Họ còn bàn thêm: ông Đạo nói nên bỏ chữ "số", chỉ cần dấu 0 vì đó là một ký hiệu kỳ bí, dùng để ghi cái "không có gì để ghi", chỉ cái trống rỗng, chứ không là con số như loài người gán ghép. Hoặc chính xác hơn là bỏ luôn cái ký hiệu tròn trống hốc ấy. Đừng đánh dấu cái không có dấu vết.
Ông Núi, trưởng bản, nghe đồn từng gặp ông Đạo, ra vẻ rành rẽ: "Chỉ những đêm không trăng, mồng một, hoặc ba mươi tối như mực bóng của ổng mới xuất hiện ở bìa rừng, chập choạng như một dấu phẩy hơn là số không.
Dù là không, nhưng ổng tồn tại thật chứ chẳng là hư vô như số 0. Ổng là người, không phải hồn ma bóng quế. Ổng có một thân xác nhưng hình như không thể cùng lúc vừa tồn tại, vừa là số 0, nên ổng cứ như sương khói chập chờn giữa trần ai này".
Ông này chắc không chỉ là trưởng bản mà có thể còn là thầy mo, Nam lặng lẽ vừa liên tưởng vừa nghe ông Núi giảng giải khi đến hỏi thăm về ông Đạo. Ổng triết lý và thuyết pháp như là đệ tử ruột của ông Đạo chứ chơi đâu.
***
Đám đông thường tề tựu giữa đêm hoang liêu ở cái quán tranh lưng chừng dốc núi chờ đợi. Họ ngước nhìn chăm chăm vào cái bìa rừng cuối con dốc ngóng cái vết phẩy run rẩy ấy xuất hiện.
Họ đốt lửa tề tựu quanh các đống củi rừng bừng bừng cháy, rải rác đây đó thoang thoảng có mùi trầm hương bảng lảng. Có người thiền định, có người lặng im, có người lầm bầm cầu kinh. Có người đùa nghịch nho nhỏ. Có người đang ăn uống và cứ ngọ nguậy đợi chờ ra vẻ sốt ruột...
"Họ chờ cái gì vậy?", một giọng thều thào từ bóng đen ngồi khuất trong góc tối gần lùm cây làm Nam giật mình.
"Chú hỏi kỳ hén! Chứ chú đến ngồi đây làm gì, thì họ cũng làm y vậy đó", Nam tếu táo rồi thấy hơi giận mình, lại đùa không đúng lúc. Muốn chuộc lỗi nên Nam tiếp: "Một số là kẻ tò mò nghe đồn ông Đạo bí ẩn nên đến xem sao. Một số thì đi... săn", Nam lúng túng, không biết cái bóng nơi góc núi này có hiểu không.
"Săn... Săn thú rừng?". "Không chú ơi, giờ ở dưới đô thị người ta có nhiều kiểu săn: săn hình của chính mình, săn mây trên cao nguyên Đà Lạt, săn hoa tam giác mạch ở Tây Bắc, săn... Nói chung là họ đi săn bằng máy ảnh, đi chụp hình của mình và các điều kỳ lạ đó chú".
"À, hình ảnh. Họ đi săn hình, chụp bóng...", bóng đêm gục gật. Nam chợt nhận ra ông này đích thị người miền Trung xưa, họ hay gọi chụp hình là... chụp bóng. Mà nghe có lý chứ, cái trong mấy tấm hình đâu phải là thật, nó chỉ là cái bóng của sự thật thôi. Selfie thực ra là tự sướng với cái bóng của mình.
"Rồi có một số người đến cúng bái, cầu xin. Nhưng cũng có vài người đến để chiêm bái...". Nam kết thúc việc liệt kê lý do tụ tập của đám đông ở nơi kỳ quặc, vào lúc kỳ quặc, với các lý do cũng kỳ quặc.
Cái bóng gục gật ra vẻ đã hiểu.
Lạ nhất là đúng lúc giải thích cho người khác hiểu thì Nam nhận ra mình đang không hiểu lý do của chính mình. Làm báo chuyên viết phóng sự, Nam lang thang đây đó tìm đề tài, ở đâu có gì là lạ, kỳ quặc thì nhào tới.
Lúc nghỉ chân ở thị xã sát tỉnh lộ dưới kia thì nghe người ta kháo về ông Đạo 0, cạnh cái lý giải về "cái không" lúc nãy của ông Núi, người ta còn nói: Đạo của ông này là "không chấp nhận mặt trời", "không đội trời chung với mặt trăng", Nam giật bắn cả mình than thầm: trời đất, thằng cha này gàn hết ý.
