Hơn tám năm trước, Trần Ánh Dương lặn lội từ Long An đến quận 12, TP.HCM để mượn 6 triệu đồng của người bạn thân.
Anh mang đổi được 300 đô la Canada, rồi một mình gói ghém hành trang lên đường du học theo diện học bổng của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu toàn cầu IPCC được Cuomo Foundation (Monaco) tài trợ.
Trên hành trình không dễ dàng đó, Dương có lần còn bị giáo sư của Đại học Munich (Đức) bày tỏ quan ngại vì câu trả lời "tới đâu hay tới đó" khi ông hỏi "Bạn tính sao sau khi hết hai năm học bổng tiến sĩ?".
Nhưng rồi với nỗ lực và cả may mắn nữa, anh tiếp tục nhận được học bổng Cuomo Foundation lần 2 để hoàn thành chương trình tiến sĩ Đại học Kỹ thuật Munich ở Đức.
Câu chuyện trên là của tiến sĩ Trần Ánh Dương (sinh năm 1981, quê Thanh Hóa) - người được gọi là "thợ săn học bổng" với sáu lần nhận học bổng từ các chương trình ngắn hạn, cao học đến nghiên cứu sinh tiến sĩ, sau tiến sĩ, có cả học bổng Fulbright năm 2021.
Bốn năm nay anh Dương trở về Việt Nam, vừa trực tiếp nghiên cứu và kết nối, tạo ra mạng lưới các nhà khoa học trẻ, cùng thực hiện các đề tài nóng bỏng liên quan tài nguyên nước và môi trường, như sạt lở bờ biển, biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn do hạn hán, nhất là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại Đại học Văn Lang và Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), tiến sĩ Dương đã cùng cộng sự thực hiện hơn 80 bài báo khoa học, đăng trên các tạp chí uy tín hàng đầu thế giới.
Anh Dương thổ lộ trước đây không hề biết quy trình để xuất bản một bài báo quốc tế thuộc hệ thống ISI hoặc Scopus, cho đến khi làm nghiên cứu sinh, được các giáo sư nước ngoài chỉ giáo.
Khi đã rõ đường đi nước bước trong thực hiện đề tài nghiên cứu, công bố khoa học, anh muốn đem quy trình ấy về Việt Nam để chia sẻ với trí thức trẻ quê nhà.
Lựa chọn trở về là một sự cân nhắc cân não, anh thú nhận như vậy khi có người hỏi vì sao không ở lại các nước phát triển để tri thức đã học được áp dụng hiệu quả và phát triển bản thân hơn?
Anh Dương lý giải: ở lại tất nhiên thuận lợi, môi trường và chế độ tốt hơn, nhưng Việt Nam cũng là mảnh đất màu mỡ cho những người có trình độ học thuật phát triển vì đang có nhiều vấn đề mang tầm quốc gia, khu vực cần được đặt lên kính hiển vi khoa học để mổ xẻ, nghiên cứu một cách nghiêm túc.
Tiến sĩ Trần Ánh Dương đang cùng một số nhà khoa học Việt Nam, trong đó có những người trẻ là đồng nghiệp hoặc sinh viên, và các nhà khoa học nước ngoài cùng chung tay phát triển mạng lưới nghiên cứu nhiều vấn đề liên quan đến tài nguyên nước, xói lở bờ biển, hạn mặn...
Anh Dương cho biết mô hình nhóm nghiên cứu như các nước phát triển có cấu trúc hình tháp với giáo sư đứng đầu nhóm nghiên cứu, các nghiên cứu viên sau tiến sĩ, các nghiên cứu sinh tiến sĩ và các trợ lý nghiên cứu viên trình độ đại học hoặc thạc sĩ. Hiện tại ở nhiều nơi tại Việt Nam chưa có mô hình này.
Do vậy anh đề nghị cần sớm xây dựng theo tiêu chuẩn này cũng như bổ túc hệ thống phòng thí nghiệm, thiết bị máy móc hiện đại có thể thực nghiệm những thí nghiệm phức tạp. Từ đó các nhà khoa học Việt Nam sẽ có thêm những nghiên cứu, đóng góp khoa học thực tiễn hơn, không chỉ về mặt lý luận mà còn ứng dụng từ các công trình của mình.
TTO - Bài báo khoa học của sinh viên Lê Ngọc Huy - Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM) - đã được chấp nhận đăng trên tạp chí IEEE Access (Mỹ).
Xem thêm: mth.82845016180103202-coh-aohk-oab-iab-gnuhn-iov-ned-ert-nab-ion-tek/nv.ertiout