Nghị quyết số 19, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã lần đầu tiên khẳng định nông nghiệp là lợi thế quốc gia.
Khi nói về nông nghiệp Việt Nam, đại diện cơ quan phát triển Liên Hợp Quốc UNDP cũng đã từng nhận định "Nông nghiệp chính là lợi thế kinh tế căn bản của Việt Nam". Nếu có giải pháp đúng, nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam sẽ được biết đến là một cường quốc về nông nghiệp. Một minh chứng rất rõ đó là thời gian qua khi nông sản Việt ra thế giới đã được nhiều quốc gia đón nhận rất tích cực.
Chị Ngô Trân - người dân Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết: "Tôi mong là sầu riêng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhiều vào Trung Quốc. Tôi cũng hy vọng là sầu riêng tự do đi lại khắp nơi để giá giảm xuống cho nhiều người cùng được ăn".
Sầu riêng Việt Nam rất được ưa chuộng tại Trung Quốc.
"Trong siêu thị Costco - một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất tại Mỹ, sản phẩm tôm xuất khẩu của Việt Nam đang được bày bán rộng rãi tại đây", ông Nguyễn Mạnh Hùng - Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, Mỹ cho biết.
"Sau rất nhiều cố gắng và nỗ lực, gạo thương hiệu Việt Nam đã lần đầu tiên có mặt trên 250 siêu thị tại Pháp", ông Vũ Anh Sơn - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cộng hoà Pháp thông tin.
Tại các siêu thị lớn của Pháp, các sản phẩm như thanh long, chanh leo, xả, khế... đều được bày bán rất nhiều. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm các sản phẩm Việt trên các siêu thị của Pháp.
"Tôi rất mong Việt Nam sẽ xuất khẩu quả măng cụt - loại quả được coi là nữ hoàng trái cây. Ở Nhật giờ chỉ có măng cụt đông lạnh", chị Fukuda Sumire - Nhật Bản nói.
Nông nghiệp là lợi thế quốc gia
Nếu chỉ nhìn từ hạt gạo thì những gì diễn ra trong năm 2022 rất đúng với câu nói "mạnh vì gạo bạo vì tiền". Những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới là Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Pakistan và Mỹ... được nhìn nhận là đang sở hữu một sức mạnh mềm. Sau hơn 30 năm xuất khẩu, hạt gạo Việt có mặt ở hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ.
"Rất nhiều quốc gia trong vùng gắn bó chặt chẽ với Việt Nam về nhiều phương diện như Phillipines, Indonesia, các nước Đông Bắc Á đã trông cậy Việt Nam như là một nguồn cung cấp lương thực ổn định.
Trong tình hình chiến tranh diễn ra ở Ukraine và Nga cũng thiếu lương thực, gạo Việt Nam cũng là một nguồn cung cấp lương thực ổn định. Ngoài ra gạo Việt Nam cũng đã tiến vào thị trường khó tính như Mỹ và ngay cả thị trường của Việt Nam cũng trở thành một thị trường tốt cho gạo chất lượng cao", ông Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược, Bộ NN- PTNT cho biết.
Cũng theo ông Đặng Kim Sơn, hạt gạo không những là đóng vai trò là một sản phẩm hàng hóa mà đây còn là một công cụ tốt cho ngoại giao, cho bảo vệ quốc phòng, ổn định chính trị, tạo công ăn việc làm và độ ổn định thị trường trong nước.
"Như vậy từ bước tiến giai đoạn đầu là lo đủ ăn cho đất nước, tiếp đến là tăng thu nhập cho người sản xuất lúa thì đã đến lúc chúng ta phải coi hạt gạo là sức mạnh mềm của đất nước", ông Đặng Kim Sơn nói.
Hạt gạo Việt đã có mặt ở hơn 150 quốc gia, vùng lãnh thổ.
Khi đã xác định nông nghiệp là lợi thế quốc gia, theo ông Đặng Kim Sơn cần tập trung vào xây dựng các vùng chuyên canh. Đây là những vùng mà phù hợp về điều kiện tự nhiên, thích hợp về quy hoạch như là các vùng thủy sản, các vùng lúa gạo. Trong đó cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông, thủy lợi, hệ thống trạm trại, về kỹ thuật, về dịch vụ để hỗ trợ cho sản xuất cần phát triển.
Bên cạnh đó, cần các đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về thể chế tổ chức sản xuất. Hiện nay 10.000.000 hộ nông dân vẫn là cơ sở sản xuất chủ yếu trong sản xuất nông nghiệp, như vậy sẽ khó có thể tiến ra thị trường, khai thác được hết những cái hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Do đó, việc xây dựng hợp tác xã cần phải đẩy mạnh hơn nữa.
