Chiều 5/8/1994, hết ca làm, Khang Cúc, công nhân trong một nhà máy phụ tùng thủy lực ở Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, đạp xe băng qua cánh đồng ngô đang mùa trỉa bắp để về nhà. Nhưng gia đình chờ mãi không thấy cô đâu. Lãnh đạo nhà máy cử hơn 100 nam công nhân hỗ trợ cảnh sát và chồng Cúc tìm kiếm.
Vài ngày sau, trưa 11/8, dưới đống cỏ cạnh giếng máy trong ruộng ngô, mọi người thấy váy và quần lót của phụ nữ cuộn thành bọc. Chồng Cúc xác định đây là đồ của cô.
Cách đó không xa là thi thể phụ nữ đang phân hủy nặng, bên cạnh là chiếc xe đạp quen thuộc của Cúc. Cảnh sát lập tức phong tỏa hiện trường. Nơi cô nằm chỉ cách nhà trọ vài chục mét.
Pháp y xác định Cúc chết lúc 17h ngày 5/8, tức ngay sau ca làm việc, bị đánh đập, siết cổ và cưỡng hiếp.
Một tháng sau, vụ án được giải quyết một cách "thần tốc". Nhiếp Thư Bân, 20 tuổi, bị bắt với cáo buộc là nghi phạm.
Bân là công nhân của Nhà máy Máy luyện kim, quê ở thị trấn Hỏa Lộc, huyện Lộc Tuyền, cách hiện trường khoảng 15 km. Theo báo cáo của cảnh sát, "sau 7 ngày đấu tranh tâm lý, Bân thành khẩn nhận tội". Tháng 12 cùng năm, viện kiểm sát Thạch Gia Trang ra cáo trạng truy tố Bân về tội Giết người và Hiếp dâm.
Ngày 15/3/1995, Bân bị Tòa án cấp cao Hà Bắc xử kín. Bân bị cáo buộc đạp xe đi theo Cúc khi tan ca, chặn đường, kéo cô đến cánh đồng ngô và gây án. Thông tin duy nhất được đề cập sau đó là Bân bị kết án tử hình. Chỉ hai hôm sau khi tuyên án, ngày 27/4/1995, chàng trai 21 tuổi bị xử bắn.
Vụ án khi đó không thu hút nhiều sự chú ý. Một thanh niên ham háo sắc, cưỡng hiếp và giết hại phụ nữ chẳng lạ lẫm gì. Nhưng người nhà của Bân không bao giờ tin con gây tội. Người dân huyện Lộc Tuyền cũng không ngạc nhiên, chẳng cha mẹ nào nghĩ con là người xấu. Cha mẹ Bân ròng rã kêu oan cho con, kháng cáo các cấp trong vô vọng.
Song 10 năm sau khi Bân bị hành quyết, vụ án cánh đồng ngô lại dậy sóng, mãi mãi được ghi vào lịch sử tư pháp Trung Quốc với cái tên "án oan kinh điển".
Tháng 3/2005, cảnh sát Hình Dương, tỉnh Hà Nam, nắm thông tin về một người nhập cư hành tung lạ lùng, được gọi là A Vương. Vương ít nói, đồng nghiệp chỉ biết anh ta quê ở Hà Bắc, không ai biết tên đầy đủ. Anh ta đã làm công nhân nhà máy gạch ở Hình Dương 6 năm, chưa một lần về quê ăn Tết.
Bất cứ khi nào cảnh sát đi điều tra những người tạm trú, Vương luôn cố tình tránh mặt, thường trốn và cúi gằm mặt khi nhìn thấy xe cảnh sát đi qua. Hành vi này khiến nhà chức trách rất nghi ngờ. Viện cớ Vương không có chứng minh thư, không làm tạm trú, cảnh sát Hình Dương đưa anh ta về đồn tra hỏi.
Vương khai tên Vương Vĩnh Quân, quê ở huyện Phi Tường, thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc. Cảnh sát Hình Dương đã tìm kiếm thông qua trang web đăng ký hộ khẩu và yêu cầu Văn phòng Công an Hàm Đan hỗ trợ điều tra, nhưng không thông tin nào của Vương khớp với hệ thống dữ liệu.
