Đẩy mạnh công tác quản lý thuế, kinh doanh trên nền tảng số
Trong năm 2022, Tổng cục Thuế đã công bố và đưa vào vận hành Cổng thông tin điện tử (TTĐT) dành cho nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN).
Đến nay đã có 42 NCCNN lớn trên khắp thế giới đã đăng ký, kê khai nộp thuế trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử NCCNN của Tổng cục Thuế với tổng số thuế đã kê khai, nộp thuế là 3.444 tỷ đồng. Trong đó một số NCCNN kê khai, nộp thuế lớn như: Meta (Facebook), Google, TikTok; Microsoft, eBay,…).
Ngoài ra, để đáp ứng cho việc tiếp nhận thông tin từ các sàn thương mại điện tử (TMĐT) theo quy định Nghị định số 91 của Chính phủ, Tổng cục Thuế đã xây dựng Cổng dữ liệu thông tin TMĐT và vận hành, đảm bảo việc tiếp nhận thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT.
Cổng dữ liệu thông tin TMĐT đáp ứng các yêu cầu về tiếp nhận bản kê khai dữ liệu của sàn giao dịch TMĐT trong trường hợp sàn TMĐT thực hiện khai thuế thay, nộp thuế thay cho cá nhân kinh doanh thông qua sàn TMĐT. Cổng dữ liệu thông tin TMĐT cũng tiếp nhận thông tin tổng hợp của tổ chức, cá nhân kinh doanh qua sàn TMĐT trong trường hợp sàn TMĐT chưa thực hiện khai thuế thay cho cá nhân.
Trong năm 2022, toàn ngành Thuế đã cắt giảm 70 thủ tục hành chính, giảm từ 304 thủ tục hành chính (TTHC) năm 2021 xuống còn 234 TTHC (tỷ lệ giảm 23%), trong đó hầu hết các TTHC đạt mức độ 3, 4 và đã hoàn thành tích hợp, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người dân và DN trong việc thực hiện các TTHC về thuế.
Đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Thuế đã triển khai kết nối, khai thác 5 dịch vụ của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an cung cấp, gồm: Xác nhận số định danh cá nhân và chứng minh thư, Xác nhận thông tin hộ gia đình, Chia sẻ thông tin công dân qua kênh kết nối với Văn phòng chính phủ (trục liên thông văn bản quốc gia), Gợi ý số định danh cá nhân, Gợi ý số định danh cá nhân không có số chứng minh nhân dân.
Tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử
Theo Tổng cục Thuế, năm 2023, dự báo kinh tế thế giới tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mà các rủi ro, bất ổn toàn cầu gia tăng, đặc biệt là rủi ro về tài chính, tiền tệ; Thách thức, áp lực từ sức ép lạm phát tăng cao; Xung đột địa chính trị leo thang làm gián đoạn, đứt gãy nguồn cung... Những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường khiến kinh tế nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Trong bối cảnh đó, ngành Thuế tiếp tục đối mặt với những áp lực lớn trong việc hoàn thành vượt mức dự toán thu năm 2023 khi phải tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế trong Chương trình hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội...
Chia sẻ tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 được tổ chức chiều ngày 15/12/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết để triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ công tác thuế năm 2023, đặc biệt là nhiệm vụ thu ngân sách được Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính giao, toàn ngành Thuế phải đặt quyết tâm cao, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thuế.
Cơ bản thống nhất với các nhóm nhiệm vụ và giải pháp Tổng cục Thuế đã đề ra, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu toàn ngành Thuế cần tập trung triển khai ngay các công việc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2023, nhằm hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN được giao; quyết liệt, triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra cần chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện phân tích dữ liệu, đánh giá rủi ro, xác định sai phạm trọng yếu nâng cao hơn nữa hiệu quả thanh tra, kiểm tra; tăng cường đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, bố trí cán bộ năng lực tốt, tính chuyên nghiệp cao thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra.