Nhưng mà hay thật chứ, đề tài kỳ lạ, lôi cuốn, bởi mấy ai dám tuyên bố xanh rờn thế. Vậy là Nam bắt cái xe ôm vượt nửa ngày đường theo dốc núi quanh co lên đến cái xóm này lúc vừa chập tối. Giờ ngồi đây giải thích cho cái ông bác kia xong Nam lại bật cười: mình bỏ công đi viết về một thằng cha gàn sao...
"Cậu bảo họ về đi. Tối nay ổng không ra đâu", cái bóng thì thầm. Nam bật dậy quay đầu thấy cái bóng người vừa nói đang đi về phía chiếc quán tranh giữa dốc. Nam vùng chạy theo, có nguồn tin rồi...
***
Ông bán quán đã vào cuối tứ tuần. Là giáo viên dưới xuôi leo lên vùng ngược mang con chữ đến cho bọn trẻ vùng cao. Hai mươi năm ngụp lặn với rừng, núi, mưa lầy trơn trượt, đất lở, lũ quét và đám học trò nhếch nhác, thầy quên mất đường về xuôi.
Lãnh lương hưu một cục, thầy mở cái quán nhỏ lưng chừng dốc này để mua bán vài thứ tạp hóa hay tạp nham cho lũ người đi rừng, đi buôn lậu, đi qua lại đâu đó giữa cái chốn ta bà này. Kệ họ. Ma rừng hút hồn họ cũng như hút hồn mình, vậy thôi, khỏi thắc mắc.
Hai năm trước lúc đêm rừng đã phủ kín đất, có ông già từ trên núi liêu xiêu bước vào quán. Ổng mua ít đồ tạp hóa linh tinh rồi nhìn mấy gói cà phê "ba trong một" phủ bụi nằm trên kệ ngập ngừng hỏi: "Anh có bán cà phê không vậy?".
Ông quán tức cười: "Để đó là bán đó chú". Ông già hơi lúng túng: "À không. Tôi hỏi anh có nấu nước sôi rồi pha cà phê để ngồi đây uống không?". À mình chỉ bán tạp hóa, giờ lại có người muốn thành quán cà phê rừng, tại sao không nhất là trong đêm rừng đơn độc này: "Dạ, nếu chú muốn thì tôi pha".
Khi hương cà phê xộc lên xua tan sự hoang dã ra khỏi túp lều tranh thì ông quán mới nhận ra người khách già. "Thầy... Có phải thầy Tịnh không ạ?", vừa đặt cái ca sắt nóng hổi, cáu ghét nhưng thơm lừng từ hai gói cà phê xuống cái bàn tre, ông quán vừa thảng thốt hỏi.
"Ủa, anh biết tôi?", giọng khách già không ngạc nhiên mà lại thoáng bùi ngùi, chắc ổng quá già yếu để ngạc nhiên, nhưng lại dễ cảm động khi giật mình nhận ra chính mình qua tiếng nhắc của một người quen biết xa xăm nào đó.
"Dạ con học trung cấp sư phạm dưới tỉnh, thầy dạy con môn vật lý. Con là Công, lớp...", chưa nói hết câu đã nghe khách già quơ tay: "Anh, anh à... Ký ức tôi nó tan biến cả rồi. Thôi anh nhớ là được rồi, tôi...", ông lắc đầu không hết câu.
Thầy trò thành hàng xóm từ đó. Một tháng hai lần khách già lại từ bìa rừng bước ra vào lúc đêm và rừng tan vào nhau. Bên ánh đèn dầu chập choạng ở chiếc quán cửa rừng, lưng dốc núi, ông quán lại đun cà phê tiếp thầy.
Trong đêm miên viễn, thầy trò đàm đạo về cuộc tìm kiếm vô vọng nổi tiếng một thời của thầy Tịnh: cuộc tìm kiếm thời gian.
Ông quán từng có tên Công hồi là sinh viên rồi làm thầy giáo vùng cao vẫn nhớ như in dáng của thầy Tịnh đi băng qua sân trường lúc nào cũng lầm bầm quơ tay như đang thuyết giảng gì đó. Đám sinh viên hay nhìn nhau cười và kháo rằng thầy đã bị Einstein nhập và đang tranh luận với Einstein về sự tồn tại của thời gian.