Vương 12 lần khai lại tên và quê quán, kết quả y như cũ. "Nếu một người không phạm tội, che giấu thân phận mục đích gì?", cảnh sát Hàm Dương suy luận, quyết tra hỏi Vương đến sáng. Vương cuối cùng đành "đầu hàng", thở dài thốt ra câu thành thực đầu tiên: "Tôi từng giết người".
Vương khai tên thật là Thư Cẩn, 38 tuổi, quê huyện Quảng Bình, thành phố Hàm Đan, từ năm 1993 đến 1995 đã phạm 6 tội trọng ở tỉnh Hà Bắc, trong đó có 4 vụ hiếp dâm và giết người, 2 vụ hiếp dâm.
Cảnh sát Hình Dương sửng sốt, vốn chỉ nghĩ kẻ này cùng lắm phạm tội trộm cắp, đánh người, không ngờ kiên trì dò hỏi, lại thu về "mẻ lưới" nặng đến thế. Họ lập tức báo vụ việc với cảnh sát thành phố Hàm Đan.
Bị cảnh sát Hàm Đan áp giải về, tiếp tục điều tra, Cẩn thừa nhận là thủ phạm của một vụ án hiếp dâm. "Mùa hè năm 1994, tôi đã hãm hiếp và giết một phụ nữ ở vùng ngoại ô phía tây Thạch Gia Trang", Cẩn nói.
Tuy nhiên, khi cảnh sát Hàm Đan đến Thạch Gia Trang điều tra thì vụ án đã khép lại. Thủ phạm là Bân đã bị hành quyết tròn 10 năm trước.
Cẩn còn thú nhận là thủ phạm 6 vụ án, ngoài vụ Khang Cúc, 5 vụ còn lại đều ở huyện Quảng Bình. Anh ta cung cấp lời khai đáng tin, trùng khớp từng chi tiết, đồng thời 2 lần dẫn cảnh sát đến ngoại ô phía tây Thạch Gia Trang, xác định hiện trường vụ án.
Theo Cẩn, anh ta đang làm việc tại một công trường xây dựng cách hiện trường vụ án khoảng 200 m và đã nhìn thấy Khang Cúc từ lâu nên nảy sinh ý đồ xấu. Một buổi trưa nọ, anh ta trốn công trường trong lúc đồng nghiệp đang ngủ, rình Cúc bên con đường nhỏ trong cánh đồng ngô.
Cẩn còn kể, đã rút chìa khóa xe của Cúc ném vào ruộng ngô. Hồ sơ điều tra của cảnh sát Thạch Gia Trang 10 năm trước vẫn còn lưu hình ảnh chiếc chìa khóa này ở giữa ruộng. Chi tiết này cảnh sát Thạch Gia Trang không công bố. Nếu Cẩn không phải thủ phạm sẽ không thể biết điều này.
Kết quả điều tra bất ngờ này đã được Tổng biên tập của Nhật báo Thương mại Hà Nam đưa lên trang nhất, do tờ báo đưa tin về vụ án của Nhiếp Thư Bân từ giai đoạn điều tra đến khi Bân bị xử bắn.
"Một vụ án, hai kẻ sát nhân, hung thủ thực sự là ai?", tiêu đề phóng sự điều tra vài ngày sau xuất hiện trên Nhật báo Thương mại Hà Nam. "Mười năm sau khi Nhiếp Thư Bân bị xử bắn, sát nhân thực sự đã xuất hiện. Nhiếp Thư Bân phải chăng đã bị giết nhầm?", bài báo nêu.
Tin tức này ngay lập tức gây chấn động khắp cả nước. Vào thời điểm đó, Cục Công an huyện Quảng Bình, thành phố Hàm Đan, nơi phụ trách điều tra vụ án, đã trở thành tâm điểm chú ý của cả nước. Công an tỉnh Hà Bắc lập tổ chuyên án điều tra, nói với báo giới lâu nhất 7 ngày sẽ có kết luận điều tra. Tuy nhiên, thời hạn này đã kéo dài tới 11 năm.
