Ổn định vĩ mô, dứt khoát không điều hành giật cục, không chuyển đổi trạng thái đột ngột, tạo cảm hứng kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng… là các ưu tiên trong điều hành của Chính phủ - Phó thủ tướng Lê Minh Khái trò chuyện đầu xuân với Tuổi Trẻ Online.
Nhìn lại năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nói: Những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, đặc biệt là xung đột tại Ukraine, kinh tế thế giới suy giảm, thậm chí gia tăng nguy cơ suy thoái, thị trường tài chính tiền tệ tiềm ẩn nhiều rủi ro…, đã tác động đa chiều đến nước ta.
Kinh tế Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Áp lực lạm phát tăng cao; khó khăn về thanh khoản; thiếu hụt xăng dầu cục bộ; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh... Nền kinh tế cũng còn rất nhiều vấn đề tích tụ từ lâu, nhất là trong lĩnh vực trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản, cần tiếp tục xử lý, tháo gỡ cả trong trước mắt và lâu dài.
Chính phủ vừa phải triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, vừa phải xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa ứng phó với những vấn đề đột xuất, phát sinh trong quá trình điều hành nền kinh tế.
Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Trung ương Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chủ động, tích cực, đồng hành của Quốc hội; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng, ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp với tinh thần "nhất hô bá ứng, tiền hô hậu ủng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"; với sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt thành, chí tình chí nghĩa của bạn bè quốc tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp các ngành đã đề ra những nhiệm vụ cụ thể, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, giải pháp ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Có thể nói, kết quả thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022 là ấn tượng, hàng "núi công việc" đã được Chính phủ triển khai thực hiện cùng với sự vào cuộc, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.
Những điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam không phải là chúng ta "tự khen mình", mà đã được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng ổn định. Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới.
* Thưa Phó Thủ tướng, "bức tranh 2022" không chỉ có "gam màu sáng" mà còn những "gam trầm", những tồn tại từ trước phải tháo gỡ và cả những tồn tại mới từ thực tiễn đặt ra?
- Đúng như vậy. Năm 2022 Chính phủ đã dành nhiều công sức để giải quyết từng bước những vấn đề tồn đọng trong nhiều năm qua như: Thủ tướng đã phê duyệt và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025; khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và ngân hàng SCB; tăng cường thanh tra, giám sát, có biện pháp quyết liệt để bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Chính phủ trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý 8/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả (Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú, Sông Hậu 1, cụm dự án khí điện Lô B - Ô Môn, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, chủ trương phá sản SBIC, tái cơ cấu Ngân hàng phát triển Việt Nam) và trình Bộ Chính trị phương án xử lý đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho các dự án VEC, VIDIFI...
Bức tranh kinh tế đất nước năm 2022 vẫn còn không ít những gam màu trầm. Bức tranh ấy sẽ rực rỡ, sắc nét, ấn tượng hơn nếu những bất cập, hạn chế, trong đó có những vấn đề đã tồn tại từ lâu như thể chế, tiến độ giải ngân đầu tư công, hay những vấn đề mới phát sinh như khả năng tận dụng các FTA, khả năng dự báo và ứng phó linh hoạt, kịp thời trước những bất định… được giải quyết căn cơ, hiệu quả.
Đây cũng chính là những nhiệm vụ, công việc Chính phủ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
* Đâu là những vấn đề đáng chú nhất trong năm 2023, thưa Phó Thủ tướng?
- Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo là suy giảm so với năm 2022, có thể rơi vào suy thoái; các nền kinh tế hàng đầu thế giới tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt, tăng lãi suất để xử lý lạm phát; xung đột tại Ukraine chưa có dấu hiệu kết thúc, Trung Quốc đang dần loại bỏ chính sách Zero-COVID, mở cửa trở lại nền kinh tế…
Tình hình trên có thể khiến giá xăng dầu, cũng như nhiều loại hàng hóa, nguyên liệu đầu vào của sản xuất, bật tăng, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng toàn cầu tiếp tục đứt gãy… Trong nước, có những thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, giữ vững ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát cùng với tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là nền tảng quan trọng để thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển, giúp Việt Nam trở thành địa điểm hấp dẫn thu hút dòng vốn FDI. Đây sẽ là những động lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023.
* Xin ông nói rõ hơn về các yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam và việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch của chúng ta?
- Các yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế thời gian tới là rất lớn, khó khăn, thách thức phải đối mặt, giải quyết, có tính chất nhanh, khó lường, tác động lớn và khá toàn diện, mang tính cộng hưởng, nhất là biến động về giá nguyên vật liệu đầu vào, đà phục hồi tiêu dùng trong nước, tạo áp lực lạm phát, chi phí sản xuất tăng cao.
