Nhận được sự đồng ý của tất cả thành viên hiện thời là điều kiện bắt buộc để vào NATO. Thụy Điển và Phần Lan cùng nộp đơn xin gia nhập, song những vấn đề giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển đang kéo chân cả Phần Lan.
Hôm 23-1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố Thụy Điển không nên mong đợi sự ủng hộ của Ankara sau cuộc biểu tình gần Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Stockholm vào cuối tuần trước.
Một bản sao kinh Koran đã bị đốt trong cuộc biểu tình, khiến Thổ Nhĩ Kỳ và nhiều nước Hồi giáo tức giận. Sự việc xảy ra chỉ vài tuần sau khi một nhóm người Kurd treo ngược hình nộm của ông Erdogan trước Tòa thị chính Stockholm.
Những vấn đề giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến Phần Lan lo lắng cho con đường vào NATO.
"Chúng ta cần phải đánh giá tình hình. Chẳng hạn về lâu dài liệu có điều gì đó sẽ xảy ra và ngăn cản Thụy Điển tiến về phía trước hay không?", Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto nói với đài truyền hình Yle ngày 24-1.
Phát ngôn của ngoại trưởng Phần Lan đã gây lo lắng ở Thụy Điển. Ngoại trưởng Tobias Billstrom của Thụy Điển cho biết ông đã liên lạc với Helsinki để hiểu rõ chuyện gì đang xảy ra.
Ông Haavisto sau đó đã phải lên tiếng giải thích, khẳng định vẫn ưu tiên mục tiêu cùng vào NATO với Thụy Điển. Ông khẳng định vẫn còn quá sớm để nói Phần Lan sẽ đi một mình vào thời điểm này.
"Nhưng tất nhiên trong tâm trí của chúng tôi lúc này, chúng tôi vẫn đang nghĩ về những viễn cảnh khác, khi mà một số quốc gia bị cấm gia nhập vĩnh viễn", ngoại trưởng Phần Lan nói đầy ẩn ý.
Ông cũng đồng thời chĩa mũi nhọn về phía Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng chính quyền Erdogan đang làm to chuyện để kiếm phiếu. Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu tổng thống và quốc hội vào giữa tháng 5-2023.
Ankara đã ký một biên bản ghi nhớ với hai quốc gia Bắc Âu vào cuối tháng 6-2022, mở đường cho quá trình kết nạp.
Nhưng Ankara tuyên bố các yêu cầu của họ vẫn chưa được đáp ứng, đặc biệt là chuyện dẫn độ một số người từ Thụy Điển và Phần Lan nằm trong danh sách "khủng bố" của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện rõ sẽ không phản đối Phần Lan gia nhập NATO.
Tại Helsinki, giới chức Phần Lan đã nhiều lần bác bỏ chuyện gia nhập NATO mà không có Thụy Điển, nhấn mạnh lợi ích của việc hai nước Bắc Âu trở thành thành viên cùng lúc.
Nhưng "sự thất vọng đã tăng lên ở nhiều nơi tại Helsinki" và "lần đầu tiên người ta nói to rằng có những khả năng khác", ông Matti Pesu, một nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ quốc tế Phần Lan, nói với Hãng thông tấn AFP.
"Đã có một sự thay đổi trong quan điểm của Phần Lan - ông Pesu nói - Họ đang nói rất to kế hoạch B của mình".
Nga thông báo sẽ hạ cấp quan hệ ngoại giao với Estonia, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cáo buộc nước này "hoàn toàn bài Nga".
Xem thêm: mth.8713339142103202-b-hcaoh-ek-gnab-otan-oav-hnit-nal-nahp-nac-yk-ihn-oht-ib/nv.ertiout