Trong năm nay, thị trường ô tô điện tại Trung Quốc được dự đoán sẽ thống trị toàn cầu, bỏ xa Mỹ và châu Âu. Theo dự báo của các nhà phân tích, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ mua khoảng 8 đến 10 triệu xe điện vào năm 2023. Con số này tăng mạnh so với doanh số kỷ lục 6,5 triệu xe vào năm ngoái và 3,5 triệu vào năm 2021. Trong khi đó, người dân châu Âu sẽ chỉ mua 3 triệu ô tô điện và người Mỹ là 2 triệu xe.
“Trung Quốc dự kiến sẽ có tổng doanh số bán xe điện lớn nhất toàn cầu vào năm 2023 với mức tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm ngoái, sau hai năm nỗ lực phát triển nhanh chóng”, Neil Beveridge, nhà phân tích của công ty nghiên cứu Bernstein tại Hồng Kông (Trung Quốc) cho biết.
Người dân chuộng hàng nội địa
Nhiều chuyên gia đã cho rằng, những người được hưởng lợi nhiều nhất trong bối cảnh chính là các công ty sản xuất xe điện nội địa Trung.
BYD, hãng xe điện đối thủ của Tesla đang là ngôi sao EV sáng giá nhất của Trung Quốc. Không chỉ được biết đến là một thương hiệu xe điện chất lượng, BYD còn sản xuất pin và được hậu thuẫn bởi Berkshire Hathaway của huyền thoại giới đầu tư Warren Buffett. Một số mẫu xe của hãng này đang cạnh tranh với Tesla về mức độ phổ biến trước công chúng.
Doanh số dự kiến của hãng xe này là bán ra 3 triệu ô tô điện trong năm 2023 sau khi bán được 1,85 triệu xe vào năm 2022, theo một cuộc thảo luận của ban quản lý thương hiệu với ngân hàng Citi. Các nhà phân tích của Citi cũng cho biết con số này khá thận trọng và có tiềm năng nhưng BYD từ chối bình luận về dự báo này. Trong khi đó, Tesla có doanh số xe điện thấp hơn 29% so với BYD.
Các thương hiệu như BYD, XPeng, Li Auto và Nio, hiện ngày càng được người tiêu dùng Trung Quốc ưa chuộng. Thị phần của các hãng ô tô điện nội địa Trung đã tăng mạnh từ 78% lên 81% trong năm 2022.
Gian hàng của hãng xe Trung Quốc BYD trong China Motor Show 2022 ở Thiên Tân
Tianna Cheng - một nhân viên văn phòng sống tại Bắc Kinh đã phân vân không biết nên mua một chiếc crossover chạy điện của thương hiệu nào trong 2 cái tên nội địa là BYD hay Nio. Và cô đã không hề cân nhắc tới bất kỳ hãng xe nước ngoài nào.
"Nếu mua một chiếc ô tô chạy xăng, tôi có thể cân nhắc đến xe của các thương hiệu nước ngoài. Nhưng tôi muốn có một chiếc xe điện, thì ngoài Tesla, tôi thấy rất ít thương hiệu nước ngoài áp dụng công nghệ thông minh tiên tiến đúng cách", cô Tianna cho biết.
Tốc độ tăng trưởng của ô tô nội địa Trung đã cho thấy tiềm năng trong tương lai của quốc gia này. Theo dự báo của Bernstein, trong tổng doanh số bán ô tô điện toàn cầu, xe của Trung Quốc có thể chiếm 50% vào cuối năm 2025. Và mục tiêu chiếm 40% doanh số toàn cầu dự kiến đạt được ngay trong năm nay, sớm hơn 7 năm so với dự báo trước đó, theo lời của đại diện BYD nói với Citi.
Thị phần xe điện tại châu Âu hiện tại không có nhiều đột phá, doanh số bán xe điện ở Mỹ cũng đang tụt lại trong năm nay. Tuy nhiên, với đạo luật giảm lạm phát mới của tổng thống Joe Biden, xe điện Mỹ có thể sẽ bước vào giai đoạn tăng tốc. Vì vậy, Trung Quốc cần có chiến lược phù hợp trước mọi tình huống xảy ra.
Kỷ nguyên vàng của xe điện nội địa Trung
Trong khi nhiều hãng sản xuất ô tô điện tăng giá, các công ty nội địa Trung Quốc đang áp dụng chính sách sản xuất ô tô có chất lượng tốt nhưng có giá cạnh tranh, đồng thời tận dụng các nguồn cung linh kiện và pin tại quốc gia này, theo Raymond Tsang - chuyên gia của công ty tư vấn Bain nói.
Ngoài ra, Jing Daily, chuyên gia phụ trách theo dõi thị trường hàng cao cấp của Trung Quốc cũng cho biết, ngay cả khi Tesla của Elon Musk hạ giá Model 3 xuống còn 33.515 USD (khoảng 785 triệu đồng/chiếc) thì chiếc BYD Seal vẫn rẻ hơn với mức giá chỉ 31.000 USD (khoảng 726 triệu đồng/chiếc).
“Những người sử dụng xe điện nội địa Trung đang ngày càng hài lòng với chất lượng. Họ cảm thấy các sản phẩm Trung Quốc không chỉ rẻ hơn mà chất lượng còn vượt xa mong đợi”, Raymond Tsang nói.
Tian Mao Wei, giám đốc bán hàng tại Yiyou Auto Service ở Thượng Hải cũng cho rằng: “Tại thị trường nội địa, xe điện và xe plug-in hybrid của BYD rất dễ bán vì chúng thường được trang bị pin hiệu suất cao được cho là tốt ngang với pin của các nhà sản xuất ô tô cao cấp mà giá lại mềm hơn rất nhiều”.
BYD có trụ sở Thâm Quyến, Trung Quốc đang dẫn đầu làn sóng mở rộng thị trường quốc tế của các startup xe điện nội địa Trung. BYD nói với Citi rằng hoạt động xuất khẩu được dự báo sẽ tăng gấp 6 lần, lên 300.000 chiếc trong năm 2023. Công ty cũng lên kế hoạch xây dựng các nhà máy mới ở châu Á, châu Âu và Nam Mỹ.
Trong bối cảnh đó, một số công ty nước ngoài, bao gồm Hyundai của Hàn Quốc và Honda của Nhật Bản đang âm thầm giảm bớt sự hiện diện của họ ở Trung Quốc hoặc “dịch chuyển” thị trường khi thấy doanh số bán hàng tại quốc gia này sụt giảm.
Còn các công ty như Volkswagen và GM lựa chọn tăng gấp đôi số tiền đầu tư trong nhiều thập kỷ, tương đương hàng tỷ USD để đảm bảo các đơn vị sản xuất xe điện tại Trung có được công nghệ và tài nguyên tiên tiến.
Vào tháng 10, nhà sản xuất ô tô Đức Volkswagen đã ký khoản đầu tư 2,4 tỷ euro với Horizon Robotics, một trong những nhà thiết kế chip trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc.
Hay theo dữ liệu do Dealogic cung cấp cho Financial Times, hoạt động M&A liên quan đến lĩnh vực xe điện tại Trung Quốc vẫn ổn định so với năm trước ở mức trên 10 tỷ USD với gần 50 giao dịch. Shi Ji, một nhà phân tích của CMBI dự đoán sự cạnh tranh của các thương hiệu xe điện trên thế giới sẽ ngày càng “dữ dội” hơn.
Tổng hợp