vĐồng tin tức tài chính 365

Thành phố mùa xuân vĩnh cửu

2023-01-23 07:19

Ảnh hưởng bởi thuyết “khí hậu quyết định” (geoclimatism), những nhà khai sinh Đà Lạt đã bắt đầu với mong muốn xây dựng đô thị này như một trạm điều dưỡng, một nơi chốn chữa lành và đem lại sinh lực cho người Pháp trên toàn cõi Đông Dương. Câu khẩu hiệu tiếng Latin có từ thời Pháp thuộc “Dat Aliis Laetitiam Aliis Temperiem” - Cho người này sức khỏe, cho người khác niềm vui (mà các chữ cái đầu có thể ghép thành tên DALAT), phản ánh cô đọng ý hướng đó.

Thành phố mùa xuân vĩnh cửu - ảnh 1

Du khách được sống trong không gian thư nhàn của mùa xuân Đà Lạt

bưu thiếp thập niên 1960, TÁC GIẢ sưu tập

Đà Lạt từ đó, như một thành phố lý tưởng để con người tận hưởng thời gian thư nhàn, được an dưỡng để phục hồi về thể chất và tìm thấy niềm vui sống - ngay cả trong những giai đoạn phát triển về sau, khi đô thị cao nguyên này trở thành đặc khu giáo dục hay du lịch.

Trạm điều dưỡng trên cao

Những đám mây muỗi gây bệnh sốt rét, chứng vàng da biểu hiện của bệnh viêm gan, những trận dịch tả lỵ hoành hành ở vùng đồng bằng ẩm ướt của xứ nhiệt đới gió mùa... trở thành nỗi ám ảnh của binh lính, sĩ quan và người Pháp nói chung ở vùng Nam kỳ thời họ mới áp đặt nền thực dân ở phía nam Việt Nam.

Những chuyến tàu từ cảng Sài Gòn quay về Marseille ban đầu thường chở theo sự u ám và chết chóc. Có rất ít câu chuyện thú vị, sản vật và quà lưu niệm hương xa. Thay vào đó là những khoang cấp cứu đầy người vật vờ vì bị bào mòn bởi bệnh nhiệt đới, và cả các khoang chứa tử thi của người lâm trọng bệnh không thể qua khỏi trong chuyến hải trình dài trở về chính quốc. Binh lính Pháp tại Đông Dương phải hồi hương vì các chứng dịch bệnh xứ nóng vào khoảng giữa, cuối thập niên 1880 tăng cao.

Điều này tạo thêm mối bi quan cho chính quyền thuộc địa, bởi nó có thể ảnh hưởng sâu sắc đến những bước tiến của chính sách khai thác miền Nam Việt Nam nói riêng và Đông Dương nói chung.

Nhìn ra thế giới, trong thời khuếch trương chủ nghĩa thuộc địa, đã có những mô hình trạm điều dưỡng miền cao như Simla ở Ấn Độ xây dựng năm 1831, Petropolis ở Brazil năm 1843 và Baguio ở Philippines vào cuối thế kỷ 19.

Toàn quyền Paul Doumer đã đặt bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin vào trong một chương trình kiến thiết Đông Dương có tính quyết liệt và táo bạo. Từ những chuyến phiêu lưu thám hiểm có chỉ định của vị bác sĩ gốc Thụy Sĩ này, một trạm điều dưỡng trên cao nguyên được định vị tại cao nguyên Lang Bian và từ kiến thức y học của nhà vi trùng học hàng đầu trường phái Louis Pasteur này, đô thị có chức năng trạm điều dưỡng đó được bảo chứng, thuyết phục để xây dựng.

Cuộc phản biện, tấn công về kế hoạch xây dựng trạm điều dưỡng trên vùng cao nguyên Lang Bian mà đứng đầu là đại úy Fernand Bernard đã không thể lay chuyển sự kiên định của những người đặt viên đá đầu tiên cho sự việc thành lập thành phố Đà Lạt. Đà Lạt trong viễn kiến của những người sáng lập có quy mô hơn cả một health station (trạm điều dưỡng), có thể là một sanitarium (thành phố như một đại dưỡng đường).

Thành phố mùa xuân vĩnh cửu - ảnh 2

Du khách ở Đà Lạt. Ảnh chụp khoảng 1955

TÁC GIẢ sưu tập

n

Điều này được chính Paul Doumer khẳng định ngay trong hồi ức về chuyến khảo sát Đà Lạt năm 1899 cùng với bác sĩ Alexandre Yersin: “Một ngày, tôi đi thăm một cao nguyên trong dãy Trường Sơn (...), đó là cao nguyên Lâm Viên, nơi tôi định xây một trạm điều dưỡng ở độ cao 1.500 m” (trích Xứ Đông Dương).

Thực tế sẽ chứng minh, trong thời kỳ xây dựng và phát triển thành phố này, Đà Lạt với những ngôi trường, biệt thự trong rừng thông trong lành, những bữa ăn với nông sản xứ lạnh không khác gì chính quốc đã biến nơi này không chỉ là nơi dưỡng bệnh, mà một cách tự nhiên, phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần cho người Pháp qua các kỳ nghỉ. Tại đây có các nhà thờ, chùa chiền hài hòa với thiên nhiên để con người được tìm thấy sự tĩnh tại và hướng thượng. Học sinh gốc Pháp được học trong các vườn trẻ, trường học quy chuẩn với lề lối sinh hoạt và học trình không khác bạn đồng trang lứa tại miền Nam nước Pháp. Thành phố này trở thành nơi giúp họ xoa dịu nỗi nhớ nhà và thoát khỏi sự đe dọa khắc nghiệt của thời tiết nhiệt đới, thích ứng với Đông Dương một cách dễ dàng.