Dạy vật lý, môn học xem thời gian như một đại lượng cơ bản, nhưng thầy rất nghi hoặc thời gian.
Có thằng Đại láu cá một hôm tranh luận lại: "Thầy ơi hôm nay là mồng 1 tháng 1 năm 1995 sờ sờ đây mà thầy", thầy đáp lại liền: "Đó là lịch, không phải là thời gian. Đó chỉ là đánh dấu thời gian. Cái bóng của thời gian...".
Thằng Đại cứng họng và đám sinh viên như Công lần đầu tiên cũng giật mình nhận ra cái sự hay đồng hóa của mình, cứ nghĩ thời gian là mấy con số ghi trên tờ lịch.
Hôm duy nhất Công không thấy thầy trầm tư lẩm bẩm mà ngồi bất động như một xác ướp là bữa đến viếng cô. Cô Tâm vợ thầy đột tử. Từ đó cho đến khi biến mất, sinh viên không còn thấy thầy lầm bầm thuyết giảng tranh luận với Einstein nữa. Thầy xẹp xuống như một cái bong bóng đang bị rò rỉ hơi. Thì ra từ lúc lẻ bạn thầy đã lên ở ẩn trong khu rừng trên đỉnh núi này.
"Thầy ơi, thầy có còn nghi kỵ thời gian không?", ông quán rụt rè hỏi. Không thấy thầy già đáp, ông quán khích: "Hôm thầy chặn thằng Đại về thời gian khác với đánh dấu thời gian, con thấy lạ nhưng chưa hiểu rõ lắm. Như bây giờ là thứ ba, là tháng 8, là năm thứ 2022 sau Công nguyên. Mọi cái đều rành rành...".
"Thứ ba là vì anh gom bảy ngày rồi gọi là tuần, bắt chước chuyện Chúa tạo ra thế gian trong sáu ngày rồi nghỉ ngơi ngày thứ bảy trong sách Sáng Thế của kinh thánh, chứ nền văn minh cổ của Trung Hoa, Ấn Độ, Ả Rập đâu có tuần kiểu này...". Thầy già cứ nhấm nháp cà phê và lầm bầm. "Còn tháng là vì anh quan sát mặt trăng, mọc lặn theo chu kỳ, đếm đúng 12 lần thì thời tiết lặp lại, nên anh bảo có 12 tháng...", ông lại lầm bầm.
"Còn anh cứ bảo là năm 2022 ư? Đó là lịch phương Tây với văn minh Kitô giáo, họ đánh dấu thời gian từ lúc Chúa giáng sinh. Khi nền văn minh Kitô theo chân phương Tây truyền bá khắp thế giới thì anh cũng tiếp nhận thế.
Chứ anh biết đối với người Ai Cập, họ sẽ nói năm này đã là năm 6258 theo lịch cổ Ai Cập, lịch Do Thái là năm 5784, lịch Maya cổ là năm 5141, Phật lịch là năm 2566, lịch của đạo Hồi là 1442, riêng âm lịch thì khỏi tính số mà gọi là năm con cọp... Người ta chỉ đánh dấu thời gian theo quan niệm của mình thôi".
Ổng còn vặn lại: "Anh có biết cái ngày tháng mà anh tưởng thiêng liêng đó đã bị đục bỏ mất 10 ngày không?".
"Thầy nói gì con không hiểu?", ông quán chưng hửng.
"Thì trong cái 2022 năm đó của anh không có 10 ngày từ 5 tháng 10 năm 1582 đến 14 tháng 10 năm 1582 chứ sao nữa...", ông nói tỉnh bơ.
"Không có tồn tại mười ngày này sao thầy?".
"Không, từ ngày 5 sẽ nhảy luôn lên ngày 15, đục bỏ đi mười ngày. Đó là lệnh của Giáo hoàng Gregory, vì sao anh biết không? Vì lịch của con người đã chạy quá sai so với vòng quay của thiên nhiên, và nếu không bỏ đi bớt mười ngày ấy thì mùa vụ sẽ sai, lễ lạt sẽ sai...". Ái chà ông Quán chưa biết điều này nhưng giờ đã bắt đầu nghi ngờ thời gian của phương Tây rồi.