Cạnh đó, những rủi ro về chuỗi cung ứng, nhu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, truyền thống bị thu hẹp, suy yếu; tác động khó lường, khó dự báo từ việc điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, đối tác thương mại, đầu tư chủ yếu của nước ta; thiên tai, dịch bệnh, bão lũ, biến đổi khí hậu, trật tự, an toàn xã hội... đều cần hết sức lưu ý.
Với mức độ hội nhập và độ mở của nền kinh tế lớn, trước những bất ổn, rủi ro khó đoán định, dự báo kinh tế trong nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong năm 2023.
Các chuyên gia dự báo mục tiêu tăng trưởng 6,5% của năm 2023 tuy khả thi nhưng không dễ đạt được. "Bức tranh lạm phát" năm 2023 cũng có nhiều nét đáng quan ngại, áp lực lạm phát đối với nền kinh tế rất lớn, để đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4,5% là không dễ…
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô cuối năm 2022 và đầu năm 2023 (ngày 6-12-2022), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã lưu ý: "Không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, bám sát, nắm chắc tình hình trong nước và thế giới, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả".
Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu "lắng nghe các ý kiến nhiều chiều, chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo, thực chất, hiệu quả. Dứt khoát không điều hành giật cục, không chuyển đổi trạng thái đột ngột, tránh tình trạng lúc này quá chặt chẽ, lúc khác quá lỏng lẻo, lúc này quá đơn giản, lúc khác quá cầu kỳ, lúc này quá cầu toàn, lúc khác quá nóng vội; bảo đảm cân bằng giữa an toàn và phát triển".
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái (phải) tiếp ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Electronics phụ trách tài chính, ngày 13-1. Năm 2022, Samsung xuất khẩu đạt 65 tỉ USD, đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam vượt mốc kỷ lục hơn 700 tỉ USD - Ảnh VGP
* Đâu là những ưu tiên chính của Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là với chính sách tài khóa, tiền tệ, thưa Phó Thủ tướng?
- Thực hiện các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội và Chính phủ, chúng ta sẽ tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đồng thời theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, trong nước, kịp thời dự báo, cảnh báo rủi ro để có đối sách phù hợp; bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ của chính sách điều hành kinh tế vĩ mô.
Tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Điều hành cân bằng, hợp lý, hiệu quả giữa tỉ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với tăng trưởng kinh tế, phù hợp với đặc điểm Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên cần thúc đẩy tăng trưởng.
Bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tiền tệ. Tập trung tín dụng vào thúc đẩy sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường minh bạch thông tin và kiểm soát chặt chẽ rủi ro.
Điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng phù hợp, góp phần đáp ứng nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh có trọng tâm, trọng điểm, tránh "phanh đột ngột" làm triệt tiêu các động lực duy trì và phục hồi của doanh nghiệp, nền kinh tế. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, củng cố niềm tin, tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.
Chính phủ chú trọng việc bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Hệ thống pháp luật phải thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công; tạo dựng và củng cố niềm tin, tâm lý, cảm hứng kinh doanh; minh bạch, công khai hóa thông tin, trách nhiệm cũng như bảo vệ an toàn tài sản của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân.
* Việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông có phải là "điểm nhấn" của năm 2023?
- Ngay ngày 1-1-2023, chúng ta đồng loạt khởi công 12/12 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 theo đúng kế hoạch đề ra.
Trong năm 2022, nhiều dự án đầu tư quan trọng phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại đã được triển khai quyết liệt, đưa vào sử dụng, như đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Cao Bồ - Mai Sơn, đoạn La Sơn - Túy Loan; cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Thủ Thiêm 2...
Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án quan trọng quốc gia; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm.
Như vậy, chúng ta đã quyết liệt tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông để tăng cường kết nối, giải tỏa các điểm nghẽn, giảm chi phí vận tải, logistics, từng bước đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng, tạo dựng các hành lang kinh tế, không gian phát triển mới với mong muốn "đường đến đâu, giàu đến đó".
Thủ tướng Phạm Minh Chính (giữa) bấm nút khởi công 12 dự án thành phần thuộc dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 (giai đoạn 2) tại buổi lễ sáng 1-1-2023 ở xã Đức Hòa, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi - Ảnh: TRẦN MAI
Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, nhất là dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường ven biển, vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 TP Hà Nội, các dự án quan trọng, động lực về sân bay, đường sắt, đường thủy...; các dự án hạ tầng chuyển đổi số, năng lượng, thương mại, văn hóa, xã hội, nông nghiệp, nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu...
Ngoài ra, Chính phủ sẽ chỉ đạo quyết liệt, có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia để thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế.
Chính phủ ưu tiên bố trí vốn cho dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án phát triển hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các địa phương, vùng, miền.
Phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia, nhất là các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.