Chứng khoán Việt Nam vừa có một năm bão táp, ông dự cảm thế nào về diễn biến thị trường trong năm mới Quý Mão 2023?
Tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2023 có nhiều thách thức xen lẫn các cơ hội. Nửa đầu năm, nhiều khả năng thị trường vẫn sẽ ảm đạm do các yếu tố rủi ro hệ thống tiếp diễn như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột tại Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát, tỷ giá và lãi suất.
Việc tăng mạnh lãi suất điều hành và xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa ở nhiều quốc gia dẫn đến nguy cơ suy thoái kinh tế và rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng. Kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động, do có độ mở cao và khả năng chống chịu trước các cú sốc bên ngoài hạn chế.
Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, những yếu tố rủi ro từ vĩ mô thế giới có thể giảm dần và giúp thị trường khởi sắc trở lại. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể ngừng nâng lãi suất từ giữa năm 2023 khi lạm phát hạ nhiệt, duy trì mặt bằng lãi suất 5%/năm tới cuối năm. Điều này giúp cho tỷ giá USD/VND duy trì ổn định và giảm áp lực rút vốn của khối ngoại.
Mặt bằng lạm phát trong nước cũng có thể duy trì ở mức thấp cùng với xu hướng giá cả hàng hóa toàn cầu. Lạm phát và tỷ giá ổn định là điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước có nhiều dư địa cho chính sách tiền tệ trong năm tới, tháo gỡ nút thắt về thanh khoản trong nền kinh tế.
Thị trường đang ở vùng giá hấp dẫn so với lịch sử và nhiều cơ hội đầu tư dài hạn được mở ra. Dòng tiền sẽ phân hóa rõ nét vào từng nhóm ngành, nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng riêng.
Ông đánh giá thế nào về sự dịch chuyển, cơ cấu lại dòng tiền lớn giữa các kênh đầu tư trong thời gian tới?
Ông Lê Sơn Tùng, Quyền Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Agribank. |
Sau khi Fed và hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới nâng lãi suất từ nửa đầu năm 2022, xu hướng rút vốn tại các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản... diễn ra khá rõ nét.
Tại Việt Nam, thanh khoản nửa cuối năm đã giảm gần một nửa so với đầu năm. Thị trường bất động sản cũng đang trải qua một giai đoạn trầm lắng cả về số lượng dự án triển khai lẫn lượng giao dịch.
Đang có những điểm nghẽn dòng tiền trong năm 2022 khi một lượng tiền lớn đang bị kẹt tại kênh bất động sản hay trái phiếu doanh nghiệp; cung tiền tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2012.
Nửa đầu năm 2023, có thể chứng kiến dòng tiền quay lại kênh tiền gửi khi mặt bằng lãi suất tiền gửi đang ở mức cao. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, khi mặt bằng lãi suất ổn định trở lại và vấn đề tắc nghẽn thanh khoản dần được tháo gỡ, xu thế đảo chiều có thể diễn ra và dòng tiền sẽ quay trở lại thị trường chứng khoán.
Xét trong các kênh đầu tư, chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn trong trung, dài hạn khi Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7%, mặt bằng định giá thị trường ở vùng hấp dẫn với nhiều cổ phiếu có nền định giá thấp nhất trong nhiều năm gần đây.
Thị trường chứng khoán vẫn chịu tác động từ bên ngoài như cuộc đua tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương, trong nước là việc siết chặt các quy định về thị trường trái phiếu, cùng với đó là mặt bằng lãi suất cả huy động lẫn cho vay đang tiếp tục tăng lên. Với góc nhìn của ông, đâu là những yếu tố nhà đầu tư cần lưu tâm trong năm nay?
Câu chuyện lãi suất và dòng tiền là những yếu tố quan trọng nhà đầu tư cần lưu tâm trong năm 2023. Khi mặt bằng lãi suất ở mức cao, dòng tiền có xu hướng rút khỏi thị trường chứng khoán. Gần đây, Ngân hàng Nhà nước điều hành theo hướng thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô trước những áp lực của tỷ giá, lạm phát. Song tôi kỳ vọng nửa cuối năm 2023, Fed sẽ dừng tăng lãi suất khi kiểm soát được mức lạm phát thấp hơn lãi suất điều hành, giúp Việt Nam có nhiều dư địa để triển khai nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, hỗ trợ thanh khoản cho nền kinh tế và thị trường chứng khoán.
Ngoài ra, giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo hiệu ứng lan tỏa đến các nhóm ngành. Với kế hoạch đầu tư công năm 2023 được phê duyệt và quyết tâm của Chính phủ, kỳ vọng tiến độ sẽ được đẩy nhanh và là nhân tố giúp thị trường chứng khoán khởi sắc.
Năm qua, có những thời điểm, thị trường bị hẫng đi vì thanh khoản cạn kiệt. Theo ông, làm thế nào để kích thích dòng vốn cho thị trường?
Tôi cho rằng, để kích thích được dòng vốn cho thị trường, điểm mấu chốt nằm ở việc khôi phục lại niềm tin của nhà đầu tư thông qua đẩy mạnh minh bạch hóa thị trường, đồng thời xử lý những điểm tắc nghẽn dòng tiền trong năm.
Các điểm nghẽn của kênh trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản khó có thể sớm khơi thông khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện và hạ tầng chưa đồng bộ. Với các yếu tố vĩ mô quốc tế sẽ thuận lợi hơn từ nửa cuối năm 2023, tôi kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ có nhiều dư địa để điều chỉnh chính sách tiền tệ linh hoạt, qua đó giải quyết vấn đề thanh khoản trong nền kinh tế.
Tiếp đó, các khoản giải ngân đầu tư công các năm gần đây chậm hơn so với kỳ vọng và tiền tồn kho ngân quỹ đang ở mức cao, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế. Việc quyết tâm giải ngân đầu tư công của Chính phủ được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho tăng trưởng dài hạn nền kinh tế cũng như khơi thông lại dòng vốn cho thị trường.
Cuối cùng, để kích thích dòng vốn vào thị trường thì yếu tố nhà đầu tư nước ngoài cũng hết sức quan trọng. Đẩy nhanh hoàn thiện khung pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin cũng như tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường chứng khoán sẽ giúp thu hút dòng vốn ngoại cũng như giúp nâng cao khả năng được nâng hạng lên thị trường mới nổi của Việt Nam.
Vậy, nhà đầu tư nên chọn hướng tiếp cận theo chủ đề đầu tư như thế nào trong năm mới?
Thị trường chung giảm mạnh thời gian vừa qua đã mở ra nhiều cơ hội tích lũy cổ phiếu đầu ngành với nền tảng cơ bản tốt và có mức chiết khấu sâu đưa định giá trở nên hấp dẫn hơn. Những cổ phiếu đầu ngành thường là những doanh nghiệp hoàn thiện chuỗi giá trị, có nền tảng tài chính lành mạnh, kết quả kinh doanh tăng trưởng bền vững. Đây là những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh lớn và có thể tồn tại trên thị trường trong những giai đoạn khó khăn nhất.
Ngoài ra, năm 2023 các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu và tiêu dùng có thể chững lại khi kinh tế các nước đối tác suy thoái và tiêu dùng trong nước khó tăng mạnh như năm trước. Giải ngân đầu tư công được kỳ vọng trở thành trụ cột mới cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tới. Đầu tư công đem lại tính dẫn dắt và lan tỏa trên nhiều nhóm ngành, trong đó những nhóm ngành hưởng lợi trực tiếp có thể kể đến là xây dựng hạ tầng và vật liệu xây dựng (đá, xi măng, thép).