Tiếp tục triển khai điện tử hóa, số hóa các khâu nghiệp vụ quản lý thuế, trọng tâm là hóa đơn điện tử. Trong đó, tập trung xây dựng trung tâm dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử; sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích, đối soát dữ liệu hóa đơn điện tử, quản lý hóa đơn, quản lý rủi ro; đặc biệt là phòng chống gian lận về hóa đơn điện tử.
Tại Hội nghị Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành Thuế tập trung hoàn thành Cổng thông tin nộp thuế điện tử bất động sản; Tiếp tục triển khai hiệu quả, thành công Cổng thông tin kết nối dữ liệu với các sàn thương mại điện tử; Nghiên cứu, tăng cường hơn nữa việc kết nối liên thông dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước; Tiếp tục chú trọng tuyên truyền sâu rộng chính sách thuế, nâng cao nhận thức pháp luật cho người nộp thuế...
Theo Bộ trưởng, cơ quan thuế cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác thu, chống chuyển giá, trốn thuế. Cùng với đó, tiếp tục tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện nuôi dưỡng nguồn thu, giúp doanh nghiệp có điều kiện thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về thuế; đa dạng hoá phương thức tuyên truyền và nâng cao nhận thức pháp luật về thuế cho người nộp thuế và doanh nghiệp; tăng cường phối hợp với cơ quan Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và các cơ quan liên quan trong quản lý thuế. Đặc biệt, cần tiếp tục chăm lo bồi dưỡng nhân lực, thu hút nhân tài.
“Nhiệm vụ công tác thuế năm 2023 dự báo sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, Tôi tin tưởng rằng, với bề dày truyền thống, với sự đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực cao của toàn hệ thống Thuế và sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; sự phối hợp, đồng hành, hỗ trợ của các Bộ, ban, ngành trung ương; Sự phối hợp, chỉ đạo sát sao của các đồng chí Lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, ngành Thuế sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần để toàn ngành Tài chính hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Năm 2022, cơ quan thuế đã tăng cường công tác đôn đốc nộp tờ khai, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc kê khai thuế của người nộp thuế (NNT), chú trọng vào việc rà soát thông tin NNT trên ứng dụng của cơ quan thuế các cấp để kịp thời đôn đốc NNT bổ sung thông tin thay đổi, gửi cơ quan thuế nhằm cập nhật thông tin đầy đủ, chính xác để phục vụ thuận lợi cho công tác quản lý thuế.
Đến nay toàn quốc có 887.616 doanh nghiệp đang họat động sản xuất kinh doanh, tăng 3,9% (tương đương 33.421 DN) so với thời điểm cuối năm 2021.
Năm 2022 cơ quan Thuế đã thực hiện được 64.289 cuộc thanh tra, kiểm tra, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2021; kiểm tra được 665.781 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 59.530 tỷ đồng, tăng 40,7% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 13.882 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 2.192 tỷ đồng; giảm lỗ là 43.455 tỷ đồng.
Tăng cường công tác chống gian lận trong hoàn thuế GTGT, tổ chức rà soát, phân tích rủi ro, lựa chọn các DN có rủi ro cao về hoàn thuế để thực hiện thanh tra, kiểm tra về hoàn thuế; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan, Ngân hàng Nhà nước, Cơ quan Công an trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa, tờ khai nhập khẩu, các lô hàng xuất khẩu, xác minh việc thanh toán qua ngân hàng và các giao dịch kinh tế phát sinh để kịp thời phát hiện các hành vi gian lận hóa đơn, chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Theo đó, toàn Ngành đã thực hiện được 6.265 cuộc thanh tra, kiểm tra sau hoàn, tổng số thuế truy hoàn và phạt là 630 tỷ đồng.
Trong năm 2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện thu hồi nợ đạt 39.000 tỷ đồng tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2021.
Đẩy mạnh triển khai xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14: Năm 2022, ngành Thuế đã xử lý khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp không còn khả năng nộp ngân sách vđạt 2.757 tỷ đồng. Lũy kế kết quả thực hiện xử lý nợ theo Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội ước đạt 35.229 tỷ đồng (Trong đó: Xử lý khoanh nợ là 28.217 tỷ đồng; Xử lý xóa nợ là 7.012 tỷ đồng).
Đào Vũ