Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH Một thành viên Standard Chartered Việt Nam
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, phát triển bền vững là vấn đề được đề cập nhiều hơn và Việt Nam cũng không ở ngoài xu hướng này. Bà có nhận định gì về những nỗ lực của Việt Nam?
Tôi nhìn thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc tạo dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam. Chúng tôi tin rằng, những nỗ lực này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam, đặc biệt là khi Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc thúc đẩy quá trình tái cấu trúc nền kinh tế cùng với việc thay đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững sẽ giúp tăng cường tính cạnh tranh và hạn chế tác động của các cú sốc bên ngoài.
Thế giới đang ngày càng đòi hỏi nhiều hơn các yếu tố xanh trong các sản phẩm và dịch vụ. Đây là cơ hội để Việt Nam tăng cường tính cạnh tranh trong dài hạn, đặc biệt là xuất khẩu sang các nước phát triển, nơi có các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các tác động lên môi trường.
Bên cạnh đó, tăng trưởng xanh cũng giúp Việt Nam nâng cao sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và thu hút các khoản đầu tư chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đồng thời khuyến khích các nhà đầu tư đang hoạt động tại Việt Nam tăng cường đầu tư, góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Có thể nói, Việt Nam sẽ gặt hái được những lợi ích trong dài hạn từ phát triển bền vững.
Lợi ích Việt Nam gặt hái được có lẽ cũng đã đến ngay trong ngắn hạn nếu nhìn lại những diễn biến tại Hội nghị Bàn tròn về thu hút tài chính hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết về biến đổi khí hậu, do Liên minh tài chính Glasgow vì mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (GFANZ) tổ chức trong Hội nghị COP27 tại Ai Cập?
Với tôi, hội nghị đã diễn ra hiệu quả với sự tham dự của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, GFANZ, đại diện các ngân hàng phát triển đa phương và các ngân hàng thương mại hàng đầu trên thế giới. Ở thời điểm đó, Việt Nam đã đạt được những bước tiến tích cực hướng đến Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng cân bằng (JETP) với Nhóm đối tác quốc tế bao gồm Liên minh Châu Âu, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Mỹ, Italy, Canada, Nhật Bản, Na Uy và Đan Mạch.
Một kết quả đáng mừng đó là các nhà lãnh đạo Việt Nam và Nhóm đối tác quốc tế đã ký kết JETP vào ngày 14/12/2022. Thỏa thuận này sẽ giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu đầy tham vọng về cân bằng phát thải vào năm 2050, đẩy nhanh quá trình đạt đỉnh phát thải khí nhà kính và chuyển dịch từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. JETP sẽ huy động 15,5 tỷ USD nguồn tài chính từ khối tư nhân và chính phủ trong 3 - 5 năm tới để hỗ trợ quá trình chuyển dịch xanh của Việt Nam.
Chúng tôi rất hân hạnh được đồng hành với Chính phủ, lãnh đạo các doanh nghiệp và các bên liên quan trong quá trình này, từ đó đưa ra các hành động nhằm phòng chống biến đổi khí hậu và tạo ra công ăn việc làm. Standard Chartered sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ trong quá trình thực hiện các cam kết tại COP27. Đây sẽ là một hành trình đầy ý nghĩa khi chúng tôi được chung tay với cả lĩnh vực công và tư nhân để triển khai các công việc trong khuôn khổ JETP nhằm hiện thực hóa cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050.
Nguồn vốn sẽ đóng một vai trò then chốt trong việc Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045 và đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Là một định chế tài chính lớn hoạt động lâu năm tại Việt Nam, chắc hẳn Standard Chartered không đứng ngoài giai đoạn quyết định này?
Các tổ chức tài chính như Standard Chartered sẽ đóng một vai trò quan trọng bởi có thể mang đến những hỗ trợ thông qua các chính sách rõ ràng, theo tiêu chuẩn quốc tế, qua đó thúc đẩy các dòng vốn bền vững chảy vào Việt Nam. Chúng tôi đã hỗ trợ quá trình phát triển bền vững của Việt Nam thông qua nhiều sáng kiến, từ việc chia sẻ các nhận định và góc nhìn về phát triển bền vững và tài chính xanh với Chính phủ và các bên liên quan, cho đến cung cấp nguồn vốn cho những lĩnh vực mang đến những tác động tích cực nhất.
Đơn cử, vào tháng 9/2022, Standard Chartered Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu với Bộ Tài nguyên và Môi trường và ký kết khuôn khổ hợp tác với Ngân hàng Nhà nước về bình đẳng giới. Hay bên lề COP26 năm 2021, Ngân hàng đã trao biên bản ghi nhớ với tổng giá trị 8,5 tỷ USD cho 3 doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ các dự án bền vững. Chúng tôi đã và đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp này để hiện thực hóa các cam kết.
