Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có báo cáo tình hình bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo các đối tượng chính sách và tình hình lao động, việc làm, lương, thưởng Tết Quý Mão năm 2023.
Theo đó, tiền lương bình quân của người lao động tại các doanh nghiệp năm 2022 là 8,25 triệu đồng/tháng, tăng 6% so với năm 2021.
Lương bình quân 8,2 triệu đồng, thưởng Tết dương lịch giảm
Trong đó, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có mức lương 9,52 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp dân doanh có mức lương bình quân 8,02 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức lương 8,47 triệu đồng/tháng.
Năm nay, do Tết dương lịch và Tết âm lịch khá gần nhau nên các doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào thưởng Tết âm lịch. Do vậy, tiền thưởng Tết dương lịch giảm, bằng 91% so với thưởng dịp Tết dương lịch 2022.
Mức bình quân thưởng Tết dương lịch 1,24 triệu đồng/người.
Trong khi đó, tiền thưởng Tết âm lịch tăng 11% so với Tết âm lịch năm 2022, với mức bình quân 6,86 triệu đồng/người.
Ngoài mặt bằng chung, ở một số vị trí, nhất là quản lý cấp cao tại một số doanh nghiệp vẫn có mức thưởng cao.
Đơn cử, mức thưởng cao nhất dịp Tết dương lịch năm 2023 là 606,2 triệu đồng ở TP.HCM. Một số địa bàn khác có mức thưởng cao nhất tập trung tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Như tại Hà Nội 125 triệu đồng, Bắc Ninh 257 triệu đồng, Ninh Thuận 218 triệu đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu 178,57 triệu đồng, Bến Tre 323,12 triệu đồng.
Mức thưởng cao nhất dịp Tết Quý Mão năm 2023 trên 1 tỉ đồng tại doanh nghiệp dân doanh ở Đà Nẵng. Một số địa bàn có mức thưởng cao tập trung tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Như Hà Nội 400 triệu đồng; Bắc Ninh 379,8 triệu đồng; Bà Rịa - Vũng Tàu 535,71 triệu đồng; Đồng Nai 307 triệu đồng; TP.HCM 759,9 triệu đồng.
Thông tin về tình hình lao động, việc làm, lương và thưởng Tết, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay trong năm 2022 có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng (chiếm khoảng 0,06% tổng số doanh nghiệp), tập trung ở các lĩnh vực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ...
Vì thế có 637.491 lao động (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp. Trong đó, chủ yếu bị giảm giờ làm thêm và giờ làm việc bình thường.
Giảm đơn hàng khiến hàng trăm nghìn lao động ảnh hưởng
Lý giải nguyên nhân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu; xung đột quân sự giữa Nga - Ukraine; sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn; sự gia tăng bảo hộ thương mại; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt...
Thực tế này làm tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn bị suy giảm dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, gồm cả các đơn hàng đã ký và đơn hàng dự kiến, dẫn tới cắt giảm việc làm.
Dự kiến trong thời gian tới, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục được duy trì phát triển ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ sớm ổn định trở lại.
Theo đó, tình hình thị trường lao động tiếp tục trở lại đà phục hồi, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng.
Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh thành, nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý 1-2023 khoảng 377.700 người (cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua).
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong dịp Tết Nguyên đán 2023 đã tặng quà cho 1,5 triệu đối tượng là người có công với cách mạng, với tổng kinh phí trên 460,6 tỉ đồng.
Trung ương cũng hỗ trợ gạo cứu đói cho 18 tỉnh gặp khó khăn, với 18.458 tấn gạo, đáp ứng nhu cầu cho 204.663 hộ.
Với các đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, ước tính kinh phí trợ giúp Tết của các tỉnh là 5.349 tỉ đồng hỗ trợ cho trên 7 triệu đối tượng.
Hyundai Oilbank, công ty lọc dầu hàng đầu của Hàn Quốc, cho biết chi tiền thưởng Tết cho nhân viên gấp 100 lần mức lương cơ bản, tương đương 120 tháng lương.