Tiếp sức nông nghiệp phát huy thế mạnh quốc gia
Nông nghiệp muốn mạnh thì phải có những doanh nghiệp mạnh. Từ định hướng của Chính phủ và những tháo gỡ về chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ về vốn, đất đai, nhiều doanh nghiệp đã có bứt phá, vươn tầm, từng bước khẳng định với thế giới về vị trí của một nước sản xuất nông nghiệp lớn.
Nhà máy gạo mang tên Hạnh Phúc của Tập đoàn Tân Long có tổng mức đầu tư lên tới 65 triệu USD. Việt Nam đã có một nhà máy chế biến gạo được đánh giá là lớn nhất châu Á. Hệ thống xi lô có sức chứa lên tới 200.000 tấn lúa/ngày. Xanh, sạch, hiện đại từ gieo trồng đến chế biến, hạt gạo từ nhà máy Hạnh phúc đã chạm đến những thị trường cao cấp nhất như Nhật Bản, châu Âu....
Ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Long cho biết: "Nhà máy Hạn phúc là sự tâm huyết của chúng tôi và đầu tư công nghệ quản lý 4.0. Nó minh bạch trong việc đánh giá chất lượng đầu vào và không phải chỉ xử lý ở phần ngọn như trước đây nữa, nên đảm bảo chất lượng gạo luôn là cao nhất. Vì vậy, các đối tác nước ngoài đã thấy sự đầu tư bài bản của chúng tôi nên họ đã liên tiếp đặt hàng".
Nông nghiệp đã là một trong những lĩnh vực chiến lược được quan tâm đầu tư về vốn trong những năm gần đây. Sự thay đổi của Tân Long đã đến từ nguồn vốn vay hơn 1.400 tỷ đồng mà Ngân hàng SHB hỗ trợ. Cái bắt tay này đã là cơ sở để ngành hàng lúa gạo có thêm những doanh nghiệp đủ mạnh để vươn tầm thế giới.
Nông nghiệp đã là một trong những lĩnh vực chiến lược được quan tâm đầu tư về vốn trong những năm gần đây. Ảnh minh họa.
Gần 15.000 doanh nghiệp nông nghiệp đã trở thành môi trường để cụ thể hoá giải pháp xanh hoá tín dụng. Những tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi sự lớn mạnh phải đi kèm với các yếu tố bền vững. 5 năm trở lại đây nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn đã là những khái niệm được ưu tiên đầu tư.
Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng xanh đã tăng từ hơn 71.000 tỷ đồng vào cuối năm 2015, lên đến gần 500.000 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Như vậy, trong 7 năm qua, tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh lên đến trên 700%. Trung bình mỗi năm tăng gấp đôi. Đáng chú ý, trong tổng quy mô tín dụng xanh có tới gần 50% nguồn vốn tín dụng đang tập trung cho các dự án nông nghiệp xanh.
Nông nghiệp, lợi thế quốc gia đang có thêm sức bật mới từ những định hướng đầu tư ưu tiên phát triển xanh, tăng trưởng bền vững.
Khát vọng thế hệ nông dân triệu đô
Cùng với sự lớn mạnh của những ngành hàng chủ lực thì nông sản, ẩm thực, kết hợp văn hoá, du lịch sẽ là mảnh đất màu mỡ để phát triển kinh tế đất nước. Nông nghiệp vì thế đang có sự hấp dẫn người trẻ, tiếp nối các thế hệ đi trước với khát vọng làm giàu và đưa Việt Nam trở thành quốc gia lớn mạnh về nông nghiệp.
Sở hữu hơn 1.000 ha đất nông nghiệp, ông Huy (Long An) được xem là đại diện cho một thế hệ nông dân lái xe hơi thăm đồng. Quê ông ở huyện đức Huệ, Long An, năn và đất phèn đã nhường chỗ cho hàng trăm ha chuối. Từ đây thương hiệu chuối FOLA đã có măt tại thị trường khó tính nhất như Nhật Bản.
Bố con ông Huy đã và đang cụ thể hoá một khát vọng trở thành những nông dân triệu đô. Luôn ở trong tâm thế khởi nghiệp nông nghiệp là cách để tìm ra những hướng đi mới, những giá trị mới.
Anh Võ Quang Thuận - con trai ông Huy giờ đã có thể quản trị một ngành hàng thay bố. Năng lượng của một người trẻ đang tạo ra những đột phá cả về tư duy và hành động với khát vọng đưa mặt hàng trái cây của Việt Nam phát triển ngang tầm thế giới.
Tự tin vì biết đó là lợi thế quốc gia. Hiểu về lợi thế thì sẽ biết cách làm cho lợi thế trở thành sức mạnh. Con đường nông sản năm 2023 sẽ là năm của những khát vọng vươn tầm. Một thế hệ nông dân triệu đô sẽ cùng Việt Nam cất cánh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.17315128062103202-et-couq-gnourt-nert-uad-ihg-teiv-nas-gnon/et-hnik/nv.vtv