Với đề xuất của bác sĩ Yersin, Viện Pasteur Đà Lạt được xây dựng từ 1936, sau Viện Pasteur Nha Trang và Hà Nội. Đây là nguồn cung vắc-xin và thuốc ký-ninh trị bệnh sốt rét lớn trong khu vực Đông Dương (một phần thuốc ký-ninh được chiết xuất từ trái canh-ki-na mà Viện Pasteur trồng thí nghiệm ở vùng Trại Mát). Sự xuất hiện của viện này như một biểu tượng cho sự theo đuổi mục tiêu thành phố an dưỡng ban đầu. Dù chỉ 20 năm sau khi viên đá đầu tiên xây dựng thành phố được đặt xuống, thì đầu tư du lịch nghỉ dưỡng thuần túy và các khuynh hướng khác đã dần vượt lên trên mục tiêu là nơi chăm sóc y tế ban đầu.

Đoạn kết của một bài báo trên tờ Indochine (số 28, ngày 13.3.1941), tác giả P.Munier đã dự báo ít tích cực về chức năng trạm điều dưỡng Đà Lạt. Ông nhắc lại ý định về một trạm an dưỡng - thành phố sức khỏe, y tế - của thuở ban đầu sẽ bị lệch hướng nếu du lịch cứ được đẩy mạnh ồ ạt: “Khi bác sĩ Yersin tìm ra Đà Lạt vào cuối thế kỷ 19, khi những đoàn khảo sát đầu tiên xây dựng những ngôi nhà gỗ đầu tiên ở Đà Lạt, tất cả đều có một ý tưởng chính xác, đúng và hợp lý: chọn một chỗ tốt nhất để xây dựng một khu điều dưỡng. Tôi có cảm tưởng là trong khi xa dần mục tiêu ban đầu người ta đang đi lạc đường”.

Cung cấp “hồng cầu khỏe mạnh”

Mặc dù vậy, Đà Lạt vẫn được các du khách Pháp trước 1954 và sau đó là người Việt trung lưu, thượng lưu ở các thành phố đồng bằng nhiệt đới xem là thiên đường để hồi phục sức khỏe, một nơi chan chứa sinh lực từ thiên nhiên mát lành.

Du khách đến Đà Lạt nghỉ dưỡng vào thời kỳ thành phố còn nhiều cây xanh có lẽ cũng từng có cảm nhận như Claude Beaucarnot - cô gái trẻ người Pháp lưu trú ở Trạm Hành (Arbre Broyé) vào năm 1943 - cho rằng thiên nhiên thành phố này đã đủ để làm gia tăng nguồn sinh lực và mang lại một tinh thần sảng khoái. Beaucarnot từng ghi vào nhật ký đại ý là chỉ sau một thời gian thích ứng phong thổ nơi chốn, các tế bào hồng cầu bỗng được bổ sung và người ta cảm thấy khỏe mạnh (Eric T.Jennings, sách đã dẫn). Đây cũng là lý do nhiều gia đình miền Nam thường chọn Đà Lạt làm nơi nghỉ mát mùa hè.

Với du khách, rừng thông, hồ nước, thảm cỏ, nói chung là hệ sinh thái tốt tươi quanh năm và khí hậu mát lành đã cho Đà Lạt một không gian thư nhàn, chữa lành những sang chấn tâm lý trong đời sống đô thị căng thẳng. Nguồn nông sản phong phú từ những mảnh vườn tươi tốt tới bàn ăn rất gần, cung ứng một nguồn dinh dưỡng đủ đầy chất lượng. Ngoài ra, Đà Lạt cũng được xem là thành phố vô nhiễm với khói lửa chiến tranh, nên đây là nơi giúp nhiều người tạm thoát ly không khí thời cuộc u ám để tìm thấy sự cân bằng, giải quyết các khủng hoảng tâm lý. Với nhiều nghệ sĩ, là nơi chốn nối lại mạch nguồn sáng tạo (có thể thấy qua sự gắn bó với Đà Lạt của Phạm Công Thiện, Vũ Khắc Khoan, Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Đinh Cường...).

Sự đầu tư cho y tế để thực sự trở thành một trạm điều dưỡng theo kế hoạch ban đầu đã thay cho những đầu tư về văn hóa, giáo dục và du lịch. Nhưng đâu đó trong các chương trình chấn hưng kinh tế Đà Lạt dưới thời Việt Nam Cộng hòa, tiêu biểu là văn bản Chương trình phục hưng kinh tế Đà Lạt năm 1956 có khẳng định lại vấn đề về một thành phố có chức năng “di dưỡng”.

Chức năng một thành phố chữa lành, một trạm điều dưỡng trong điều kiện cảnh quan và thời tiết lý tưởng đã từng là một trong những dự phóng tốt đẹp trong thời kỳ kiến tạo Đà Lạt; hình thành nên một hình dung chung của du khách nhiều thế hệ về giá trị Đà Lạt. Nhắc đến Đà Lạt hôm qua, là nhắc đến một nơi để thư giãn và bồi dưỡng nguồn sinh lực. Đó cũng chính là ý hướng, lý tưởng về một đô thị của mùa xuân mà Đà Lạt hôm nay cần theo đuổi.

Xem thêm: lmth.6612451tsop-uuc-hniv-naux-aum-ohp-hnaht/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:Báo Thanh Niên

“Thành phố mùa xuân vĩnh cửu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools