Việt Nam là điểm đến hấp dẫn
Đầu tuần này, một đoàn hơn 70 doanh nhân, doanh nghiệp từ Hồng Kông và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao (Trung Quốc) đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, hợp tác kinh tế.
Ông Phạm Bình Đàm, Tổng lãnh sự Việt Nam tại Hồng Kông cho hay, doanh nghiệp Hồng Kông có tiềm lực tài chính mạnh và đã có quá trình đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Điều đó lý giải tại sao Hồng Kông là đối tác thương mại lớn và là nhà đầu tư lớn của Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hồng Kông. Tính đến tháng 11/2022, Việt Nam đã xuất khẩu sang Hồng Kông 10 tỷ USD, nhập khẩu từ Hồng Kông 1,78 tỷ USD, tăng 19,8%. Về đầu tư, Hồng Kông hiện đứng thứ 5 về vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, với 2.164 dự án, tổng vốn đầu tư gần 29,5 tỷ USD, tập trung vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến - chế tạo, kinh doanh bất động sản...
Chia sẻ tại Hội thảo Kết nối hợp tác doanh nghiệp Việt Nam và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao (Trung Quốc) hôm 10/1, TS. Jonathan Choi, Chủ tịch Phòng Thương mại Trung Quốc tại Hồng Kông, Chủ tịch Tập đoàn Sunwah đánh giá, với lợi thế là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất trong khu vực, đặc biệt là trong giai đoạn hậu đại dịch, Việt Nam đang là điểm đến mới đầy sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là doanh nghiệp Hồng Kông và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao.
“Sự gần gũi về địa lý và văn hóa tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam, Hồng Kông và Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, đầu tư và du lịch. Hoạt động thương mại của Việt Nam gắn kết chặt chẽ với Khu vực Hồng Kông - Quảng Đông - Ma Cao, một thị trường rộng lớn với khoảng 86 triệu dân, tài nguyên phong phú, công nghiệp dịch vụ hiện đại, phát triển đồng bộ và toàn diện”, TS. Jonathan Choi phân tích.
Khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực Hồng Kông có thế mạnh
Đánh giá về lĩnh vực tiềm năng, TS. Jonathan Choi cho rằng, ngoài các lĩnh vực truyền thống như khách sạn, logistics, bất động sản, chế tạo, doanh nghiệp hai bên có cơ hội đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới như tài chính xanh, đổi mới sáng tạo, lập sàn giao dịch trực tuyến cho xuất khẩu nông sản, dược phẩm, kinh tế xanh, môi trường… Đây là những lĩnh vực các doanh nghiệp Hồng Kông có thế mạnh và mong muốn hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam.
Theo ông Jonathan Choi, trong bối cảnh thế giới thay đổi nhanh chóng, lực lượng lao động ngày càng trẻ hoá, kinh tế số, công nghệ số đang là xu hướng chủ đạo. Đây cũng là lĩnh vực tiềm năng doanh nghiệp hai bên có thể đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới.
Trong khi đó, theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực thực hiện cam kết tại COP26 về nền kinh tế không các-bon vào năm 2050, nên việc chuyển đổi các ngành kinh tế truyền thống không thân thiện với môi trường sang các ngành kinh tế xanh, tài chính xanh… là xu hướng tất yếu. Đây là những lĩnh vực doanh nghiệp Hồng Kông và doanh nghiệp Việt Nam có dư địa hợp tác.
Cho biết chính quyền Đặc khu Hành chính Hồng Kông đang triển khai chiến lược mở rộng hợp tác đầu tư sang thị trường châu Á nói chung và các quốc gia ASEAN nói riêng, ông Algernon Yau, Cục trưởng Cục Phát triển thương mại và kinh tế Hồng Kông khẳng định, Hồng Kông sẽ có những chính sách tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Hồng Kông đầu tư sang Việt Nam, đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam đến Hồng Kông tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư.