Năm Nhâm Dần đã qua đi, chúng ta có thể tự hào mặc dù kinh tế thế giới gặp rất nhiều rủi ro không dự báo trước được, nhưng nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam vẫn ổn định, có tốc độ tăng trưởng GDP cao, thể hiện ở các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tương đối tốt.
Theo Bộ Công Thương, năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc 732 tỉ USD, tăng 10% so với 2021 Ảnh: Hoàng Triều
Du khách tham quan TP HCM trên xe buýt 2 tầng Ảnh: Hoàng Triều
Thế giới biến động. Ngay từ những tháng đầu của năm 2022, tận dụng được thời cơ đà tăng trưởng của những tháng cuối năm 2021, Việt Nam điều hành linh hoạt, chủ động, tạo điều kiện để kinh tế trong nước phát triển, trong khi các tác động của cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine chưa ảnh hưởng nặng tới kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2022, chúng ta có tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối tốt, đặc biệt là ở quý III. Sang đến quý IV/2022 nền kinh tế bắt đầu bộc lộ những khó khăn.
Nhiều quyết định của các quốc gia có nền kinh tế phát triển trên thế giới không xuất phát từ các yếu tố kinh tế mà lại dựa trên các quan điểm chính trị, vì thế dự báo theo các quy luật của nền kinh tế thị trường đều có dung sai lớn. Việc hạn chế nguồn nhiên liệu hóa thạch từ Nga sang EU, đặc biệt là hạn chế khí đốt tự nhiên đã làm cho giá dầu và giá nhiên liệu hóa thạch tăng rất cao, nhưng các nước EU sẵn sàng từ bỏ việc mua nhiên liệu với giá thấp của Nga để mua nhiên liệu giá cao từ Mỹ gấp 3-4 lần với lý giải đây là sự ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga. Khi các biện pháp trừng phạt kém hiệu quả thì họ lại thống nhất áp giá trần với dầu của Nga, điều này không đúng với các quy luật của nền kinh tế thị trường mà các nhà kinh tế học trên thế giới đã viết thành sách giáo khoa.
Những vấn đề nảy sinh trong 2 tháng cuối năm là kết quả tất yếu của lạm phát tăng cao, giá tiêu dùng một số mặt hàng tăng cao, làm cho các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như Mỹ, EU bị ảnh hưởng rất lớn. Do các quốc gia này rơi vào tình trạng lạm phát cao nhất trong vòng 40 năm trở lại đây, tương tự như thời kỳ khủng hoảng dầu lửa năm 1973-1974. Ở góc độ nghiên cứu, chúng ta có thể sơ bộ nhận định nền kinh tế thế giới trong năm 2022 đã bắt đầu chu kỳ khủng hoảng như chu kỳ khủng hoảng dầu lửa những năm 1973-1974. Sự khác biệt của lần này là so với cuộc khủng hoảng dầu lửa lần trước, Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất, còn khủng hoảng lần này thì các nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Từ đó có thể dự báo khả năng phục hồi nền kinh tế hay khả năng đưa ra các giải pháp mới để xử lý cuộc khủng hoảng sẽ chậm hơn, khủng hoảng có xu hướng kéo dài hơn vì Mỹ là quốc gia thu lợi nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng lần này.
Nhiều nhà phân tích kinh tế cho rằng Mỹ sẽ cố gắng duy trì cuộc khủng hoảng lần này ở mức độ có thể kiểm soát được để tạo ra lợi nhuận cho các doanh nghiệp (DN) của họ và làm cho nền kinh tế của các nước EU ngày càng phụ thuộc mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế Mỹ. Ðiều đó cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế thế giới, khả năng tạo ra đột phá về mặt công nghệ như cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 ở thập kỷ 70 của thế kỷ trước sẽ khó xảy ra.
Những con số tự hào. Trong bối cảnh như vậy, một quốc gia có GDP đứng thứ 2 trên thế giới, ngay sát Việt Nam là Trung Quốc, cũng có những quyết sách rất quyết liệt trong việc chuyển đổi nền kinh tế theo mô hình mới dưới áp lực của đại dịch COVID-19 và khủng hoảng địa chính trị toàn cầu. Ðây cũng là những yếu tố tác động rất mạnh tới sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam sớm phát hiện và dự báo được diễn biến của vấn đề nên Ðảng và Nhà nước đã có những chính sách tích cực và hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng bền vững.
Trong 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu đã đạt gần 674 tỉ USD, tăng 11,8%; xuất siêu 10,6 tỉ USD, an ninh lương thực được bảo đảm; đời sống người dân ổn định. Chỉ riêng trong lĩnh vực nông sản, trong 11 tháng Việt Nam đã xuất khẩu hơn 49 tỉ USD, tăng gần 12% so với năm 2021 (riêng gạo đã xuất được gần 7 triệu tấn). Chúng ta vui mừng với kết quả xuất khẩu nông sản trong bối cảnh nhiều nước ở châu Phi và ngay bản thân một số nước ở châu Âu cũng gặp khó khăn trong việc bảo đảm an ninh lương thực, cung ứng hàng hóa thiết yếu cho đời sống người dân, thì đây là những con số đáng tự hào.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được tốc độ tăng trưởng cao trong một thế giới đầy biến động, rủi ro, có thể lý giải bởi 2 nguyên nhân chủ yếu:
Thứ nhất, chúng ta tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường nên vẫn tạo được động lực cho các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài, sản xuất - kinh doanh có lợi nhuận.
Thứ hai, chúng ta đặt mục tiêu vì người dân lên trên hết nên những biện pháp áp dụng, triển khai để hỗ trợ DN, hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch nhận được sự đồng thuận của xã hội, duy trì được chuỗi cung ứng và sản xuất trong nước, vì thế nền kinh tế đạt được những kết quả như đã nêu trên.
Ngay từ đầu quý III/2022, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có 2 buổi làm việc với các tổ chức tài chính quốc tế, các chuyên gia trong và ngoài nước để phân tích và nhận định tình hình. Chúng ta cũng đã sớm dự báo tình hình kinh tế của Việt Nam cuối năm sẽ gặp khó khăn hơn những tháng của quý II và quý III, để từ đó có những chính sách điều hành kinh tế trong nước chủ động, linh hoạt, hiệu quả, như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định giữ ổn định nền kinh tế trong biến động của kinh tế thế giới. Tiếp tục các công việc của năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành mà đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính làm việc với các cơ quan hữu quan của Mỹ và kết quả là tháng 11-2022, Chính phủ Mỹ đã chính thức đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ. Các cơ quan của Mỹ đã kết luận Việt Nam không thao túng tiền tệ nên đã không áp dụng bất cứ điều khoản phòng vệ nào trong điều 301 về phòng hộ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam. Kết quả này tạo điều kiện cho các DN Việt Nam, bao gồm cả DN FDI, có được một thị trường rộng lớn để xuất khẩu.
Tiếp tục tận dụng tốt các cơ hội mới. Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra từ ngày 30-10 đến 1-11-2022 theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một sự kiện đặc biệt quan trọng đối với 2 nước và được dư luận quốc tế rất quan tâm. Ðây là chuyến thăm rất thành công, được các nhà ngoại giao và các nhà kinh tế trên thế giới đánh giá là từ trước tới nay Trung Quốc chưa dành biệt lệ cho bất cứ quốc gia nào, nhưng lại dành cho Việt Nam. Ðiều này được thể hiện qua lễ đón tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, cũng như nhiều hiệp định song phương mở ra nhiều hướng hợp tác cùng phát triển kinh tế giữa 2 nước đã được ký kết. Phía Trung Quốc bày tỏ sự sẵn sàng mở cửa thị trường phía Tây của họ với hơn 600 triệu dân có thu nhập tương đương với thu nhập của Việt Nam cho các DN Việt Nam, nhưng mặt khác cũng đòi hỏi các DN Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của một nước có thu nhập cao trên thế giới.
Trung Quốc đã vươn lên trở thành một cường quốc vũ trụ, vượt qua cả châu Âu và trở thành 1 trong 3 cường quốc vũ trụ của thế giới (cùng với Mỹ và Nga). Có thể dự báo sự hợp tác về công nghệ nguồn giữa Nga và Trung Quốc sẽ ngày càng phát triển. Nga có thế mạnh là có công nghệ nguồn, nền khoa học cơ bản cao nhưng khả năng áp dụng từ nghiên cứu sang sản xuất còn rất yếu. Trong khi đó, Trung Quốc lại có thế mạnh về ứng dụng từ khoa học - công nghệ trong sản xuất rất giỏi. Nếu tận dụng tốt được sự hợp tác Nga - Trung sẽ tạo ra đột phá và cơ hội cho kinh tế Việt Nam phát triển. Ðiều này đặt ra những vấn đề rất lớn cho Việt Nam nếu muốn thực hiện các mục tiêu đã đề ra đến năm 2030 và 2045.