Là một ngân hàng quốc tế với lịch sử 119 năm hiện diện tại Việt Nam, chúng tôi luôn cam kết hỗ trợ Việt Nam xây dựng một tương lai xanh và bền vững. Chúng tôi đang nỗ lực để tạo ra thêm nhiều tác động tích cực cho cộng đồng và nền kinh tế. Với việc thỏa thuận JETP đã được ký kết, Standard Chartered Việt Nam sẽ tích cực hỗ trợ Chính phủ đạt được các mục tiêu về cân bằng phát thải.
Là nữ tổng giám đốc đầu tiên của Standard Chartered Việt Nam, không thể phủ nhận việc bà đã mang đến một hình ảnh mới, một luồng gió mới. Liên quan đến hình ảnh, bà thường mặc áo dài truyền thống của Việt Nam. Chắc hẳn bà có những gắn bó nhất định với đất nước này?
Trong 2 năm qua ở Việt Nam, mỗi trải nghiệm tôi có đều luôn mới mẻ và đầy hứng khởi. Tôi rất ấn tượng với nguồn năng lượng và sự đam mê mà Việt Nam mang lại.
Có những đồng nghiệp nói rằng, họ rất vui vì có một tổng giám đốc là nữ. Tôi thực sự rất vui khi nghe điều này, sau khi ở vị trí đó được 2 năm. Tôi rất tự hào làm việc cho Standard Chartered, một tổ chức hỗ trợ mạnh mẽ cho bình đẳng giới. Tôi cảm thấy may mắn khi làm việc trong một môi trường tôn trọng và đánh giá cao phụ nữ, đồng thời cho phép tôi thoải mái học hỏi và làm việc với tất cả mọi người.
Tôi rất thích những bộ áo dài truyền thống của Việt Nam, vì nó giúp phụ nữ trở nên đẹp hơn. Thật khó để liệt kê hết những kỷ niệm đáng nhớ trong 2 năm qua ở Việt Nam, vì mỗi trải nghiệm tôi có đều luôn mới mẻ và đầy hứng khởi. Tôi rất ấn tượng với nguồn năng lượng và sự đam mê mà Việt Nam mang lại, cùng với sự thân thiện của người dân cũng như mong muốn mãnh liệt của họ trong việc phát triển và gia tăng thu nhập, sự đa dạng của ẩm thực và nỗ lực của Chính phủ nhằm phát triển đất nước, nâng cao đời sống của người dân.
Việt Nam có đầy đủ sông núi, biển cả và có rất nhiều cảnh đẹp. Thông qua hoạt động kinh doanh, chúng tôi muốn hỗ trợ các doanh nghiệp và người dân, từ đó gìn giữ và phát triển những nét độc đáo này cũng như đầu tư vào cộng đồng. Chúng tôi mong muốn là một nơi làm việc tốt nhất, là ngân hàng tốt nhất được khách hàng tin dùng và đầu tư vào cộng đồng để hỗ trợ quá trình phát triển của Việt Nam.
Được biết, bà từng đón Tết cổ truyền tại Việt Nam. Bà có thể chia sẻ cảm nhận của mình?
Từ khi còn bé cho đến bây giờ, kỳ nghỉ yêu thích của tôi là dịp Tết Âm lịch. Chúng ta đều sống trong một thế giới rộng lớn cùng những lịch trình bận rộn với công việc, con cái và Tết Âm lịch là một khoảng thời gian đầy ý nghĩa để chúng ta dành thời gian với gia đình, cùng nhau sum vầy và kết nối trong tiếng cười và hạnh phúc. Với tôi, đây là lúc chúng ta chào tạm biệt năm cũ và hướng đến năm mới đầy hứng khởi.
Tại Việt Nam, tôi đã trải nghiệm 2 cái Tết và đến nay là cái Tết thứ ba. Là một người đến từ Singapore, tôi nhận thấy có nhiều nét tương đồng giữa hai nước về văn hóa trong dịp Tết cổ truyền. Mọi người đều rất hào hứng dọn dẹp nhà cửa, mua sắm vật dụng và chuẩn bị tiền lì xì. Trong văn phòng, chúng tôi đã trang trí với những hình ảnh mang đậm không khí Tết, cũng như tổ chức những bữa ăn để tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới. Mọi người đều vui và háo hức. Thói quen của tôi trong ngày cuối năm là dọn dẹp thật sạch nhà cửa sau bữa cơm tất niên và để đèn sáng qua đêm nhằm thu hút những điều may mắn.
Trong ngày đầu năm, chúng tôi tránh quét nhà để đảm bảo rằng mình không “quét” những điều may mắn ra khỏi nhà. Đây là những thói quen nhỏ mang đến nét đặc biệt và niềm vui trong năm mới.
Nhân dịp Xuân mới, tôi muốn gửi lời chúc đến các độc giả của Báo Đầu tư Chứng khoán một kỳ nghỉ lễ an toàn và ngập tràn niềm vui bên gia đình và bạn bè.