Ông Lê Viết Hải vẫn là chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình
Quyết định thi hành án chủ động số 1561 do quyền cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.HCM Nguyễn Văn Hòa ký ngày 19-1 buộc Tập đoàn Hòa Bình tạm dừng thi hành các nghị quyết số 50, 51 và 53.
Đây là các nghị quyết do HĐQT Tập đoàn Hòa Bình ban hành vào các ngày 14 và 31-12-2022.
Theo quyết định, việc tạm dừng thi hành ba nghị quyết nói trên kéo dài cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết của hội đồng trọng tài (vụ tranh chấp số 01/2023 HCM).
Ông Lê Viết Hải cho biết Tập đoàn Hòa Bình sẽ chấp hành quyết định này.
Theo ông Hải, cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết có hiệu lực của hội đồng trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), ông vẫn giữ chức danh chủ tịch HĐQT.
Đồng thời, ông vẫn là người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Vụ kiện Tập đoàn Hòa Bình được tiến hành "rất nhanh"
Trước đó, Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) - chi nhánh TP.HCM có thông báo về việc VIAC đã nhận đơn khởi kiện ngày 3-1 của ông Huỳnh Bảo Ngọc. Ông Bảo là cổ đông của Tập đoàn Hòa Bình.
Ông Bảo kiện Tập đoàn Hòa Bình, yêu cầu tuyên bố hủy bỏ các nghị quyết 50, 51 và nghị quyết 53.
Với vụ kiện này, VIAC cho biết sẽ tiến hành các thủ tục tố tụng trọng tài theo quy định pháp luật trọng tài thương mại và quy tắc tố tụng trọng tài của VIAC.
Đáng chú ý, nghị quyết số 50 và 51 có nội dung bầu ông Nguyễn Công Phú làm chủ tịch HĐQT và chấp thuận đơn từ nhiệm của ông Lê Viết Hải để ông Hải làm chủ tịch hội đồng sáng lập, các nội dung này có hiệu lực từ 1-1-2023.
Còn nghị quyết số 53 lại hoãn thi hành các nghị quyết trước để đến ngày 1-1-2023 ông Lê Viết Hải vẫn tạm thời giữ chức chủ tịch, gây nên "cuộc chiến" chiếc ghế chủ tịch.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online chiều 19-1, một luật sư chuyên về quản trị công ty cho biết vụ kiện được VIAC tiến thành các thủ tục "rất nhanh". Bên cạnh đó, khi hội đồng trọng tài được thành lập, chứng tỏ VIAC xác nhận có thẩm quyền để giải quyết vụ tranh chấp này.
Theo vị luật sư này, những vụ tranh chấp tương tự có thể được giải quyết trong sáu tháng, chưa kể sau đó các bên có yêu cầu tòa án hủy phán phán quyết của trọng tài hay không.
Tuy vậy, vị luật sư nhận định quyết định thi hành án chủ động của Cục Thi hành án dân sự TP.HCM sẽ có lợi thế cho phía ông Lê Viết Hải khi giải quyết những tranh chấp ghế chủ tịch. Cụ thể, với quyết định này thì ông Hải tạm thời vẫn là chủ tịch của Tập đoàn Hòa Bình.
Sự việc hy hữu xảy ra tại Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình khi có đến hai người cùng cho rằng mình là chủ tịch HĐQT kể từ 1-1-2023 đang gây xôn xao thị trường chứng khoán bởi đây là công ty đại chúng, hiện là nhà thầu hàng đầu Việt Nam.
Xem thêm: mth.5752909191103202-hnib-aoh-naod-pat-o-hcit-uhc-yaht-teyuq-ihgn-cac-gnud-mat-coub/nv.ertiout