"Thế một ban ngày, rồi một đêm, trôi qua tạo thành ngày, 24 giờ, ai cũng thấy?", ông Quán hỏi tiếp. Thầy đáp: "Đó là vì có cái mặt trời đứng giữa, trái đất tự quay, sáng là lúc ta quay về mặt trời, tối thì ngược lại. Đi nơi khác trong vũ trụ, đâu còn mặt trời mà có kiểu ngày này".
"Tôi e rằng ban ngày là thời gian giả do mặt trời ám vào con người", ông nghi ngờ mặt trời cũng từ đó. Đêm đó, cuộc trao đổi dừng lại.
Khách già bẵng đi ba tháng. Khi lần mò xuống lại quán, ông uống một lúc 4 gói cà phê. Thẫn thờ, ông than: "Vấn đề không phải là mặt trời. Tôi đã ở trong bóng đêm suốt ba tháng... Tôi ngủ trong hang núi tối như mực vào ban ngày và chỉ sinh hoạt vào ban đêm.
Cuối cùng nhận ra tôi chỉ thay đổi ngày thành đêm thôi chứ vẫn bị thời gian điều khiển. Chắc vẫn còn mặt trăng? Nó vẫn đến mỗi đêm, tròn vào ngày rằm và mất vào đầu tháng", ông lại trách mặt trăng.
Bẵng đi ba tháng sau, ông lại xuất hiện. "Thầy lại thua mặt trăng rồi sao?". "Tôi ở trong hang tối suốt ba tháng, không trời, không trăng, thế mà thời gian vẫn gõ nhịp trong tôi".
"Nghĩa là sao, thưa thầy?". "Tôi vẫn ngủ một nửa ngày và thức một nửa ngày. Tôi vẫn nhận ra thời gian...", ông nói hắt ra trong tuyệt vọng. "Rồi cuối cùng ông đã tìm thấy gì, thưa chú?", Nam hồi hộp hỏi ông quán khi hớp ngụm cuối cùng của cốc cà phê đã bắt đầu nguội.
Ông quán yên lặng chặp lâu rồi nói: "Ổng bảo rằng chúng ta dường như bị nhiễm một con vi rút hay bị cấy một thiết bị tạo nhịp vào trong tiềm thức. Con vi rút đó nó gõ nhịp cho cuộc sống của chúng ta để mọi cái trong cơ thể hoạt động đồng bộ: tim phải bóp bao nhiêu lần, phổi phải thở bao nhiêu khắc, tế bào sau bao nhiêu khắc thì phân đôi, bao nhiêu khắc thì tự hủy, giấc ngủ bao nhiêu khắc thì thức, cái bụng bao nhiêu khắc thì đói, sinh dục bao nhiêu khắc thì tiết ra hóc môn đòi hỏi...", ông quán nuốt nước bọt cho vơi cảm giác đắng chát trong miệng.
"Rồi sao nữa chú?", Nam thấy tim mình bị bóp nghẹt và không còn nghĩ đây là điều gàn dở. Ông quán yên lặng nhìn vào bóng đêm buồn thẳm. "Ổng bảo thời gian là một ảo ảnh, hình như nó là chiếc bóng của một sự thật nào đó đang chi phối, điều khiển chúng ta".
"Chú, chú có nghĩ mình là một con robot do một sinh vật vĩ đại nào tạo ra và cấy con vi rút thời gian vào không?", Nam thở hổn hển khi hỏi. "Tôi không biết. Nhưng tôi thấy ổng toát ra một nỗi khiếp sợ... Hình như ổng đã thấy ra một điều gì đó quái dị lắm. Và ổng biến mất từ buổi tối sau cùng đó".
"Vậy ổng có dặn dò gì không?". "Ổng bỏ lại một cuốn sổ nhàu nát mà ở đầu trang có ghi một câu nghe như tiếng khóc: mình là trống rỗng, là hư vô, là số không... Cạnh đó là câu trích dẫn của giám mục, nhà triết học Berkley: ...mọi đối tượng vật chất, cả không gian và lẫn thời gian chỉ là một ảo ảnh. Kế tiếp là trích dẫn ghi của Jacques Le Goff: Thời gian chỉ thuộc về Thượng đế và chỉ có thể được dùng để sống.
Kiểm soát nó, đo đếm nó, hoặc biến nó thành tài sản, hoặc dùng nó để chiếm lợi thế là một tội lỗi. Còn chiếm đoạt, dù một phần của nó thôi cũng là hành vi trộm cướp...". Ông quán nói tiếp: "Tôi phải mất một buổi xuống núi đến chỗ có sóng ở thị xã để tra Google mới biết cái ông Goff này là một nhà sử học khá huyền bí ở Pháp hồi đầu thế kỷ trước".
