Chiều 19-1, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 66,9 triệu đồng/lượng (mua) và 67,9 triệu đồng/lượng (bán), tăng 100.000 đồng ở chiều mua vào và tăng tới 300.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với giá cuối ngày hôm qua. Biên độ chênh lệch giá vàng SJC giữa hai chiều mua – bán được nới rộng lên mức 1 triệu đồng/lượng
Tương tự, vàng miếng SJC tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Nhuận cộng thêm tới 500.000 đồng/lượng chiều mua và thêm 300.000 đồng/lượng chiều bán so với giá chốt phiên gần nhất, đẩy giá giao dịch lên 66,9 – 67,8 triệu đồng/lượng.
Trong khi đó, sau nhiều ngày tăng nóng, hôm nay giá vàng 9999 có xu hướng chững lại, giao dịch phổ biến ở mức 54,7 – 55,8 triệu đồng/lượng, không thay đổi so với chiều qua.
Trên thị trường thế giới, giá vàng thế giới có lúc bật tăng lên 1.921 USD/ounce, sau đó lại rơi thẳng đứng xuống 1.900 USD/ounce và hiện đã phục hồi về ngưỡng 1.906 USD/ounce.
Quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá vàng thế giới tương đương 54,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC khoảng 14 triệu đồng/lượng.
Kim loại quý trồi sụt, song vẫn chưa bị thủng mốc 1.900 USD/ounce do đồng USD suy yếu.
Ông Michael Gayed, Giám đốc danh mục đầu tư tại Tidal Financial Group, cho biết một số chỉ số đang hướng tới một đợt phục hồi bền vững ở các thị trường mới nổi, trong khi đồng đô la Mỹ bị suy yếu.
Ông Gayed có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính và đã thành lập nhiều quỹ tương hỗ và quỹ ETF cho biết thêm: “Đồng đô la không còn là công cụ phòng ngừa lạm phát tốt nhất. Trong khi đó, khả năng hồi phục của thị trường chứng khoán Mỹ rất mong manh do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vẫn giữ chủ trương nâng lãi suất để lãi suất để chống lạm phát, cộng thêm khả năng suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu ngày càng tăng lên.
Ở chiều ngược lại, khi đồng đô la suy yếu sẽ hỗ trợ các thị trường chứng khoán mới nổi. Do đó, các nhà đầu tư dài hạn cần xem xét các thị trường mới nổi nếu họ muốn kiếm được lợi nhuận tốt.