Ông Minh, chủ vựa cây cảnh ở Sapa (Lào Cai), cho biết bên cạnh vườn đào cổ thụ, đào thất thốn, năm nay cơ sở của ông có một cây thạch cẩm vàng với tuổi đời trên 300 năm. Đây là dòng hiếm có trên thị trường.
"Cây này được một đại gia ở TP HCM trả giá nửa tỷ đồng nhưng tôi không bán vì chưa đúng giá trị. Nó có đường kính khủng nhất (60 cm) được tôi sưu tầm trong nhiều năm qua nên giá tầm 860 triệu đồng mới có thể xuất bán", ông Minh nói.
Theo ông Minh, cây này có chiều cao 1,5 m, tán phủ ngang 1,4 m và được đặt trên chiếc chậu dài 1,3 m. Cây vừa có dáng thanh mảnh nhưng lại vững chải. Quả của chúng có màu cam đỏ biểu trưng cho sự may mắn, tài lộc. Còn gốc cổ thụ vài trăm năm được tạo thế hiên ngang.
Điểm khác biệt của loại cây này so với các giống khác là thân của chúng cứng như đá, bên trong có màu vàng có thể sử dụng để làm vị thuốc trong đông y. Quả phân bổ đều, có 3 màu biến đổi theo từng thời điểm, lúc đầu khi còn non là màu xanh, sau đó chuyển sang vàng và dần dần thành màu cam đỏ. Quả này có độ bền cao, người chơi có thể chưng trong 8 tháng liên tục.
Cẩm thạch vàng có nguồn gốc từ ngọn núi ở Myanmar sau đó được người Trung Quốc, Nhật Bản khai thác và lấy phôi nhân giống. Trên thị trường, loại cây có đường kính trên 50 cm khá hiếm.
Theo giới chơi cây cảnh, thạch cẩm vàng mang ý nghĩa sung túc, may mắn, phát triển và sức khỏe tràn đầy nên được người sành chơi săn lùng để chưng vào mỗi dịp Tết.
Ngoài thạch cẩm vàng, thị trường còn xuất hiện các cây cẩm thị cũng có dáng quả tương tự nhưng loại này độ bền không cao và giá rẻ chỉ bằng 1/3 so với thạch cẩm vàng. Thời gian quả tươi chỉ 3 tháng.
Hiện, thị trường cây cảnh Tết đang bắt đầu sôi động, ngoài những chậu quất khổng lồ hút khách, năm nay các loại đào, lê, mận rừng cũng được ưa chuộng.
Riêng với mai và đào Tết, năm nay lượng cung ứng ra thị trường giảm 10-20% so với năm ngoái. Dù vậy, theo các nhà vườn, giá các sản phẩm không tăng vì sức mua yếu, người dân thắt chặt chi tiêu.
Thi Hà