Cơ hội lớn
Năm 2022, chỉ số cổ phiếu ngành ngân hàng có lúc giảm 50%, ngành chứng khoán giảm 58%, ngành thép giảm 46% từ mức đỉnh trong năm.
Theo mô hình nghiên cứu của Fidelity về sự vận động của chu kỳ kinh tế và chu kỳ chứng khoán, thì các ngành có tính chu kỳ, đặc biệt là ngân hàng, chứng khoán và vật liệu xây dựng (thép) sẽ phục hồi trước sự phục hồi kinh tế chung.
Kinh tế Việt Nam đang có những khó khăn nhất định về tăng trưởng, trong đó, lãi suất và lạm phát gia tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều tổ chức tài chính lớn trên thế giới và trong nước nhận định, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi từ cuối quý II/2023.
Thông thường, những cổ phiếu có tính chu kỳ cao sẽ “đi trước” từ 3 - 6 tháng so với sự vận động của kinh tế, điều này tạo cơ hội lớn cho các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư dài hạn khi tích lũy những cổ phiếu đang có mức định giá hấp dẫn trước khi bắt đầu chu kỳ mới như chứng khoán, ngân hàng, thép.
Lựa chọn danh mục
Dựa vào nghiên cứu chu kỳ của Fidelity, TCSC đưa ra khuyến nghị với một số doanh nghiệp có triển vọng trong năm 2023 thuộc ba nhóm ngành là ngân hàng, chứng khoán và thép.
Đối với ngành ngân hàng, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và ACB của Ngân hàng Á Châu.
Với Sacombank, mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng gần gấp đôi so với năm 2022, theo đánh giá của TCSC là có cơ sở. Thứ nhất, Sacombank dự kiến sẽ hoàn thành quá trình tái cơ cấu các khoản nợ xấu vào giữa năm 2023, giúp giảm chi phí trích lập dự phòng. Thứ hai, Sacombank có thể ghi nhận và phân bổ lợi nhuận không nhỏ từ hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền với Dai-ichi Life.
Nhiều cổ phiếu cơ bản đang có định giá ở mức thấp, trong khi doanh nghiệp có triển vọng tăng trưởng cao năm 2023.
Trong ngắn hạn, STB là cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, hiện chỉ còn hơn 2% “room” dành cho khối ngoại, có khả năng tiếp tục thu hút dòng vốn ngoại trong thời gian tới. Mức định giá P/B (thị giá/giá trị sổ sách) dự phóng năm 2023 của Sacombank là gần 1, khá hấp dẫn.
Với ACB, đây là cổ phiếu ổn định, dành cho những nhà đầu tư ưa thích sự an toàn, vì mô hình kinh doanh bán lẻ ít rủi ro, không liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và nợ xấu tại các doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn. Năm 2023, dự báo ACB sẽ duy trì mức tăng trưởng hai con số về lợi nhuận. Bên cạnh đó, mức định giá P/B năm 2023 khoảng 1,3 lần và P/B khoảng 1,1 lần. ACB xứng đáng được định giá cao hơn và là cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong năm 2023.
Với ngành chứng khoán, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn cổ phiếu VCI của Công ty Chứng khoán Bản Việt và cổ phiếu HCM của Công ty Chứng khoán TP.HCM.
VCI là một trong những cổ phiếu chứng khoán có mô hình kinh doanh tập trung đều ở ba mảng kinh doanh là ngân hàng đầu tư (IB), môi giới chứng khoán và tự doanh. Cả ba mảng kinh doanh này đều rất năng động và hoạt động khá hiệu quả, thể hiện ở chỉ số lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) của VCI luôn đạt trên 20% trong 5 năm qua.
Tương tự các cổ phiếu chứng khoán khác, thị trường điều chỉnh vừa qua khiến giá cổ phiếu VCI giảm 56% từ đỉnh, giúp định giá cổ phiếu trở nên hấp dẫn so với tài sản và tiềm năng của Công ty. Danh mục cho vay giao dịch ký quỹ (margin) của VCI ít “dính” nợ xấu, danh mục đầu tư tự doanh có nhiều cổ phiếu tốt và tiềm năng phục hồi cao, chưa được đánh giá một cách hợp lý trên sổ sách. Do đó, VCI được xem là cổ phiếu chất lượng trong ngành chứng khoán.
HCM cũng là một cổ phiếu tốt trong ngành chứng khoán, danh mục tài sản tập trung vào hoạt động cho vay margin. Hoạt động kiểm soát rủi ro khá tốt nên thời gian thị trường khó khăn cuối năm 2022 giúp HCM không “dính” nhiều nợ xấu. Giá cổ phiếu giảm hơn 50% từ đỉnh trong năm 2022 đã đưa mức định giá về ngang bằng với tài sản ròng của Công ty, P/B xấp xỉ 1. Định giá này thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong quá khứ, do đó, khi thị trường phục hồi, HCM xứng đáng là cổ phiếu có trong danh mục đầu tư.
Trong ngành thép, cổ phiếu đáng quan tâm là HPG của Tập đoàn Hòa Phát.
Về dài hạn, đối với một quốc gia đang đang phát triển như Việt Nam, nhu cầu thép vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng. Trong khi đó, Hòa Phát là doanh nghiệp sản xuất thép có thị phần số 1 ở Việt Nam, có lợi thế cạnh tranh, lợi thế kinh tế theo quy mô.
Trong ngắn hạn, bức tranh đầu tư của Hòa Phát đang có những thuận lợi và khó khăn đan xen. Về thuận lợi, Hòa Phát sẽ được hưởng lợi từ chủ trương đẩy mạnh giải ngân đầu tư công trong năm 2023; sản lượng thép bán hàng trong tháng 12/2022 mặc dù giảm so với cùng kỳ năm 2021 nhưng đã hồi phục tốt so với tháng liền trước; doanh nghiệp dự kiến sẽ khởi động lại 1 lò cao sau Tết 2023; thị trường bất động sản Trung Quốc đang được chính phủ nước này hỗ trợ rất nhiều, giúp giá thép tăng hơn 15% từ đáy…
Về khó khăn, ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng vẫn chịu áp lực từ môi trường lãi suất cao, chi phí lãi vay tăng, ngành bất động sản chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Tuy nhiên, với nhận định nền kinh tế thực bắt đầu phục hồi từ cuối quý III/2023 và cổ phiếu chu kỳ sẽ đi trước thị trường 3 - 6 tháng, chúng tôi cho rằng, đây là thời điểm tốt để xem xét đầu tư cổ phiếu HPG.