"Ông quán ơi, ông quán ơi...". Có bóng người đàn ông xồng xộc đi vào làm ngắt cái lặng câm đang chiếm hữu hai người đàm đạo: "Đêm nay thầy có hạ sơn không ông quán?". À ông Núi trưởng bản ban chiều đã giảng giải cho Nam về cái bí ẩn của Đạo 0 đây mà.
Ông Núi khựng lại trước sự bất động của hai con người trông đang bần thần ngồi giữa cái không khí trầm tư nặng trịch của quán tranh rừng. Ngồi xuống cùng lặng yên, ông lấy lại được chút bình tâm, rồi không kìm được ông nói như rên: "Bao nhiêu người tìm đến chiêm bái ông Đạo kia kìa...".
Cái chất tiêng tiếc trong giọng rên của Núi làm Nam giật mình: phải rồi câu chuyện đầy huyễn hoặc về Đạo 0 đang giúp bản làng quanh đây sống động cả lên. Hồi chiều Nam thấy bao nhiêu người dẫn đường cho khách leo núi lên đây cũng kiếm được rủng rỉnh, mấy người dân có xe gắn máy nhanh nhảu chạy ra thị trấn đón người đến làng. Có người nấu mấy nồi khoai sắn bán cho khách hành hương ở nơi không hàng quán.
Còn cái quán rách ven rừng này của ông quán thì khỏi nói, nó thành điểm định vị cho đoàn người hiếu kỳ, hay hành hương hướng đến. Ông quán bán đến chẳng còn một món gì trong cái tồn kho vốn đã rất hẻo của mình... Ông trưởng bản này không rên lên vì tiếc mới là lạ. Ông Đạo đang giúp cho ông xóa đói giảm nghèo mấy cái bản làng hiu quạnh của mình mà.
"Ông quán...", sau một hồi chờ đợi cho nhịp của họ đều vào nhau, ông Núi nói giọng đã bình thản lại: "À, à... Thầy Công, dạ, thầy đã lên đây với lũ trẻ bản làng hai mươi năm rồi, tôi ơn thầy mấy kiếp chứ. Nhưng, thầy đã thương thì thương cho trót. Ông Đạo là bạn thầy, ô không, xin lỗi, ông Đạo là thầy của thầy.
Chỉ mình thầy được gặp ông. Đêm nay mà ông không hạ sơn nữa thì tôi hết đường. Khách hành hương đã mỏi mòn đợi ba ngày rồi. Mấy đứa học trò của thầy bây giờ đã có con cái cần phải nuôi. Tụi nó đang mừng rơn vì có cơ hội để làm, làm du lịch cải thiện cuộc sống cho con cái. Có đứa còn đang bàn đến cái "hôm...hôm...tay" gì đó".
"Homestay...", Nam đính chánh giùm cho ông Núi, mà lòng cũng thoáng chút bực dọc: hồi chiều ổng thuyết cho mình quá hay về ông Đạo, vậy mà té ra ổng chưa hề gặp ông Đạo lần nào. Bực thì bực nhưng thấy cũng tội, có thể ổng phải thuyết như vậy để tăng thêm phần bí ẩn mà kéo người ta đến với bản mình. Cảm thông nên Nam cũng quay về phía thầy Công nhìn thành khẩn để chia sẻ với ông Núi.
Sau một hồi yên lặng như tượng đá và một hơi thở dài thườn thượt, ông quán đứng dậy, đốt cây đuốc rừng, bước vào bóng đêm hướng sâu vào rừng. Ông Núi bật dậy khấp khởi chạy vội về phía đám người hành hương đang chờ đợi, nói nhỏ vào tai từng nhóm người rồi yêu cầu mọi người dập những đám lửa trại đang nhóm, chỉ cầm cây đuốc rừng nhỏ mà họ phải mua lúc ban chiều từ người dân bản để đi theo ông.
Một hàng dài những bó đuốc rực cháy làm nô nức cả đêm rừng hướng lên con dốc tiến sát về cửa rừng nơi ông Đạo thường xuất hiện xuống núi mọi khi.
Nam phóng tầm mắt về phía đó và giật mình nhận ra một chiếc bóng nhỏ liêu xiêu như một dấu phẩy chập chờn ở cửa rừng... Ông Đạo đã hạ sơn thật.