Các quyết định và tư duy phát triển kinh tế phải luôn được cập nhật và thực hiện phù hợp với tình hình biến đổi rất nhanh trên thế giới, tránh tình trạng ngại thay đổi tư duy hành động theo phương pháp cũ. Ví dụ trong tháng 1-2023, Quốc hội sẽ có kỳ họp bất thường lần thứ 2 để thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia. Nhưng chúng ta cần phải thấy rằng các cơ sở dữ liệu được sử dụng để lập quy hoạch tổng thể quốc gia này là số liệu cho đến hết quý II/2022, do đó chưa cập nhật hết các diễn biến, tình hình những tháng cuối năm 2022 và đặc biệt chưa cập nhật được những thành tựu của đất nước trong kinh tế đối ngoại. Vì vậy, khi thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia, chúng ta phải có độ mở để tạo điều kiện cho Chính phủ có khả năng cập nhật linh hoạt các yếu tố mới. Hoặc Chính phủ vừa thông qua quy hoạch đường sắt quốc gia trong tổng thể quy hoạch giao thông Việt Nam, trong đó có quy hoạch tuyến đường sắt 1.435 tốc độ cao Hà Nội - TP HCM. Ðây là tuyến đường sắt dành cho chính nội bộ nền kinh tế của chúng ta. Nếu muốn tận dụng các cơ hội kinh tế đối ngoại mà chúng ta đã đạt được trong những tháng cuối năm 2022 thì phải bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt từ Hà Nội (vùng trọng điểm kinh tế phía Bắc nối với tuyến đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc - Nga sang châu Âu để thoát khỏi tình trạng vận tải quốc tế đơn tuyến là hàng hải như hiện nay).
Nghị quyết kỳ họp Quốc hội thứ 4 Quốc hội khóa XV được Quốc hội thông qua tại phiên bế mạc chiều 15-11-2022 với các chỉ tiêu về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 trên cơ sở các tờ trình của Chính phủ đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, thể hiện mong muốn của Ðảng, Nhà nước nhanh chóng thực hiện được mục tiêu dân giàu, nước mạnh. Nhưng chúng ta cần phải hiểu rõ là trong một thế giới có rất nhiều thách thức và các yếu tố bất định, nên các chỉ tiêu vĩ mô đề ra cho năm 2023, trong đó có chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5% (trên nền tăng trưởng khoảng 8% của năm 2022) là một mục tiêu rất cao.
Chúng ta phải tận dụng tốt những cơ hội mà hoạt động kinh tế đối ngoại đã mở ra trong những tháng cuối năm 2022 để duy trì được sự tăng trưởng ổn định, tạo ra bước đột phá trong hợp tác kinh tế khu vực và trên thế giới. Vượt qua thách thức đã nêu, tận dụng cơ hội mới mở ra, chắc chắn chúng ta sẽ hoàn thành được kế hoạch năm 2023, năm bản lề của thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Quý Mão, năm mới đến, hy vọng mới, thành công mới!
Quốc tế ghi nhận
Nhìn lại năm 2022, chúng ta có thể thấy chỉ 2 tháng cuối năm do tác động trực tiếp và gián tiếp của các biến động kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến kinh tế nước ta. Mặc dù từ cuối quý I/2022 giá nhiên liệu và vật tư đầu vào tăng rất cao, trong cuối quý II lạm phát ở nhiều nước phát triển đã đạt đỉnh so với 40 năm trở lại đây, làm cho chuỗi cung ứng của thị trường bị đứt gãy, ảnh hưởng lớn tới kinh tế Việt Nam.
Trong 2 năm đại dịch COVID-19 (2020 và 2021) nhiều quốc gia trên thế giới từ khủng hoảng dịch bệnh đã trở thành khủng hoảng kinh tế - xã hội. Nhưng chính trong 2 năm này, Việt Nam vẫn duy trì được ổn định xã hội, kinh tế vẫn tăng trưởng dương. Thành tựu này đã được các nhà phân tích kinh tế, các tổ chức tài chính quốc tế ghi nhận.
Xem thêm: mth.81910849160103202-court-aihp-ev-neit-cuht-hcaht-touv/et-hnik/nv.moc.dln