết với mức 66,4 – 67,4 triệu đồng/lượng và chênh lệch giá mua - bán vàng SJC tại đây vẫn duy trì ở mức cao nhất là 1 triệu đồng/lượng. Trong khi một số doanh nghiệp khác lại neo biên độ này chỉ khoảng 800.000 đồng/lượng.
Đối với các loại vàng trang sức, vàng nhẫn 24K tiếp tục tăng mạnh. Sau khi rơi xuống mốc 54 triệu đồng/lượng vào ngày 6-1, vàng 9999 đã có chuỗi phiên tăng giá kéo dài 10 ngày liên tiếp và hiện nay đã có nhiều cửa hàng niêm yết giá mua vào với giá 54,7 triệu đồng/lượng, bán ra 55,7 triệu đồng/lượng. Hay như tại Công ty vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ đang niêm yết giá vàng 24K đối với sản phẩm tín vàng trường thịnh với mức 54,85 triệu đồng/lượng (mua) và 56,23 triệu đồng/lượng (bán).
Như vậy, chỉ trong gần 2 tuần qua, giá vàng nhẫn 9999 đã tăng hơn 2 triệu đồng mỗi lượng.
Trên thị trường thế giới, dù giá kim loại quý chỉ nhích nhẹ khoảng 3 USD/ounce so với hôm qua nhưng cho thấy vùng 1.900 USD/ounce đang được giữ vững.
Vàng sẽ được coi là một công cụ đa dạng hóa danh mục đầu tư hiệu quả trong năm 2023, với dòng vốn đầu tư mạnh của các Quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) – động thái hoàn toàn trái ngược so với năm ngoái. Trong năm 2022, quỹ ETF vàng đã bán ròng tới 3 tỉ USD đồng nghĩa với việc các quỹ này cắt giảm lượng vàng nắm giữ tới 110 tấn vàng.