Tháng 3/2006, VKS thành phố Hàm Đan truy tố Cẩn tội Cố ý giết người và Hiếp dâm, liên quan tổng cộng 5 vụ án, trừ vụ án của Khang Cúc. Ngày 12/3/2007, Cẩn bị TAND Hàm Đan tuyên bản án tổng hợp, tử hình. Điều này khiến anh ta rất bức xúc.
Cẩn nói đã tự nguyện khai báo vụ án Khang Cúc, tiết lộ tình tiết mà cơ quan điều tra không biết. Cẩn cho rằng đã thành khẩn, đã lập công lớn, đây là tình tiết cần được khoan hồng, song vụ án đã không được khởi tố. Cẩn kháng cáo.
Tháng 9/2013, sau nhiều phiên tòa xử đi xử lại, TAND Cấp cao tỉnh Hà Bắc đã tuyên bản án phúc thẩm, cho rằng vụ án Khang Cúc đã tìm ra hung thủ phù hợp nội dung vụ án là Nhiếp Thư Bân. Việc Cẩn nhận là hung thủ vô nghĩa, có dấu hiệu không thành khẩn, do đó tòa không chấp nhận yêu cầu của Cẩn, giữ nguyên các bản án cũ. Bản án gây tranh cãi gay gắt. Bố mẹ Nhiếp Thư Bân vẫn đằng đẵng kêu oan thay con.
Ngày 4/12/2014, lần đầu tiên Trung Quốc thành lập và kỷ niệm "Ngày Hiến pháp Quốc gia", hy vọng thắp lên với gia đình Bân khi TAND Tối cao quyết định xem xét lại vụ án của Bân. TAND cấp cao tỉnh Sơn Đông được giao xét xử lại vụ án tại phiên xét xử kín.
Vụ án khi này đã trở thành tâm điểm truyền thông cả nước, TAND Cấp cao Sơn Đông đã 4 lần phải nộp đơn lên TAND Tối cao, xin gia hạn thời gian xem xét. Tháng 5/2016, TAND Cấp cao tỉnh Sơn Đông cuối cùng xác định, phán quyết của hai cấp tòa án ở Hà Bắc "thiếu bằng chứng khách quan. Việc buộc tội Bân hiếp dâm và giết người rất lỏng lẻo và không có căn cứ".
Ngày 30/11/2016, Bân được Tòa tối cao tuyên trắng án, sau 21 năm bị tử hình oan. Cha mẹ Bân yêu cầu Nhà nước bồi thường gần 14 triệu nhân dân tệ (48 tỷ đồng), và đã nhận 2 triệu nhân dân tệ (7 tỷ đồng).
Trong khi Bân được rửa oan thành công, việc kháng cáo của Cẩn vẫn không tiến triển. Sau hai phiên tái thẩm, phúc thẩm, Tòa vẫn kết luận, không có căn cứ xác định Cẩn là thủ phạm giết Khang Cúc, không thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ thành khẩn khai báo. Y án cũ, ngày 2/2/2021, Cẩn bị thi hành án tử hình.
Vụ án Khang Cúc, từ chỗ có hai thủ phạm, trở thành vụ án không có thủ phạm. Hệ thống tư pháp tỉnh Hà Bắc bị truyền thông lên án nặng nề. Năm 2018, giám đốc công an tỉnh thời kỳ đó bị điều tra và tuyên án tù 15 năm với nhiều sai phạm. Dàn công an kế cận hứa hẹn sẽ quyết tìm thủ phạm thực trong vụ án Khang Cúc. Nhưng sự việc đã quá lâu, điều này ngày càng xa vời.
Hải Thư (Theo Epochtimes, Baidu, Chinatimes)
Xem thêm: lmth.9752654-neid-hnik-nao-na-uv-ar-yag-cot-naht-na-ahp-gnaht-tom-hcit-hnaht/ten.sserpxenv