***
Nam đi theo ông quán trong cái se lạnh của núi rừng làm ngày như bần thần mãi không chịu sáng, cứ tờ mờ, tủn mủn vương vấn đêm. Đêm qua ai cũng mệt sau cái phấn chấn mê hoặc của bài thuyết pháp từ một vết mờ chập choạng ngồi trên một tảng đá cao xa xa ẩn hiện trên nền rừng ma mị.
Dù vậy, Nam vẫn quyết chưa đi ngủ và ngồi lại bên cái quán tranh chờ chủ nhân. Thấy ông quán xuất hiện, Nam phải chạy bở hơi tai để đuổi kịp guồng chân khỏe của ông trung niên này khi xuống dốc núi trơn trượt.
"Chú ơi, sao đêm qua chú nói bảo họ về đi, ổng không ra đâu. Sao ổng lại ra?". Ông quán cứ guồng chân, bắp chân gồng lên, gót chân trì xuống thoăn thoắt đi như trượt trên con dốc pha sét đẫm ướt từ cơn mưa.
"Chú, chú ơi. Sao vậy chú...". Nam té đánh huỵch rồi vùng dậy chạy bám theo, có lúc đúng là Nam trượt đi trên lớp đường đất đỏ nhòe nhoẹt chứ không còn bước nữa. Ở cuối con dốc khi chuẩn bị vào một khúc quanh, ông quán dừng lại đổi hướng leo lên ngọn đồi thấp để tiến vào cánh rừng ven đường, "Tôi phải vào cánh rừng này hái vài vị thuốc sớm, kẻo nắng lên thuốc giảm vị... Cậu đừng theo tôi nữa nghe!".
Ông quán từ guồng chân để xuống dốc đã nhanh chóng chuyển qua tư thế bấm chân leo lên đám cỏ ướt để chống lại một kiểu trơn trượt khác, đi vào rừng. Nam khựng lại, tuyệt vọng và thiểu não vì đã quá mệt. Bỗng ổng cũng khựng lại, không quay đầu nhưng tư thế đứng lặng yên ấy toát ra cả một trời ẩn khuất. Yên lặng bao trùm một chặp lâu thật lâu.
"Họ đi săn...săn...bóng. Có phải đêm qua anh nói họ đi săn bóng, săn hình... phải không?". Sau cùng, ông bật hỏi.
"Dạ, đúng, đúng... Người ta săn mây, săn cảnh, săn hình bóng của mình và cả những chuyện là lạ", Nam đáp như vô thức.
"Vậy thì họ có rồi. Đó là... cái bóng của ông Đạo". Yên lặng một lúc. Ông tiếp bước và tiếp lời giọng nhừa nhựa, lừng khừng: "Cái đã Không làm sao lại thành Có được... Nó chỉ xuất hiện nhờ phản chiếu qua một chiếc bóng thôi".
Cái giọng đậm chất nhựa và lừng khừng này, Nam nhận ra giống y như chất giọng của người thuyết pháp đêm qua.
Chỉ mới xuất hiện trên văn đàn vào năm 2018, Lưu Vĩ Lân đã liên tục cho ra mắt 4 tiểu thuyết, sớm được ghi nhận như một nhà văn góp phần phác họa gương mặt/ thân phận của lịch sử Việt đương đại.
Bộ ba tiểu thuyết Mật đạo, Ngẫu tượng, Nghiệp chướng của ông đã được trao giải Sách hay 2022, riêng Nghiệp chướng còn đoạt hai giải thưởng văn học năm 2021.
Truyện ngắn Cái bóng được Lưu Vĩ Lân sáng tác khi đang viết tiểu thuyết thứ năm, trước thềm mùa xuân Quý Mão, thật bất ngờ, chính là truyện ngắn đầu tay của Lưu Vĩ Lân.
Cái bóng, một cuộc kiếm tìm, một dấu hỏi lớn, một thổn thức về thời gian - khái niệm đã và sẽ còn khiến nhân loại suy tư dưới cái bóng vô cùng của nó.
Nhận lời mời của một kênh truyền hình, nhóm thương binh Nam, Minh và Thái trở lại đất nước Campuchia. Cơ duyên đến bởi các câu chuyện trên diễn đàn ký ức chiến tranh của họ chuyển thể thành phim tài liệu.
Xem thêm: mth.86033156190103202-gnob-iac-nagn-neyurt/nv.ertiout